"Thời gian đếm trên đầu ngón tay"
Đã không biết bao lần đi dọc hành lang bệnh viện, chứng kiến những cảnh tượng não nề, sầu thảm nhưng có lẽ ám ảnh đeo bám tôi vẫn là mỗi lần quay trở lại bệnh viện tâm thần. Nơi ấy, những người điên tóc tai bù xù, ánh mắt vô hồn, thẫn thờ, gương mặt hoảng loạn hết cười lại khóc.
Họ mang thân hình chẳng giống ai, sống trong một thế giới khác. Mỗi người một thân phận và lý do điên cũng rất khác nhau. Lần này trở lại viện Tâm thần quốc gia (bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), tôi được các bác sỹ chuyên khoa tâm thần kể chuyện về những người loạn thần do nghiện rượu và bi kịch phía sau những bữa nhậu "rượu mềm môi", họ đã bước sang một ranh giới khác - bước vào "cõi mê".
Sở dĩ tôi muốn dùng hai từ "cõi mê" đối với những bệnh nhân loạn thần do nghiện rượu bởi lẽ họ như thể đang sống trong cõi mê, nửa say, nửa tỉnh. Khi u mê, hoang tưởng, khi lại tỉnh táo đến kỳ lạ. Mỗi câu chuyện đều thấm đẫm nước mắt của những người thân bệnh nhân, khi họ phải chứng kiến cảnh chồng, con… sa chân vào con đường lạc lối.
Gặp bệnh nhân Đàm Duy Linh (46 tuổi, Hà Nội) tại buồng bệnh trên tầng hai của khoa điều trị nghiện chất (viện Tâm thần quốc gia), chúng tôi cũng không thể hình dung rượu lại tàn phá và ăn mòn sự sống của anh đến vậy. Nhìn người anh cũng chỉ chòm chèm 40kg, chỉ toàn da bọc xương. Khuôn mặt hốc hác, miệng lúc nào cũng phải há thật to để dễ thở.
Đây là lần thứ hai trong vòng nửa năm anh Linh phải nhập viện điều trị tích cực. Các bác sỹ cho biết, thời gian sống của anh chỉ còn "đếm trên đầu ngón tay". Chị Hải (vợ anh Linh) tâm sự: "Ngày mai tôi sẽ cho chồng về nhà điều trị ngoại trú. Sức khỏe của chồng tôi không còn gắng được bao lâu, có chăng được chục ngày nữa".
Gạt nước mắt, cố ngồi dậy để che giấu sự mệt mỏi sau một đên thức trắng trông nom chồng, chị Hải ngậm ngùi: "Khổ thế đấy nhà báo ạ, chỉ vì rượu mà ra nông nỗi này. Người chẳng ra người, tay chân lúc nào cũng co quắp, có lúc thì tay như "bắt chim", miệng nói lảm nhảm".
Theo lời kể của chị Hải, chồng chị vốn là dân lái xe đường dài tuyến Bắc- Nam. Những chuyến công tác dài lê thê, có lẽ cũng vì thế mà chồng chị phải bầu bạn với rượu. Tháng này qua tháng khác, rồi ngày nọ đến ngày kia, những chuyến đi công tác xa nhà anh đều chuẩn bị sẵn một can rượu năm lít để uống giải khuây mỗi khi đêm xuống.
Cũng chính vì thói quen đó anh đâm ra nghiện rượu lúc nào chẳng hay. Hơn 10 năm rồi, không một ngày nào anh không uống một cốc Liên Xô rượu. Có khi chỉ cần một quả ớt hay miếng ổi xanh làm "mồi" anh cũng uống hết cả nửa lít rượu. Ngay cả lúc bệnh trầm kha, anh cũng lén vợ con uống rượu cho thỏa cơn nghiện.
Thậm chí, vợ con ngăn cản không cho uống, anh Linh còn nhờ đứa cháu sống cùng nhà mua giúp hoặc tự lết xuống tầng một mua rượu đầu ngõ. Giờ, anh hầu như chẳng thể nhớ rõ được việc gì, ngày cô con gái lớn đi lấy chồng, anh cứ ngỡ là nhà hàng xóm có đám cưới?!
Chị Hải kể rằng, các bác sỹ chẩn đoán chồng chị bị ảo giác và lú lẫn. Và thực tế, hàng ngày chị và cậu con rể phải chăm bẵm như chăm con nít. Có khi vừa ăn xong, khách đến chơi, anh Linh lại "tố cáo" vợ độc ác không cho ăn cơm nước gì, bắt nhịn đói. Không những thế, anh còn vu oan cho chị có người khác ở bên ngoài, bỏ bê chồng con.
Có lúc anh lên cơn ghen, giận dữ, la ó không ai có thể can ngăn. Lúc đầu, anh em trong nhà chồng chị Hải cũng tin theo lời anh Linh nói, thế là mọi người tỏ thái độ và ghẻ lạnh chị. Dần dà, khi biết anh Linh bị ảo giác do nghiện rượu nặng, người thân trong gia đình mới bỏ qua định kiến với chị Hải và tin rằng chị tận tâm với chồng.
Chị Hải mắt đỏ hoe nói: "Có những hôm chồng tôi đòi đi đại tiện, cậu con rể bế vào nhà vệ sinh nhưng chồng tôi không thể ngồi vững (vì người chỉ còn da bọc xương-PV). Thế rồi, cậu con rể lại bế vào giường cho đi đại tiện ra bỉm và lau rửa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chồng tôi tháo bỏ bỉm, đi đại tiện luôn trên chăn. Chỉ riêng việc lau dọn, vệ sinh hàng ngày cũng cực lắm!".
Chị Hải tâm sự, có hôm cả nhà đang ngủ ngon giấc, anh Linh vùng dậy tri hô "đừng bắt tôi, đừng bắt tôi". Anh Linh bị ảo giác, lúc nào trong đầu cũng nghĩ có kẻ đến bắt cóc tống tiền. Có lần, khi sức khỏe chưa tồi tệ như hiện tại, chị Hải đang giặt quần áo, anh tiến lại gần bếp ga bật lên và tự cho chân lên đốt mà cứ nghĩ đang đặt siêu nước lên bếp.
Mỗi ngày trôi qua với chị Hải và những người thân trong gia đình như một kì tích. Bởi, với mong muốn kéo dài sự sống, cả gia đình đã toàn tâm toàn lực chăm sóc, thuốc thang chữa bệnh cho anh. Thế nhưng, do nghiện rượu nặng cả chục năm trời nên anh đã bị ảo giác, lú lẫn, sống có lúc như vô thức. Dẫu trong tâm niệm chị Hải "còn nước còn tát" nhưng nhìn vào thực tế chị chỉ biết chờ "trời kêu ai, người ấy dạ".
"Nghiện" gây ra hội chứng quên thuận chiều
BS. Nguyễn Văn Dũng- viện Tâm thần quốc gia cho biết: "Những người uống rượu, bia quá mức lâu ngày sẽ dẫn đến loạn thần, họ bị thay đổi tâm tính, trở nên là người ghen tuông rất dữ dội. Đáng sợ nhất là rượu, bia tàn phá tế bào thần kinh não bộ, gây nên hội chứng Korsakoff - là hội chứng quên thuận chiều, lúc này người nghiện rượu, bia không còn có khả năng ghi nhận những thông tin mới, gây viêm đa dây thần kinh".
BS. Dũng cảnh báo, những thanh niên một thời được mệnh danh là "đàn anh" nhờ tửu lượng cao, thì đến một ngày nào đó họ sẽ bị tình trạng hoang tưởng, ảo giác, ảo thị, trầm cảm vì rượu - trông họ lúc nào cũng buồn buồn, không muốn nói chuyện với ai, người như thiếu sức sống, thiếu khí sắc, không muốn làm việc, giận hờn vô cớ...
Từ những thay đổi về tính cách mà các xung đột với bạn bè, gia đình xuất hiện ngày càng nhiều. Người nghiện rượu bù trừ lại cho cảm nhận giá trị của bản thân ngày càng giảm đi bằng cách biểu lộ một sự tự tin quá mức.
BS. Phạm Văn Trụ, phó giám đốc phụ trách về chuyên môn của bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) cho rằng, khi nghiện rượu đến cơn nguy kịch, hệ thống giải thích và các xung đột ngày càng cô lập người bệnh. Nhưng người này không tìm lỗi lầm ở chính mình mà là ở những người khác và bắt đầu có một thái độ hung hãn.
Để đối phó lại với sự không thông cảm của những người chung quanh cho chứng bệnh của mình, người bệnh ngày càng tự cô lập đối với xã hội. Người bệnh xa lánh bạn bè hay thay đổi chỗ làm. Người nghiện rượu không quan tâm đến mọi người chung quanh nữa, thu xếp các hoạt động theo việc uống rượu và bắt đầu phát triển tính tự thương hại lấy chính mình. Sự cô lập xã hội và các lúng túng trong nói dối cũng như trong giải thích trở thành không thể chịu đựng được nữa. Người nghiện rượu trốn tránh bằng cách trầm tư suy nghĩ.
Cuộc sống gia đình bắt đầu thay đổi. Gia đình của người nghiện rượu, thường là còn che đậy người nghiện, tự cô lập đối với xã hội hay hoàn toàn ngược lại trốn tránh cảnh sống gia đình bằng nhiều hoạt động bên ngoài. Người nghiện rượu phản ứng bằng sự miễn cưỡng không có lý do. Khi thiếu rượu, họ tìm đủ mọi cách để có rượu, bảo vệ các "kho dự trữ" bằng cách giấu rượu ở những nơi không bình thường.
Các hậu quả cho cơ thể bắt đầu xuất hiện như run tay, đổ mồ hôi và rối loạn tình dục. Các hậu quả này lại càng trầm trọng thêm do sao nhãng vấn đề ăn uống. Người bệnh bắt đầu uống rượu từ buổi sáng, say sưa hàng ngày trở thành thông lệ. Và kết cục, có những người không thể thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" khi còn rất trẻ.