Anh Lê Khắc Long, sinh năm 1976, quê ở xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), hiện là công nhân của Gara ô tô Honda (Giải Phóng, Hà Nội) kể: “Năm 2010, em họ (con nhà ông chú) tôi là Lê Khắc Huy (sinh năm 1995, quê ở Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) bị tai nạn giao thông phải đưa đi cấp cứu trong bệnh viện.
Sau khi đưa vào Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên thì các bác sĩ bệnh viện huyện chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vì bệnh viện huyện Cẩm Xuyên không đủ trang thiết bị máy móc để chẩn đoán và chữa trị cho em tôi”.
Theo anh Long thì sau khi bệnh nhân đã được chuyển tuyến thì ngay cả chính các y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng không thể chẩn đoán chính xác được là em họ anh bị chấn thương như thế nào, ở đâu để có biện pháp chữa trị thích hợp.
“Em tôi kêu đau ở vùng đầu và không thể ăn uống gì được. Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh sau khi khám và chụp, xét nghiệm các kiểu thì đi đến kết luận: toàn thân bình thường, xương cốt không sao cả. Còn về việc em tôi kêu đau đầu, các bác sĩ dự chẩn là có thể do triệu chứng viêm tai, mũi hoặc họng gây ra và kê đơn thuốc điều trị bệnh viêm tai-mũi-họng cho em tôi uống”, anh Long cho biết.
Cũng theo anh Long, sau 3 ngày điều trị bệnh “viêm tai-mũi-họng” theo đơn thuốc mà các bác sĩ đã kê, bệnh tình của em họ anh không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày một đau hơn. Thấy vậy, gia đình anh đã đề nghị với các bác sĩ bệnh viện tỉnh xin được chuyển ra bệnh viện tuyến trên ngoài Hà Nội.
Anh Long cho biết: “Khi gia đình tôi đề nghị xin cho em tôi chuyển lên tuyến trên vì bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm thì các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh không đồng ý, họ lấy lý do: bệnh nhân mới điều trị và uống thuốc được 3 ngày, chưa đủ thời gian để… khỏi. Cần phải điều trị thêm một thời gian nữa.
Nhưng 2 ngày sau đó em tôi vẫn không khỏi, thậm chí còn kêu vùng đầu đau hơn trước rất nhiều và không thể ăn uống gì được. Gia đình chúng tôi lại tiếp tục xin chuyển tuyến trên nhưng các bác sĩ vẫn bảo điều trị thì phải có thời gian, phải đợi. Song lần này thì gia đình chúng tôi kiên quyết xin chuyển viện cho em tôi.
Lãnh đạo bệnh viện không đồng ý cho chuyển tuyến nên không ký vào giấy xin chuyển viện, gia đình tôi phải tự đưa em tôi ra Bệnh viện Nhi trung ương để khám và điều trị”.
Theo anh Long, sau khám và chụp chiếu, xét nghiệm tổng thể cho em họ của anh, các bác sĩ của Bệnh viện nhi Trung ương đã đi đến kết luận: bệnh nhân bị thương ở vùng đầu và bị rò rỉ máu não, máu bị tụ trong khiến bệnh nhân cảm thấy đầu đau nhức. Cần phải phẫu thuật để hút máu ngay. Lúc này gia đình anh mới té ngửa người, cũng may mà chuyển tuyến kịp, nếu không thì tính mạng của em họ anh chắc khó lòng giữ được.
“Sau khi làm phẫu thuật xong, em tôi nằm lại điều trị ở Bệnh viện Nhi trung ương hơn 1 tuần rồi được xuất viện để về quê. Khoảng nửa tháng sau thì gần như hồi phục bình thường. Nghĩ mà vẫn còn thấy “sợ” cách khám – chữa bệnh ở các bệnh viện cấp cơ sở, không phát hiện ra bệnh, không đủ khả năng điều trị nhưng vẫn cố giữ bệnh nhân ở lại, không cho chuyển tuyến, kể cũng lạ thật”, anh Long nói.
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ riêng trường hợp anh Long mà rất nhiều người cho biết họ đã từng phải chứng kiến và đối mặt với tình trạng trên. Không riêng gì ở Hà Tĩnh mà ở các địa phương trong cả nước, ở các bệnh viện cấp cơ sở, tình trạng “giữ bệnh nhân bằng mọi giá” xảy ra khá phổ biến.
Vậy đâu là lời giải cho thực trạng khá “lạ lùng” này? Đằng sau thực trạng trên còn có những uẩn khúc?
PV sẽ tiếp tục cập nhật thông tin để làm rõ về vấn đề này trong các bài viết sắp tới.