Khó tin: Nhốt 8 người nhà để lấy máu cứu sản phụ

Thúy Hạnh |

Đây là câu chuyện có thật trong một trường hợp cấp cứu bất khả kháng được bác sĩ Phan Đăng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Nho Quan, Ninh Bình chia sẻ.

Nhốt người nhà để lấy máu

Câu chuyện tưởng như khó tin và khiến không ít người nghĩ theo hướng cực đoan nhưng thực tế, đây là cách duy nhất để cứu sống bệnh nhân tại thời điểm nguy cấp.

Dù đã xảy ra cách đây 8 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến, bác sĩ Phan Đăng Sơn cho biết ông vẫn còn.... sung sướng.

Bác sĩ Sơn kể, vào năm 2007 trên địa bàn huyện xảy ra trận lụt lịch sử, nước dâng tràn khắp nơi, đúng thời điểm này, tại bệnh viện chứng kiến một ca tai biến sản khoa.

Sản phụ sống tại vùng núi, khi đi khám đã được khuyên phải nằm chờ sinh ở tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh nhưng khi người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nho Quan thì tử cung đã mở, có rối loạn đông máu.

Do thai to không xuống được, kíp bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Khi mổ xong, máu trong chỉ khâu cứ rỉ ra, không cầm. Ban giám đốc quyết định chuyển nạn nhân xuống tuyến tỉnh cấp cứu.

"Chúng tôi đã đưa sản phụ xuống xe, định theo Quốc lộ 1 xuống thành phố nhưng đang có trận lụt không thể đi được.

Với tình trạng đó, chúng tôi tiên lượng nếu di chuyển hơn 50 cây số thì không thể cấp cứu kịp cho bệnh nhân nên tôi đã chỉ đạo đưa bệnh nhân quay lại phòng mổ", bác sĩ Sơn nhớ lại.

người nhà, sản phụ, truyền máu, nhốt, dân tộc, vắc xin, tiêm, khủng hoảng
Bác sĩ Đinh Văn Sơn chia sẻ những tình huống khủng hoảng ở các bệnh viện tuyến dưới. Ảnh: T.Hạnh

Để giữ bệnh nhân ở lại, bác sĩ Sơn phải đứng ra đảm bảo: “Cứ để bệnh nhân ở lại, hậu quả đâu tôi sẽ chịu”.

Tuy nhiên ngặt nỗi bệnh viện thiếu máu, dù đã điện thoại cho bệnh viện tỉnh đưa 5 đơn vị máu lên nhưng không biết khi nào mới đến nơi.

Trước tình hình nguy cấp, 8 anh chị em người dân tộc đi cùng sản phụ xung phong cho máu, nhưng lúc sau họ lại thay đổi quyết định.

"Giám đốc bệnh viện phải mời 8 người vào phòng thuyết phục nhưng vẫn không được. Bí quá, chúng tôi phải nhốt họ lại để lấy máu truyền cho sản phụ.

Cuối cùng, mọi nỗ lực cũng được đền đáp, sản phụ qua cơn nguy kịch và hồi phục dần", bác sĩ Sơn kể lại giọng nghẹn ngào hạnh phúc.

Từng run tay khi tiêm vắc xin

Câu chuyện khủng hoảng vì vắc xin từng là nỗi ám ảnh với tất cả y bác sĩ Bệnh viện Nho Quan sau thông tin 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị.

Là người phụ trách tiêm chủng của bệnh viện nhưng đã có lúc bác sĩ Sơn cũng run tay không dám tiêm vắc xin cho trẻ.

"Từng làm công tác tiêm chủng lâu năm nên sau thông tin 3 trẻ tử vong, tôi đã khẳng định không phải do chất lượng vắc xin viêm gan B. Đây là chùm ca bệnh, xảy ra 1/1 triệu", bác sĩ Sơn kể.

Mọi nghi vấn được tập trung vào quy trình bảo quản lạnh vắc xin. Bác sĩ Sơn là người được giao trực tiếp rà soát khâu bảo quản và phân loại bệnh nhân để tiêm.

Nhưng tất cả mọi cán bộ khoa Sản đều nhốn nháo, bàn ra nói vào nhưng bác sĩ Sơn yêu cầu vẫn phải tiêm để trẻ không mất đi khoảng thời gian vàng phòng bệnh. Tuy nhiên số lượng tiêm hết sức dè dặt.

"Đến ngày hôm sau nữa, lại có thông tin 3 cháu bé bị tiêm nhầm oxytocin (thuốc giảm co).

Thuốc này không cần bảo quản lạnh và khác hẳn với ống tiêm viêm gan B nên tôi nghĩ điều dưỡng không thể nhầm và quay ra nghi ngờ đài báo", bác sĩ Sơn trùng giọng.

Vài bữa sau, lại tiếp tục có thông tin nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương ngừng tiêm vắc xin viêm gan B, khiến các bác sĩ tại bệnh viện tuyến dưới hoang mang cực độ.

"Họ là thầy của chúng tôi còn không dám tiêm. Có nữ hộ sinh nói, bác cứ yêu cầu chúng em tiêm thì bác xuống mà tiêm.

Ngày thường không có chuyện cấp dưới cãi lời nhưng khi ấy tôi cũng im và khoa cũng không tiêm nữa. Tôi là người có chuyên môn còn run huống chi là những người khác", bác sĩ Sơn kể lại bài học.

Sau đó vài tháng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn và bệnh viện cho tiêm vắc xin viêm gan B trở lại bình thường.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại