Công tác tuyên truyền về biển đảo còn hạn chế
- Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, ông có thể cho biết vì sao công tác tuyên truyền về Biển Đông trong thời gian qua chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ như một số sự kiện xã hội khác?
TS. Trần Công Trục: Nói đến sức lan tỏa của công tác truyên truyền về biển đảo của chúng ta, theo tôi nên đánh giá nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của dư luận đối với vấn đề này như thế nào, chứ không phải chỉ là số lượng các bài viết, các phát biểu hình thức, các tác phẩm, ấn phẩm đủ các thể loại đã ra mắt bạn đọc…
Gần đây, trên mặt trận truyền thông, giáo dục, các cơ quan quản lý, nghiên cứu của chúng ta đã rất nỗ lực để có được những công trình, ấn phẩm, hội thảo, tọa đàm cả về số lượng và chất lượng thông tin, cố gắng đáp ứng đòi hỏi của dư luận trong và ngoài nước, nhất là vào các thời điểm nóng.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là, những cố gắng, những quan tâm và công việc nói trên chưa đủ để “lan tỏa” mạnh mẽ như một số sự kiện xã hội khác. Chính xác là công việc tuyên truyền của chúng ta chưa đủ để công chúng, kể cả giới quản lý, những nhà nghiên cứu, giảng dạy nắm bắt và tiếp cận thông tin một cách chủ động, “chuẩn mực”… Có thể nói rằng, nó chỉ mới làm cho công chúng “thức”, chứ chưa làm cho họ “tỉnh”.
- Từ thực tế những diễn biến tranh chấp trên Biển Đông gần đây, đang đặt ra cho công tác tuyên truyền hiện nay những vấn đề gì so với trước?
TS. Trần Công Trục: Trong nhiều Hội thảo quốc tế về Biển Đông, có không ít những học giả đã đặt vấn đề rằng: Trên bình diện truyền thông, dư luận chưa có đủ thông tin, dữ liệu, căn cứ khoa học của Việt Nam bảo vệ cho quan điểm đúng đắn của mình trước những diễn biến trên Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc thì đã làm công việc này khá lâu, khá kỹ càng, có bài bản, có định hướng, rất chủ động, do đó yêu sách và quan điểm của Trung Quốc dường như đã được dư luận chia sẻ, thậm chí đồng tình ủng hộ, mặc dù yêu sách và quan điểm của Trung Quốc hầu như vô lý, thậm chí là ngụy tạo.
Tại cuộc Hội thảo quốc tế tại Quảng Ngãi vào tháng 5/2013, các học giả đều kiến nghị Việt Nam cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về biển, đảo đây chính là môt trong những ưu tiên hàng đầu mà Việt Nam phải đầu tư, tổ chức thực hiện ngay. Thế nhưng, thực tế hiện nay đội ngũ nghiên cứu của chúng ta về Biển Đông bao gồm các lĩnh vực như: Pháp lý, Chính trị, Lịch sử, Kinh tế, Khoa học, An ninh, Quốc phòng, Ngoại giao… cả ở trong nước và nước ngoài còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Hơn nữa họ hoạt động chủ yếu là tự giác, tự phát, thiếu sự liên kết, phân công, phân nhiệm, các công trình nghiên cứu của họ chưa được đánh giá đúng mức và chưa được sử dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, đội ngũ truyền thông, giáo dục còn quá mỏng và chủ yếu tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trước mắt; còn vấn đề Biển Đông chưa được đội ngũ này coi là nhiệm vụ mà họ chủ động quan tâm, nếu không có sự đôn đốc nhắc nhở”…
Ngoài ra còn một thực tế nữa không thể không nhắc đến, đó là chưa đầu tư một cách đầy đủ, có tinh toán, có kế hoạch nhằm phục vụ cho công việc quan trọng này. Chúng ta chưa có một chính sách khuyến khích, bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý,chuyên gia, chuyên viên chuyên tâm cho công việc này, kể cả cho ngắn hạn và dài hạn…
Do đó vấn đề có lẽ rất cần thiết đang đặt ra cho công tác tuyên truyền về Biển Đông của chúng ta hiện nay, là phải sớm hình thành ngay một tổ chức chuyên sâu về lĩnh vực này. Tổ chức này phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước và phải có chính sách tập hợp được một đội ngũ chuyên môn sâu, có tâm huyết, suốt đời gắn bó với công việc hệ trọng này.
Cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về Luật Biển
- Chúng ta đã có Luật biển, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, tuyên bố về ứng xử DOC, trong thời gian tới công tác tuyên truyền về Biển Đông cần nhấn mạnh những vấn đề gì thưa ông?
TS. Trần Công Trục: Theo các văn kiện qui phạm pháp luật như: Công ước Luật Biển Quốc tế 1982, tuyên bố chung DOC của 10 nước ASEAN và luật biển Việt Nam 2012 đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra các văn kiện đó còn có chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua qui chế thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về Biển Đông cần nhấn mạnh những căn cứ pháp lý mà Quốc tế, khu vực và Luật biển của chúng ta đã qui định. Ngoài ra công tác tuyên truyền còn có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ chất liệu có chất lượng siêu bền để xây dựng niềm tin chiến lược cho cả dân tộc Việt Nam, cho cộng đồng khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải với động cơ trong sáng, chuẩn mực và kịp thời chính là giúp cho dư luận và cộng đồng nhận dạng được những thế lực đen tối, nguy hiểm, được che đậy bởi một lớp son hoàng nhoáng và đang mê hoặc dư luận bởi những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, ngụy biện, ngụy tạo…
- Theo ông bên cạnh nội dung, thì hình thức tuyên truyền có cần phải đổi mới để thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế không?
TS. Trần Công Trục: Trước hết phải thấy rằng nội dung tuyên truyền, giáo dục Biển, Đảo có những nét đăc thù. Nó không chỉ đơn thuần là vấn đề chính trị, ngoại giao mà còn là vấn đề có liên quan rất nhiều đến những nội dung pháp lý, lịch sử, địa lý, an ninh quốc phòng, kinh tế, khoa học kỹ thuật…Có thể nói rằng đó là một vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực.
Hơn nữa, hiện nay nó là vấn đề rất nhạy cảm, được sự quan tâm của dư luận rộng rãi và được phổ biến, lưu truyền với nhiều thông tin khác nhau, đúng sai lẫn lộn và đang tồn tại dưới nhiều hình thức thật giả khác nhau… Vì vây, công tác tuyên truyền giáo dục về vấn đề Biển, Đảo trong tình hình hiện nay quả là một vấn đề khá phức tạp và nặng nề, không những về nội dung mà cả về hình thức.
Về hình thức tuyên truyền đối với người dân trong nước, có lẽ nên xây dựng các tiểu phẩm giới thiệu về lịch sử, địa lý, các di tích, lễ hội có liên quan đến Biển, Đảo. Đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để phát lên các kênh truyền hình, thậm chí nên có hẳn một kênh chuyên đề Biển, Đảo và thu băng đĩa để phát hành rộng rãi đến mọi người dân.
Còn đối với Quốc tế, theo tôi cần nghiên cứu áp dụng sao cho phù hợp với nội dung và đối tượng cần chuyển tải thông tin, cần quan tâm nhiều đến dư luận quốc tế, đặc biệt là cộng đồng người Trung quốc.
Để tuyên truyền phổ biến đến được các đối tượng này, nên chăng cần ưu tiên cho công việc dịch thuật các thông tin ra các thứ tiếng phổ biến trên thế giới và đưa các nội dung này lên các trang mạng điện tử một cách thường xuyên liên tục.
- Gần đây trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã xảy ra một số sự kiện quan trọng, nhưng các hãng thông tấn nước ngoài đã đưa tin trước so với trong nước, điều này có ảnh hưởng gì đến công tác tuyên truyền của chúng ta không, và nếu có thì ảnh hưởng đó như thế nào?
TS. Trần Công Trục: Đúng là thời gian qua đã có một số sự kiện xảy ra trên Biển Đông có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với chúng ta, nhưng chúng ta không biết để thông tin kịp thời mà phải dựa vào thông tin của nước ngoài.
Trong truyền thông, việc chúng ta sử dụng thông tin từ các nguồn khác nhau, theo tôi cũng là việc bình thường, tất nhiên vì thế cũng có thông tin đúng, cũng có thông tin sai, đòi hỏi cần phải rất thận trọng khi sử dụng chúng.
Nhưng, điều đáng nói ở đây có lẽ dư luận sẽ nghi ngờ về vai trò, khả năng của các cơ quan, lực lượng quản lý biển, đảo trong việc theo dõi, thu thập, đánh giá và xử lý các tình huống đã xẩy ra có liên quan đến các quyền và lợi ích của quốc gia trên các vùng biển và hải đảo của chúng ta trong bối cảnh hiện nay.
Chính điều đó có thể làm giảm lòng tin của công chúng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục về Biển Đông, đặc biệt là lòng tin đối với các cơ quan, lực lượng quản lý biển, đảo, và đây cũng chính là cơ hội mà các thế lực đối địch có thể lợi dụng để tuyên truyền, kích động nhằm tạo ra sự bất ổn xã hội, chính trị, làm xói mòn sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Đây là hạn chế mà ta cần phải chấn chỉnh, khắc phục.
Xin trân trọng cảm ơn ông!