Bài 1: Giao lưu trực tuyến: "AI ĐÃ GIẾT CHẾT FLAPPY BIRD?"
Bài 2: Phó TGĐ FPT Online dùng từ "rất rất rất" tuyệt để nói về Hà Đông
Bài 3: “Con chim Flappy Bird không chết”
Bài 4: "Nguyễn Hà Đông đi bằng tên lửa thì có thể chết bất cứ lúc nào"
Trong buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức tại Báo điện tử Trí thức trẻ 14h00 ngày 12/2/2014, ông David Nguyễn đã có nhiều chia sẻ thú vị về Nguyễn Hà Đông và game gây sốt "Flappy Bird".
Có blogger người Mỹ cho rằng, quyết định gỡ game Flappy Bird là cực kỳ thông minh vì: (1) Về tài chính, Nguyễn Hà Đông đã thành công. (2) Thời gian 22 tiếng được báo trước khi gỡ sẽ là lúc lượng tải về tăng đột biến. (3) Tên tuổi Nguyễn Hà Đông sẽ được lợi rất nhiều. Nếu anh ra game mới dưới danh nghĩa "sản phẩm tiếp theo của cha đẻ Flappy Bird" thì người dùng sẽ phát sốt. Cá nhân ông đánh giá thế nào về nhận định này? (Một dịch giả gửi thư từ Mỹ về)
Góc nhìn của blogger này là góc nhìn của 1 người làm kinh doanh thì mọi thứ đều chính xác. Cơn sốt rồi cũng qua, không thể mong đợi Flappy Bird sống mãi mà cần có những thứ mới hơn và ngay cả Hà Đông cũng hiểu vấn đề này. Để game này tiếp tục sống thì mọi chuyện sẽ không còn ở mức kịch tính và sự quay lại của Đông sẽ không có độ nóng để tiếp tục tạo nên 1 game tốt được nhiều người chơi, hưởng ứng. Và lại càng không có chuyện Hà Đông sẽ tạo ra sóng lần 2 được. Như trường hợp của Running Man Vũ Xuân Tiến cũng vậy. Thời gian này, có mấy ai nhắc tới bạn ấy nữa đâu.
Đặt giả thuyết “cha đẻ” của Flappy Bird Nguyễn Hà Đông sẽ mở lại trò chơi này, liệu sức hút có còn nóng như thế nữa hay không? (Vũ Thu Thủy, Quảng Ninh)
Cảm ơn bạn về câu hỏi. Chúng ta phải thẳng thắn. Game trên App luôn có những game mới. Mọi người sẽ nhanh tìm tới game khác khi mọi chuyện lắng xuống. King và Candy là hai trò chơi điển hình như vậy.
Thưa ông Khoa, tôi có đọc được một số bài báo của ông. Xin gửi lời chào tới ông! Ông cho tôi hỏi, việc Hà Đông lựa chọn "tránh" truyền thông trong thời gian qua có phải là một sự khôn ngoan? Tránh truyền thông, phải chăng Hà Đông đang dắt mũi truyền thông? Làm vậy chỉ để tên tuổi của cậu nổi hơn nữa? Nếu là ông, ông sẽ làm gì? Và lời khuyên ông muốn dành cho Đông ở đây là gì? (Tuyết Ái, Ba Vì, Hà Tây)
Thưc tế không ai có thể dắt mũi truyền thông ngoài cơ quan có thẩm quyền. Truyền thông là con dao 2 lưỡi. Nếu không khéo léo thì tôi dám chắc người dùng nó sẽ bị thương.
Hà Đông không thể dắt mũi truyền thông, vì nếu ko biết làm thì chắc chắn bạn ấy sẽ “thân bại danh liệt”. Và nếu báo chí không khai thác con số 50.000 USD/ngày thì cục thuế và nhiều ban ngành sẽ ko để ý. Nếu làm việc cứng nhắc, Hà Đông sẽ bị kiểm tra thu nhập và kiểm tra bản quyền hay rất rất nhiều thứ khác. Đó không phải là cách làm khôn ngoan khi nghĩ mình có thể dắt mũi ai đó.
Việc Hà Đông tránh không tiếp xúc với truyền thông cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, mọi phát ngôn của Đông sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới bản thân Đông trong lúc này. Và nếu tôi là Đông, tôi cũng sẽ chọn cách “im lặng thì sóng gió sẽ qua”. Một khi bạn càng cố gắng giải thích với báo chí thì chỉ càng làm tăng nghi ngờ với những hành động bạn đã làm. Cứ để thời gian sẽ làm chuyện lắng dịu.
Nếu nói là cho bạn Đông một lời khuyên thì tôi không dám. Bởi trong hoàn cảnh này, chính xác là Hà Đông đang giải quyết rất tốt cuộc khủng hoảng này.
Là một chuyên gia về marketing, theo ông, trong sự kiện Flappy Bird vừa qua, lẽ ra các cơ quan chức năng nhà nước của Việt Nam cần tận dụng cơ hội này như thế nào để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới để nhiều người biết đến Việt Nam hơn? (Vũ Thu Huyền, Hà Nội)
Câu hỏi này khá thú vị với tôi. Cảm ơn bạn rất nhiều về câu hỏi này. Về vấn đề này, có rất nhiều khía cạnh khác nhau và mọi chuyện đến và đi rất nhanh. Ai cũng hiểu 1 bộ máy như chính phủ hay bộ máy doanh nghiệp cần thời gian và tài chính để cơ thể tận dụng làn sóng Flappy Bird để PR cho quốc gia Việt Nam. Và nhất là khi quyết định chọn 1 sản phẩm game như thế, cần phải xem xét nhiều vấn đề liên quan tới nhau.
Tôi thử đưa ra một ví dụ: nếu game này thực sự bị 1 công ty khác kiện về việc vi phạm bản quyền, vậy việc gắn cái tên quốc gia lên để quảng bá hình ảnh của mình thì có khác nào đang làm xấu đi hình ảnh quốc gia, dân tộc?
Việt Nam có rất nhiều người hay doanh nghiệp sử dụng những scandal để PR đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tới yếu tố nhất thời chứ không lâu dài. Và điều đó thực sự là không có chiều sâu và điều tiếng không hay chắc chắn sẽ còn, ghi dấu với tên thương hiệu đó.
Nhưng theo quan điểm của tôi, nếu như Đông hay nhiều người khác đang phát triển những dự án thế này thì họ cần phải nâng cao hơn nữa niềm tự hào vì mình là người Việt Nam. Đây là cách tốt để tự mình PR cho chính hình ảnh của quốc gia, dân tộc.
Mọi người chỉ biết tới game Made in Việt Nam khi truyền thông khai thác tin về chủ nhân của game này. Vậy nếu trong game có những hình ảnh hay tình tiết made in Việt Nam khác thì tôi chắc chắn rằng sẽ được nhiều người chú ý và ủng hộ hơn. Việc quảng bá hình ảnh của đất nước khônng thể cứ mong đợi vào nhà nước mà cần sự chung tay của toàn thể người dân Việt.
Theo nhận định của ông, số tiền 1 tỷ/ 1 ngày của Đông từ trò chơi này từ đâu ra?
Từ việc người chơi phải chơi lại khi không thể vượt qua những chiếc ống màu xanh. Và mỗi lần như thế thì game này sẽ chạy quảng cáo của Google và điều tất nhiên, số tiền chạy quảng cáo đó thuộc về Đông. Các bạn không vượt qua thử thách càng nhiều thì số tiền quảng cáo thu về cho Google và Đông càng lớn.
Nếu được nói chuyện với Hà Đông, ông sẽ nói gì với cậu ấy? (bạn đọc Vũ Vũ, mail [email protected] )
Nếu gặp Đông, tôi chỉ có thể nói: “Tôi không thích chú chim Flappy Bird nhưng tôi thích sự đam mê và nhiệt huyết của bạn. “Stay hungry, stay foolish”. Hi vọng bạn sẽ hiểu vả áp dụng vào cuộc sống của mình.