Theo Cục Kiểm ngư, ngày 24/5 tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã tăng thêm 5 tàu, tính đến nay là 127 tàu (bao gồm 44 tàu hải cảng, 18 tàu vận tải 14 tàu kéo, 50 tàu cá và 1 tàu chiến), 4 máy bay luôn bay ở tầm cao 300-500m, 1 tàu hộ vệ tên lửa. Phía Trung Quốc phản ứng mạnh và nguy hiểm hơn trước, tấn công làm 8 tàu chấp pháp của VN bị hỏng trang thiết bị nghe nhìn, ăng ten, và bị móp méo, 3 kiểm ngư bị thương nhẹ. Trước tình hình này, các chuyên gia trong nước và ngoài nước đều có chung nhận định là Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Nên kiện Trung Quốc như thế nào?
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ phân tích trên tờ Tuổi Trẻ: “Khi xảy ra tranh chấp, các bên được quyền tự do lựa chọn một hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) theo phụ lục VI, Tòa án công lý quốc tế (ICJ), Hội đồng trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) hoặc Hội đồng trọng tài đặc biệt theo phụ lục VIII (điều 287 UNCLOS). Điều này đồng nghĩa với việc có thể vừa kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật biển, vừa kiện ra Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII hoặc tiếp tục khởi kiện ra ICJ hoặc Hội đồng trọng tài đặc biệt”.
Ông nhấn mạnh, trong khuôn khổ một vụ kiện quốc tế như vậy, chúng ta có thể đồng thời yêu cầu Hội đồng trọng tài, tòa án quốc tế áp dụng các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn các hành vi xâm chiếm, tấn công, phá hoại tài sản hợp pháp của công dân và các cơ quan chấp pháp đang thực thi công vụ trên phần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài, để cùng xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung mà Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 đã quy định.
Tàu Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. (Ảnh: Lao Động)
Cũng theo nguồn trên, ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu Luật biển và Đại dương của Philippines nhận định, Việt Nam có thể nêu vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc vì đây là hành động gây nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh. Có thể nêu ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hoặc Hội đồng Bảo an. Đề xuất này chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phủ quyết tại Hội đồng Bảo an nhưng chỉ cần vấn đề được nêu là đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có thể đề xuất một nghị quyết mà ít nhất thể hiện sự không ủng hộ của cộng đồng quốc tế với hành vi của Trung Quốc. Một khi các biện pháp tại Liên Hiệp Quốc đã được sử dụng, Việt Nam có thể tiến hành vụ kiện chống Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và/hoặc Trung Quốc. Các vụ kiện này có thể được tiến hành riêng rẽ hoặc cùng lúc. Tiếp đó, “Việt Nam có thể kiện Trung Quốc vì hành vi chỉ đạo hay cho phép và bảo vệ các hành vi phạm pháp, gây thương vong. Việt Nam có thể yêu cầu dàn hòa bắt buộc theo phần XV và phụ lục VI của UNCLOS (Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển). Đây là các biện pháp không mang tính ràng buộc nhưng có thể giúp đưa báo cáo, trong đó liệt kê các quyền của các bên ra cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không thể tránh các biện pháp hòa giải bắt buộc này.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu Luật biển và Đại dương của Philippines. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Sau khi tiến hành biện pháp này mà Trung Quốc vẫn không chịu thay đổi chính sách của mình, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo mục XV và phụ lục VII vì hành động đơn phương trong vùng biển đang tranh chấp và vì không tuân thủ UNCLOS khi dùng tàu một cách nguy hiểm chống lại tàu Việt Nam. Việt Nam cũng có thể kiện đòi đền bù”.
Đồng quan điểm trên, theo thông tin trên tờ Vietnam+, tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard nêu quan điểm, Việt Nam có thể đưa vấn đề ra Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc là áp lực công luận quốc tế, có thể làm chùn bước Trung Quốc. Đây là thủ tục có thể làm bất cứ khi nào có đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là việc Trung Quốc đem chiến hạm đe dọa và dùng các thủ đoạn vũ lực với lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam.
“Để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và khẳng định để đưa ra vụ kiện, Việt Nam cần phải hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan và chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng pháp lý”, vị này nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, tiến sĩ Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Luật quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM lại cho rằng, Việt Nam không nên nóng vội khởi kiện tại Tòa án công lý quốc tế. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu các quy định của Công ước 1982 về giải quyết tranh chấp. Vị này đặc biệt lưu ý, Tòa trọng tài quốc tế về luật biển không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ về biên giới, mà chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện Công ước 1982. Theo thông tin trên báo điện tử Vietnamnet.
Nếu Trung Quốc từ chối ra tòa án quốc tế
Tác giả Huỳnh Tâm Sáng chia sẻ trên trang Tuần Việt Nam, nếu Trung Quốc từ chối ra tòa án quốc tế, Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc theo cơ chế trọng tài, yêu cầu thành lập toà trọng tài theo phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
“Sau khi tham gia UNCLOS, Trung Quốc đã tuyên bố tự tách nước mình ra khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ khi tuyên bố coi tất cả các loại tranh chấp liệt kê trong điều 298 là ngoại lệ, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển. Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể đơn phương kiện Trung Quốc nếu chứng minh được tranh chấp giữa hai nước thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và không nằm trong các ngoại lệ mà Trung Quốc đã tuyên bố”, vị này nói.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù Trung Quốc từ chối ra tòa án quốc tế thì cũng không ảnh hưởng đến việc chúng ta khởi kiện. Việc từ chối tham gia vụ kiện sẽ càng khiến Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã từ chối tham dự vụ kiện của Philippines khi bị nước này khởi kiện ra Toà Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Được biết, phiên xử sẽ bắt đầu diễn ra vào năm 2015 đưa ra phán quyết bất luận Trung Quốc có tham dự hay không.
Ý kiến Việt Nam nên đồng khởi kiện Trung Quốc với Philippines cũng được một số chuyên gia đưa ra.
Việt Nam thông báo với thế giới mối đe dọa Trung Quốc
Trước câu hỏi của hãng tin NHK, liệu Việt Nam có đang quốc tế hóa vụ giàn khoan 981, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh khẳng định: “Chúng tôi đang thông tin cho cả thế giới, cộng đồng quốc tế, tất cả các nước về mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định, sự vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; do vậy, chúng tôi đã thông báo cho Liên hợp quốc cũng như cho các nước ASEAN. Đây là việc thông báo về một mối đe dọa thật sự, một sự vi phạm luật pháp quốc tế”. (Theo Vietnamnet)
Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế
Hôm 22/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại Biển Đông. Cụ thể, phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell nói: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng luật pháp quốc tế; giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như bay trên vùng trời tại Biển Hoa Nam. Mỹ ủng hộ việc sử dụng ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để quản lý và giải quyết những bất đồng, trong đó có việc tận dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác". (Theo thông tin trên tờ Pháp luật TP.HCM)
>> Xem thêm clip: Bị phun vòi rồng trong đêm, 3 cảnh sát biển Việt Nam bị thương
(Nguồn: VTV1)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA