“Phạt thế nào là… quyền chúng tôi”
Theo quy định tại Thông tư 45/2012/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2013 chỉ Cảnh sát giao thông (CSGT) mang biển hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (thẻ xanh) mới có quyền dừng phương tiện khi đang lưu thông để xử lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc yêu cầu dừng phương tiện giao thông, thậm chí xử lý người vi phạm giao thông lại không chỉ do CSGT đảm nhận mà ngay cả dân phòng và CA phường cũng cùng tham gia… xử.
Điều đáng nói là thái độ và cách “xử” không giống ai (thậm chí không căn cứ luật) của một bộ phận không nhỏ dân phòng và công an phường hiện nay đã khiến cho nhiều người tham gia giao thông bức xúc.
Anh Nguyễn Huy Tuấn, sinh viên năm cuối Trường ĐH Xây dựng (Hà Nội) cho biết: “Cách đây hai tuần, tôi và bạn gái đi dự sinh nhật người bạn, khi qua đường Ngọc Hồi, đoạn gần Trung tâm thương mại Thanh Trì thì bất ngờ bị một nhóm dân phòng yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Tôi thắc mắc vì sao lại lại bị dừng xe trong khi tôi đi đúng phần đường và đúng tốc độ, đội mũ bảo hiểm đầy đủ thì được giải thích rằng... có nhiều dấu hiệu khả nghi (!)”.
Cũng theo anh Tuấn, sau khi kiểm tra giấy tờ xe, do bảo hiểm xe máy của anh đã quá hạn nên anh bị nhóm dân phòng này giữ xe, yêu cầu lập biên bản để nộp phạt tại chỗ, nếu không sẽ bị đưa về trụ sở giải quyết.
“Khi tôi nói chỉ CSGT mới có quyền xử phạt, các anh không có quyền thì một người trong số đó trừng mắt lên nhìn tôi và quát: “Cãi à? Chúng tôi thích phạt thế nào là quyền chúng tôi”. Do đang vội, lại có bạn gái đi cùng nên tôi không muốn rầy rà thêm, đành “nộp phạt” 100 nghìn đồng để đi, nhưng mà vẫn bực mình”, anh Tuấn nói.
Được biết, không chỉ anh Tuấn mà rất nhiều người tham gia giao thông bày tỏ bức xúc vì lối “xử” của một bộ phận dân phòng và công an phường hiện nay.
“Được” ví như… “kiêu binh”
“Kiêu binh” – đó là từ mà người dân Thủ đô dùng để nói về một bộ phận dân phòng và công an phường hiện nay trong cách “xử” người tham gia giao thông.
Ông Trần Tiến Long (Đống Đa, Hà Nội), cán bộ thanh tra đã nghỉ hưu thì cho rằng hiện nay đang xuất hiện tình trạng “lạm quyền” và “gây nhũng nhiễu” cho người tham gia giao thông từ một bộ phận dân phòng và công an phường.
Ông Long cho rằng: “Tình trạng lạm quyền và gây nhũng nhiễu người tham gia giao thông trong một bộ phận dân dân phòng và công an phường hiện nay là khá phổ biến. Nhiều khi họ không hiểu biết về luật giao thông, không có thẩm quyền nhưng vẫn ngang nhiên yêu cầu dừng xe và đòi xử phạt người vi phạm. Điều này khiến cho người dân rất bức xúc”.
Tuy CA phường và dân phòng chỉ là lực lượng hỗ trợ, nhưng họ vẫn "độc lập tác chiến" không có sự hiện diện của lực lượng chính là CSGT
“Nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, không có văn bản quy định rõ ràng đối với lực lượng dân phòng và công an phường về thẩm quyền trong xử lý vi phạm giao thông thì rất khó kiểm soát những hành vi “lạm quyền”, thậm chí làm “sai luật” của lực lượng này”, ông Long khuyến cáo.
Không riêng gì ông Long, nhiều người cho rằng cần thiết phải có quy định mang tính “phân định thẩm quyền” cụ thể trong việc xử lý vi phạm giao thông, nếu không tình trạng “giẫm chân” lên nhau giữa các lực lượng chức năng là điều không thể tránh khỏi.
Chị Nguyễn Thị Hòa (Long Biên, Hà Nội) bức xúc nói: “Một trong những điều khiến nhiều người tham gia giao thông rất bức xúc là vấn đề ứng xử trong khi xử phạt của dân phòng và công an phường. Nhiều dân phòng khi bắt giữ phương tiện giao thông đã lớn tiếng quát tháo, thậm chí còn dọa nạt cả người tham giao thông. Đây là điều không thể chấp nhận được. Nhiều lúc tôi thấy họ không khác gì… kiêu binh”.
Thông tư 45 vẫn còn “kẽ hở”?
Theo thông tư 45 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/1/2013, chỉ những CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý. Ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành. Những người được cấp thẻ phải có trình độ trung cấp cảnh sát trở lên và trải qua kỳ sát hạch.
Các lực lượng chức năng khác chỉ được xử lý ở lĩnh vực do mình phụ trách hoặc chỉ tham gia hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ trong một thời gian cần thiết khi có điều động. Quy định mới này ngăn chặn khả năng lạm quyền trong việc chặn xe trên đường.
Tuy nhiên, khi trả lời những thắc mắc của người dân về một số vấn đề chưa rõ ràng trong nội dung quy định của Thông tư 45, đại tá Trần Sơn Hà, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt lại cho rằng Bộ Công an ban hành thông tư 45 nhằm quản lý cán bộ, chiến sĩ tốt hơn, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát công khai minh bạch.
Ngoài ra, không chỉ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra mà Luật Giao thông đường bộ quy định, nhiều lực lượng khác cũng được làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, trong đó có cả cảnh sát trật tự, cơ động.
Về tình trạng lạm quyền khi công an phường, xã, cảnh sát trật tự ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội thích xử phạt vi phạm giao thông hơn là dẹp lấn chiếm vỉa hè, ông Hà cho thừa nhận là “làm chưa tốt lắm”. Tuy nhiên, ông Hà lại cho rằng nếu khi huy động các lực lượng khác tham gia xử lý vi phạm giao thông thì người ra mệnh lệnh, như trưởng công an phường phải chịu trách nhiệm về việc đó (!)
Giải thích trên của đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) dường như vẫn không khiến dư luận thực sự an tâm.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: đối tượng điều chỉnh và áp dụng của Thông tư 45 chỉ là CSGT, còn lực lượng khác thì sao? Làm gì để hạn chế tình trạng lạm quyền của công an phường, dân phòng trong xử lý vi phạm giao thông hiện nay?