“Khất” 21 câu hỏi chặt cây: Sai lầm của lãnh đạo thành phố

Thiên Di |

Theo đánh giá của các chuyên gia truyền thông, việc chưa trả lời 21 câu hỏi của báo chí cho thấy buổi họp báo là vội vàng và khiến dư luận hiểu lầm thành trốn tránh.

Vội vàng, chưa chuẩn bị kỹ

Cuộc họp báo chiều ngày hôm qua (20/3) kết thúc nhưng 21 câu hỏi được đặt ra lại không được lãnh đạo thành phố trả lời cụ thể mà chỉ đưa ra lời hứa sẽ giao cho các cơ quan chức năng trả lời sau.

Việc “khất” như vậy đã tạo ra phản ứng của dư luận về trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố trong sự việc chặt 6.700 cây xanh Hà Nội càng mạnh mẽ hơn.

Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành. (Ảnh: Vietnamnet).
Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành. (Ảnh: Vietnamnet).

Theo đánh giá của ông Trần Chiến Bình, CEO TeamworkPR, các lãnh đạo Hà Nội đã chọn thời điểm cuối tuần được coi là điểm ‘trũng’ của truyền thông để tổ chức họp báo.

“Việc từ chối trả lời 21 câu hỏi của báo chí cho thấy buổi họp báo là vội vàng chưa được chuẩn bị tốt nhất và lãnh đạo Hà Nội chưa có đầy đủ những số liệu và thông tin cần thiết”, chuyên gia này khẳng định.

Ông nói thêm rằng, toàn bộ buổi họp báo hôm qua chỉ đọc ý kiến kết luận của chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc dừng chặt hạ cây và và soát lại toàn bộ dự án.

“Nếu như vậy thì chỉ cần bản thông cáo báo chí chi tiết, không cần thiết phải tổ chức họp báo”, ông Bình khẳng định.

Đồng tình với ý kiến này, blogger Truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng, sai lầm lớn nhất ở đây nằm ở chỗ có vẻ như họ đã hiểu sai bản chất của họp báo và thông cáo.

“Khi tổ chức họp báo bắt buộc phải có đầy đủ thông tin để trả lời được mọi thắc mắc theo hình thức đối thoại hai chiều.

Nếu chưa chuẩn bị hết các câu trả lời, thì đừng làm họp báo để dư luận thêm bức xúc.

Bởi vì 21 câu hỏi mà Hà Nội đang khất báo chí không mới, không quá khó để đoán được từ trước khi họp báo diễn ra”, ông Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông lại cho rằng việc tổ chức họp báo lúc này là cần thiết để không có “khoảng nghỉ” vì việc chặt hạ 6.700 cây xanh đang phát triển theo hướng phức tạp, diễn biến dư luận khó lường vì vậy phản hồi thông tin sớm chừng nào hay chừng đó.

Blogger Truyền thông xã hội
Nguyễn Ngọc Long
Về mặt nguyên tắc, không trả lời câu hỏi chẳng có gì sai cả. Vấn đề là cách thức mình từ chối hoặc trì hoãn thế nào cho phù hợp. Tôi thấy rằng Hà Nội chưa chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi làm họp báo.

Vậy “sai lầm” của lãnh đạo thành phố nằm ở đâu, vị chuyên gia này thẳng thắn nói, từ chối trả lời 1-2 câu hỏi “lệch trọng tâm” thì có thể thông cảm được nhưng từ chối đến 21 câu thì dễ khiến dư luận hiểu lầm thành trốn tránh.

Còn ông Trần Chiến Bình cho rằng: “Ở Việt Nam hoàn toàn có thể chấp nhận được khi bạn chưa có được các câu trả lời thỏa đáng cho báo chí bạn vẫn có thể hẹn thời gian trả lời những câu hỏi đó.

Trong trường hợp này lãnh đạo Hà Nội nên thể ghi nhận toàn bộ những ý kiến thắc mắc của báo chí và đưa ra một mốc thời gian để tra lời những thắc mắc đó, thay vì im lặng như vậy”.

