“Thể hiện tính nghiêm túc và dân chủ”
- Ông có nhận xét gì về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này?
Trong lịch sử chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp là các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. Hiến pháp lần này có tính kế thừa bản Hiến pháp 1992 vì những nội dung tinh hoa của các bản trước nên kế thừa và phát huy. Tuy nhiên, lần sửa đổi này khá nhiều. Chỉ giữ nguyên 14 điều, còn sửa đổi, bổ sung những 99 điều, và bổ sung mới 11 điều.
Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này đã đảm bảo được sự nghiêm túc và tính dân chủ. Điều này thể hiện khá rõ là đối tượng lấy ý kiến cho sửa đổi Hiến pháp khá rộng, là tất cả nhân dân, đủ mọi thành phần, tầng lớp trong lẫn ngoài nước, cả ý kiến trong Đảng, ngoài Đảng,… và thông qua tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, các tờ báo lớn cũng đã mở chuyên mục về sửa đổi Hiến pháp để thường xuyên cập nhật thông tin đến độc giả. Không có “vùng cấm” trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này.
- Ông vừa đề cập đến “vùng cấm” trong sửa đổi Hiến pháp, vậy cụ thể là những gì?
“Vùng cấm” là cách nói của nhiều người khi đề cập đến những vấn đề về Đảng, tổ chức Đảng, kiểm soát quyền lực, vấn đề quyền con người,… là những vấn đề trước đây ít khi được nói đến. Chúng ta thảo luận dân chủ, nghiêm túc, đề cập mọi lĩnh vực, vấn đề mà người dân đang rất quan tâm… miễn là có trách nhiệm với dân, với nước.
Người dân cũng mong muốn Đảng, Nhà nước và Hội đồng soạn thảo Hiến pháp phải tiếp thu những góp ý một cách tối đa, cầu thị, tiếp thu cả những ý kiến phản biện,… những điều nào không tiếp thu được thì phải giải trình một cách cặn kẽ để dân hiểu.
Rõ nhất là trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, vấn đề về Đảng cũng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi. Trong Hiến pháp lần này, Điều khoản về Đảng cũng đã sửa đổi bổ sung khá rõ ràng.
“Quy định rõ vai trò, chức năng và hoạt động của Đảng”
- Vấn đề về Đảng được đề cập như thế nào trong sửa đổi Hiến pháp lần này, thưa ông?
Điều 4 trong Hiến pháp 1992 lần này cũng được sửa đổi bổ sung. Cụ thể là có 3 khoản. Trước kia Điều 4 khẳng định vai trò của Đảng là lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lần này nội dung này được quy định trong Khoản 1.
Ngoài ra, còn bổ sung thêm Khoản 2 và Khoản 3. Khoản 2 nói về trách nhiệm của Đảng, đó là Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đây cũng là mục đích của Đảng. Đưa Khoản 2 này nhằm làm rõ hơn những điều mà lâu nay chúng ta vẫn e ngại là Đảng có làm tốt vai trò của mình không và có chịu sự giám sát của dân không…
Trong Khoản 3 của Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này cũng quy định rõ: các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật quy định. Có nghĩa là Đảng không đứng trên Hiến pháp và không đứng trên pháp luật.
Lâu nay có ý kiến lo ngại là Đảng sẽ đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật, nhưng với quy định bổ sung lần này thì có nghĩa Đảng cũng phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật dù là lực lượng lãnh đạo. Ở đây, Đảng không chỉ phục vụ nhân dân mà còn phải chịu sự giám sát của nhân dân. Lần sửa đổi bổ sung này theo tôi là một tiến bộ, quy định rõ mục đích, trách nhiệm của Đảng.
“Xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực”
- Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp lần này, ông quan tâm đến vấn đề nào nhất?
Nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp lần này đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề tôi quan tâm nhất là vấn đề quyền con người, kiểm soát quyền lực và vấn đề quy định về đất đai. Thực ra đây cũng là 3 vấn đề cốt lõi nhất.
Thứ nhất đó là quyền con người và quyền công dân. Quyền con người là thuộc tính mọi người sinh ra đều có quyền được như thế. Quyền cơ bản, tối thiểu của con người, trong đó có quyền sống, được hoạt động. Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền con người nhưng lại chưa có quy định rõ ràng. Trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này sẽ đề cập đến vấn đề này.
Quyền con người rộng hơn quyền công dân vì quyền công dân là khi người ta đến một độ tuổi nào đó thì sẽ có quyền công dân. Quyền con người thì khi sinh ra đã tự thân có rồi, ở tất cả các nước trên thế giới đều có quy định về điều này.
Thứ hai là vấn đề kiểm soát quyền lực. Thực ra kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Thông qua kiểm soát quyền lực sẽ giúp cho các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Làm sao đó để cho 3 cơ quan này không bị lợi dụng, lạm quyền, lầm quyền, chuyên quyền.
Trong các kì họp Quốc hội trước đó, tôi cũng đã phát biểu rằng bất kì nơi nào phát sinh quyền lực thì cũng phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực. Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì rất dễ dẫn đến lộng quyền, lạm quyền và chuyên quyền. Tình trạng lợi dụng quyền lực để phục vụ lợi ích riêng cho mình hoặc lợi ích nhóm là rất dễ xảy ra nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Thứ ba là vấn đề về đất đai, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Điều 57 và 58 trong Hiến pháp 1992 đã quy định về đất đai, nhưng lần này được sửa đổi và bổ sung thêm. Lần này, dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định rõ: Nhà nước chỉ thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thực sự cần thiết, vì lý do quốc phòng – an ninh, vì lợi ích quốc gia hoặc lợi ích công cộng.
- Xin cảm ơn ông.