Bạn đọc Nguyễn Văn Tấn, ở địa chỉ mail: [email protected] có hỏi, tôi hiện đã học xong trường đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin và đã ra trường đi làm được gần 1 năm, bây giờ tôi muốn đi nghĩa vụ quân sự để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của 1 người công dân bảo vệ tổ quốc.
Tôi không sợ gì chỉ lo lắng cho tương lai của mình khi đi nghĩa vụ về sẽ khó tìm lại việc làm như ý muốn.
Vậy nên cho tôi hỏi là bộ đội xuất ngũ có được hưởng những ưu đãi gì và công việc sau khi xuất ngũ ra sao (cả bộ binh và thuỷ binh đặc biệt là lính đảo và biên giới)?
Trả lời:
Liên quan đến vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:
Theo Thông tư số 213/2006/TT-BQP ngày 23-12-2006 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ (quy định tại Ðiều 4 của Nghị định số 122/2006/NÐ-CP), như sau:
1- Trợ cấp tạo việc làm: Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại quân ngũ đủ 18 tháng trở lên, khi xuất ngũ được hưởng 6 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
2- Trợ cấp xuất ngũ một lần: Cứ mỗi năm hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại quân ngũ trong quân đội (đủ 12 tháng) được hưởng trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
Trợ cấp xuất ngũ một lần bằng số năm phục vụ tại ngũ (x2) tháng tiền lương tối thiểu.
Nếu có tháng lẻ: Dưới 1 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ. Từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
Từ 6 tháng đến dưới 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương theo mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang tại thời điểm xuất ngũ.
3- Trợ cấp thêm phụ cấp quân hàm: Hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc diện phục vụ tại ngũ thời hạn 24 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Nếu xuất ngũ trước thời hạn 24 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 19 đến dưới 24 tháng được trợ cấp thêm 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc diện phục vụ tại ngũ thời hạn 18 tháng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005, thì khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
4- Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng BHXH để làm cơ sở hưởng các chế độ BHXH. Nếu xuất ngũ về địa phương thì tính: Thời gian làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được cộng với thời gian tại ngũ để tính hưởng trợ cấp xuất ngũ từ nguồn BHXH theo quy định của Luật BHXH do BHXH quân đội chi trả.
Nếu xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc các cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế mà tiếp tục đóng BHXH thì được cộng thời gian trước (nếu có), thời gian tại ngũ để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH sau này.
Tổng thời gian tính hưởng BHXH = Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài quân đội + Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài quân đội.
5- Ðược đơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ tổ chức phương tiện đưa họ về nơi cư trú hoặc cấp tiền tàu, tiền xe (loại thông thường) và phụ cấp thời gian đi trên đường về nơi cư trú theo chế độ quy định hiện hành.
6- Ðơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được chi 5.000 đồng/người/lần cho buổi gặp mặt chia tay trước khi họ xuất ngũ.
7- Chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ (thực hiện theo quy định tại Ðiều 5 của Nghị định số 122/2006/NÐ-CP).
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: [email protected] hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.