Cần “coi trọng” mạng xã hội

Việc chặt hạ 6.700 cây xanh Hà Nội đã dấy lên nhiều phản ứng không đồng tình của dư luận, thậm chí có người còn “đóng giả” làm cây.

Sau đó, người đứng đầu thành phố Hà Nội đã thông báo dừng việc chặt hạ và rà soát lại toàn bộ dự án.

Và cách làm này đã khiến dư luận “dậy sóng” về một đề án, chính sách trước khi được áp dụng vào thực tế. “Cách làm, cách tuyên truyền của dự án này thì đương nhiên tôi phản đối”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói.

Theo quan điểm của mình, ông ủng hộ cách làm của GS Ngô Bảo Châu: Đặt câu hỏi để nắm chắc thông tin trước khi phán xét.

Cụ thể, GS Châu thắc mắc ngoài việc xây đường tàu, cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội, là một lý do hoàn toàn hợp lý để chặt cây, những quy hoạch khác là gì, có hợp lý không?

Trong trường hợp có quy hoạch hạ tầng lợi ích công cộng là lý do hợp lý để chặt cây, quy hoạch đã có tiến độ chưa, có cần chặt cây ngay bây giờ không?  Có cần chặt cây nhiều nơi và đồng loạt không?

Một cây xà cừ lớn, đường kính gốc gần 1m bị đốn hạ. (Ảnh: VOV)
Một cây xà cừ lớn, đường kính gốc gần 1m bị đốn hạ. (Ảnh: VOV)

"Sau khi có đầy đủ câu trả lời giống như thắc mắc của GS Châu tôi mới có thể nói rằng nên ủng hộ hay phản đối", ông nói.

Liên quan đến vấn đề tuyên truyền, chuyên gia này cho hay: Mọi quyết sách của cơ quan quản lý đều cần lường trước các phản ứng của dư luận, và có kế hoạch tuyên truyền giải thích để tạo sự đồng thuận cao.

Còn liên quan đến vấn đề tuyên truyền chính sách, chuyên gia này cho hay: Tất nhiên là mọi quyết sách của cơ quan quản lý đều cần lường trước các phản ứng của dư luận, và có kế hoạch tuyên truyền giải thích để tạo sự đồng thuận cao.

Trước đây khi chưa có mạng xã hội, các cơ quan quản lý chỉ cần có sự “nhất quán” thông tin trên truyền thông báo chí là gần như có sự đồng thuận về phía người dân.

Bây giờ, mạng xã hội trở thành kênh thông tin quá mạnh, họ tìm đến mạng xã hội để bày tỏ ý kiến, để tìm kiếm và lắng nghe phản biện nhiều hơn.

"Vì vậy, không chỉ cần thay đổi cách thức tuyên truyền, phạm vi tuyên truyền mà chính quyền cũng nên thay đổi cả công cụ mà họ đang sử dụng.

Theo tôi điều đầu tiên cần “coi trọng” mạng xã hội; xây dựng kênh riêng và tổ chức tuyên truyền, giải thích dựa trên việc xây dựng mối quan hệ tốt với những người có ảnh hưởng trên môi trường mạng xã hội.

Tôi nghĩ việc này làm rất dễ nếu thực sự muốn làm!”, vị chuyên gia này góp ý.

Còn bản thân ông Trần Chiến Bình đánh giá việc chặt bỏ, thay thế những cây nghiêng, mục, xấu, không phù hợp là một chủ trương tốt để đảm bảo an toàn cho người dân, mĩ quan thành phố.

CEO TeamworkPR
Ông Trần Chiến Bình
Những chính sách, chủ trương đúng đắn, được thực hiện một cách minh bạch và có sự đối thoại hai chiều với công luận sẽ có thể giảm thiểu các phản ứng của xã hội.

Xem 21 câu hỏi lãnh đạo Hà Nội "khất" trong buổi họp báo tại đây

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại