Không có chuyện bộ máy giảm nghèo “ngốn” 77 sân Mỹ Đình

Chiều 20-2, tại hội nghị của Ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (trưởng Ban chỉ đạo) đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Bộ Xây dựng đề xuất về việc chi ngân sách xây 40.000 nhà chống lũ cho người dân các tỉnh miền Trung. Vấn đề này đã được Chính phủ thảo luận. “Đối với vùng bão lũ thì không chỉ nhà cửa mà các công trình hạ tầng khác cũng phải được xây dựng kiên cố” - ông Vũ Văn Ninh nói.

Nhân dân và Nhà nước cùng làm

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết vừa qua bộ đã triển khai thí điểm làm 700 căn nhà chống lũ lụt tại 14 tỉnh miền Trung, kết quả cho thấy rất tốt, đợt lũ vừa rồi rất cao nhưng 700 căn nhà này đều bền vững, an toàn tính mạng, tài sản và nhiều nhà còn cho hàng xóm sang trú ẩn nhờ. Từ đó, Bộ Xây dựng đề xuất đầu tư làm thêm 40.000 căn nhà như vậy cho các tỉnh miền Trung. Tổng ngân sách cho chương trình khoảng trên 1.000 tỉ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết khoản này chi không nhiều, mỗi hộ cho họ 12 triệu đồng, cho vay thêm 15 triệu nữa. Bộ Tài chính cũng khẳng định ủng hộ và cân đối được ngân sách. Tinh thần theo phương châm 1+1+1, nghĩa là Nhà nước cho một phần, cho vay một phần và vốn của hộ dân tự vận động một phần. “Sau bão lũ vừa qua chúng tôi đi một số tỉnh thấy rằng tiền từ trung ương chi về để khắc phục hậu quả còn nhiều hơn, ví dụ đi bốn tỉnh thì trung ương phải chi 2.000 tỉ đồng, mỗi tỉnh phải chi khoảng 500 tỉ đồng hỗ trợ gạo, tôn, ngói, tấm lợp... để bà con khắc phục” - Thứ trưởng Nam nói.

Giảm nghèo bền vững

Theo phản ảnh của đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, có ý kiến từ địa phương đề nghị cắt bỏ những khoản chi hỗ trợ tiền điện, tiền ăn tết cho người nghèo vì... khó thực hiện. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu câu hỏi: “Nếu nói cắt bỏ vì khó quá thì đó là ý kiến của người dân hay của cán bộ. Tôi sợ đó không phải ý kiến của người dân, mà có khi vì cán bộ thấy khó làm nên xin cắt?”. Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời: “Đây là ý kiến phản ảnh của một số ban chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh”. Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Thế Phương (thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) nói có những khoản hỗ trợ chỉ vào khoảng 30.000 đồng/tháng, người dân ở vùng sâu vùng xa nếu đi đến trung tâm xã để nhận thì có khi tiền xe ôm còn nhiều hơn. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng có những khoản hỗ trợ mà Nhà nước phải đưa đến tận tay chứ không nên bắt dân đi lại tốn kém.

Thứ trưởng Phương cho rằng thực trạng tai nạn giao thông hiện nay đang ảnh hưởng nặng nề đến công tác xóa đói giảm nghèo, mỗi năm gần 10.000 người chết và gấp ba số đó là thương tật, mất khả năng lao động, nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo kinh niên vì mất lao động chính.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đề cập đến bất cập trong chính sách hỗ trợ một số dân tộc ít người. Ông Giàng Seo Phử nói theo Liên Hiệp Quốc thì dân tộc có dưới 10.000 người cần có ưu đãi hỗ trợ, ta có 16 dân tộc như vậy nhưng chỉ có 9 dân tộc được ưu đãi, nghĩa là còn 7 dân tộc khác không được. Hiện Việt Nam có dân tộc còn hơn 300 người, đặc biệt khó khăn, cần tập trung hỗ trợ, nếu không khéo sẽ biến mất trên bản đồ dân tộc nước ta.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý tỉ lệ tái nghèo còn cao, bình quân cứ 3 hộ thoát nghèo có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tách hộ. “Tôi nghe con số tỉ lệ tái nghèo cũng giật mình. Bây giờ chúng ta phải hướng đến giảm nghèo bền vững. Một trong những giải pháp đã thống nhất và trình Quốc hội, trình Chính phủ là hỗ trợ cả cho những đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo. Tất nhiên ở đây yếu tố quan trọng đầu tiên là tiền đâu”.

Theo Phó thủ tướng, thời gian tới cần xác định rõ đối tượng nào hỗ trợ theo hướng cho không, đối tượng nào cho vay và mức độ hỗ trợ lãi suất cũng tùy theo từng đối tượng. Xây dựng chính sách khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện đặc biệt về vốn.

Một người dân đứng trước ngôi nhà bị sập ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng do bão số 11 gây ra (tháng 10-2013). Chương trình hỗ trợ xây nhà chống lũ nhằm giúp người dân miền Trung bớt khổ - Ảnh: Thuận Thắng

Không có bộ máy làm công tác giảm nghèo

Tại hội nghị, đề cập thông tin số tiền từ chương trình xóa đói giảm nghèo vào khoảng 120.000 tỉ đồng/năm nhưng chi cho bộ máy sự nghiệp quá lớn (theo thông tin trên một tờ báo thì mỗi năm chi vào bộ máy xóa đói giảm nghèo khoảng 3,5 tỉ USD, tương đương giá trị xây dựng 77 sân vận động Mỹ Đình), Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đó là cách hiểu không đúng bản chất. Bà Chuyền nói: “Tổng nguồn vốn đó bao gồm chi cho đầu tư xây dựng phát triển và chi sự nghiệp. Gọi là chi sự nghiệp nên có người hiểu nhầm là chi cho quản lý, nhưng không hề cho quản lý.

Chi sự nghiệp nghĩa là cho những lĩnh vực trực tiếp hỗ trợ, ví dụ như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ cho vay đi học, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ nước sinh hoạt... Đó là kinh phí sự nghiệp. Còn đầu tư phát triển là chương trình đầu tư hạ tầng, vừa qua các huyện được trên 500 công trình, trong đó khoảng 300 công trình giao thông, rồi trường học... Đó là tổng nguồn lực cho giảm nghèo”. Theo bà Chuyền, nếu như với các chương trình khác thì tỉ lệ giữa đầu tư và sự nghiệp có thể xấp xỉ nhau, riêng chương trình giảm nghèo thì tỉ lệ đầu tư trên 20%, còn 80% cho sự nghiệp, như vậy chi hỗ trợ là chính.

Bộ trưởng Chuyền cũng cho biết về bộ máy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, Bộ Lao động - thương binh và xã hội không có biên chế riêng, hiện một số anh chị em trong Vụ Bảo trợ xã hội kiêm nhiệm, nghĩa là kinh phí cho bộ máy không có. Ở địa phương cũng không có người làm thường trực, giao cho ngành nào đó làm thường trực chứ không đặt thêm bộ máy.

Trong phát biểu của mình, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này. Phó thủ tướng nói: “Vừa rồi cũng có báo chí hỏi tôi. Phân chia ra vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, nhưng đều là ngân sách cả. Chi tiêu đó đều cho các chương trình mục tiêu. Ví dụ đào tạo, không gọi là đầu tư được, nên gọi là chi sự nghiệp. Đừng hiểu rằng toàn bộ cái đó chi cho quản lý và chi cho bộ máy, không có đâu”.

Ông Phạm Xuân Bình (giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình): Rất có ý nghĩa

Chương trình xây nhà tránh bão lũ cho người dân vùng bão lũ được thực hiện chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân nghèo Quảng Bình - vùng phải gánh chịu nhiều thiệt hại vì bão lũ hằng năm. Vấn đề này vừa qua cũng được thực hiện ở Quảng Bình nhưng chưa được nhiều. Nay chương trình triển khai rộng hơn thì không chỉ người dân cần có nhà tránh bão lũ được hưởng lợi mà người dân thuộc diện gia đình có công với nước mà hoàn cảnh còn khó khăn và người dân nghèo sống trong vùng bão lũ cũng có cơ hội hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước. Tôi rất mừng vì nó rất cần thiết, rất có ý nghĩa.

Hiện toàn tỉnh Quảng Bình đang còn ít nhất 8.000 hộ dân có nhu cầu về nhà ở, đương nhiên là trong đó đa số họ thuộc diện hộ nghèo, sống ở vùng nông thôn và trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lũ. Bao năm qua họ chưa thể tự xoay xở nhà ở được, sức lực của tỉnh cũng chưa thể hỗ trợ tốt cho người dân. Do đó, chương trình hỗ trợ nhà cho người dân vùng bão lũ sẽ tạo cho tỉnh và người dân Quảng Bình có được sự ổn định về nhà ở. Từ đó công việc sản xuất, làm ăn, sinh sống... của họ cũng ổn định theo. Có thể từ đây mà những trăn trở của chúng tôi sẽ phần nào được giải quyết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại