Không cần vào “lò luyện thi” vẫn đạt điểm cao môn Toán

Thiên Di |

(Soha.vn) - Thầy giáo Nguyễn Thượng Võ – từng giảng dạy môn Toán trên VTV2 khuyên các sỹ tử không nên vào các “lò” luyện thi mà cần tự học thì sẽ đạt điểm cao môn Toán.

Thầy giáo Nguyễn Thượng Võ, cựu giáo viên dạy Toán, Trường THPT Hà Nội Amsterdam, đã có nhiều năm kinh nghiệm luyện thi đại học. Là tác giả của nhiều đầu sách tham khảo cho học sinh THPT như: 200 bài toán về hệ thức lượng trong tam giác, Phương trình Lượng giác, Giải tích lớp 12 (NXB Giáo dục); 300 bài toán về hệ thức lượng trong tam giác (NXB TP.HCM) và đã từng tham gia giảng dạy môn Toán trên VTV2.

Thầy Nguyễn Thượng Võ -  giáo viên luyện thi đại học môn Toán nổi tiếng ở Hà Nội đưa ra lời khuyên cho sỹ tử đạt điểm cao môn Toán.

Thầy Nguyễn Thượng Võ - giáo viên luyện thi đại học môn Toán nổi tiếng ở Hà Nội đưa ra lời khuyên cho sỹ tử đạt điểm cao môn Toán.

Thầy Thượng Võ hy vọng lời khuyên này sẽ giúp ích một phần nhỏ bé vào kết quả thi của các em học sinh lớp 12. Thông tin liên hệ với thầy Nguyễn Thượng Võ qua địa chỉ email: [email protected].

Trước hai kỳ thi quan trọng đối với học sinh lớp 12, thầy Thượng Võ - giáo viên dạy Toán nổi tiếng ở Hà Nội cho rằng, tại sao học sinh ở các vùng ngoài thành phố lớn lại đạt điểm cao trong kỳ thi đại học mặc dù không vào các “lò” luyện thi? Bởi đó là do các em tự học là cơ bản và chỉ nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường các em học.

“Tôi đã từng luyện thi ở các "lò" tại Hà nội nhưng tôi vẫn khuyên các em không nên vào các "lò", còn tại sao tôi dạy ở đó vì có "cầu" thì phải có "cung"!. Điều quan trọng là các em phải tự học, không cần đến các trung tâm luyện thi mà vẫn có thể hệ thống hóa kiến thức và đạt được những điều trên thông qua việc làm nhiều bài tập”, thầy Thượng Võ chia sẻ.

Thầy Võ cũng khuyên các sỹ tử rằng, không nên ôn tập “tham”, “cày đêm cày ngày” mà cần ôn luyện những phần chưa yên tâm chứ không học lan man sẽ dẫn đến mệt mỏi và rối trí.

Các dạng cơ bản trong đề thi Toán tốt nghiệp, đại học:

Theo thầy Thượng Võ, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng năm nay sẽ không khác gì các năm gần đây, xoay quanh kiến thức cơ bản lớp 12. Đề thi ĐH, CĐ chứa đựng đề thi tốt nghiệp. Điều này có nghĩa là những em có kết quả thi Tốt nghiệp từ điểm 8 trở lên (thực chất ) thì kết quả thi Đại học-Cao đẳng phải được từ 6 điểm trở lên.

So với đề thi tốt nghiệp, đề thi ĐH – CĐ sẽ có thêm các phần: lượng giác, giải tích tổ hợp, xác suất, hình học không gian của năm lớp 11. Và lưu ý trong đề thi tốt nghiệp thường có câu về Số phức (chương 4 lớp 12), đề thi ĐH - CĐ cũng có thể có câu đó nhưng cũng có thể thay bằng câu Giải tích tổ hợp hay Xác suất của lớp 11.

Ngoài ra, trong đề thi ĐH - CĐ bao giờ cũng có 1 câu khá khó (1 điểm) để chọn học sinh giỏi, câu đó thường là câu về Bất đẳng thức ra dưới dạng: chứng minh, tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất... của một biểu thức chứa căn, log...

Vì vậy muốn đạt kết quả tốt trong 2 kỳ thi sắp tới, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản năm lớp 12, làm tốt các bài tập trong SGK và các sách bài tập 12, tự làm, có gì vướng mắc mới hỏi bạn hoặc hỏi thầy hay người quen có thể giúp mình nhưng nhớ là phải tự làm trước.

Những lỗi và cách khắc phục khi làm Toán?

Nhiều em có kết quả thi không tốt. Vì sao lại vậy? Theo thầy Võ thì các em hay mắc những lỗi cơ bản trong khi làm bài thi như sau:

Do không đọc kỹ đầu bài (để làm tốt các em phải nắm vững giả thiết có nghĩa là các điều kiện mà đề bài đặt ra). Hơn nữa, trường hợp các em hiểu được cách làm nhưng lại sai về tính toán.

Các em phải nhớ rằng, trong kỳ thi người ra đề bao giờ cũng ra làm sao để kiểm tra học sinh được 2 điều: kiến thức cơ bản và kỹ năng cơ bản. Cứ sai 1 trong 2 điều đó thì dứt khoát kết quả không như mình mong muốn.

Trong toán học thì "sai một li sẽ đi vạn vạn dặm", không sao lấy lại được. Vì vậy khi làm bài phải thật tập trung, thật cẩn thận xem xét kỹ lưỡng đầu bài. Lời khuyên cho các em là: cầm tờ đề thi, đọc thật tập trung, vừa đọc vừa phải phác thảo trong óc hướng giải, sau đó đánh dấu vào những câu làm được (thường là những câu nằm trong chương trình 12). Còn những câu có vẻ khó nên đánh dấu rõ để sau khi làm tốt những câu gọi là " dễ", mới làm những câu "khó" còn lại.

Riêng câu dùng để chọn học sinh giỏi thì nên làm sau cùng sau khi rà soát thật kỹ lưỡng những câu đã làm. Ở đây tôi nhắc thêm các em không nên làm ra nháp đầy đủ rồi mới chép vào tờ giấy thi vì như vậy mất thời gian và có khi chép từ nháp vào bị sai do thiếu tập trung như khi làm. Do đó nên viết ngay vào giấy thi, chỉ dùng nháp cho những tính toán. Có như vậy mới tranh thủ được thời gian dành cho các câu khó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại