Ghi nhận của VietNamNet, thời điểm trưa cùng ngày, theo dọc bờ kênh đoạn từ cầu số 5 đến khu vực cống xả (đoạn gần nút giao Út Tịch - Trường Sa), dòng nước kênh đen ngòm, bề mặt đóng ván xen lẫn các loại rác.
Nghiêm trọng nhất là khu vực cống xả phía cuối con kênh rác đặc kín, xếp thành lớp dày kín cả mặt kênh bốc mùi rất gắt, khó thở.
Chỉ tay xuống dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Nguyễn Tuấn Khanh (48 tuổi, ngụ Tân Bình) ngáo ngán nói:
“Chỉ sau trận mưa hôm qua, đến sáng nay dòng kênh đã ô nhiễm đến vậy. Rác đủ loại từ ghế salon, bao bì nilon, chai nhựa cho đến các loại rác khác. Nước thì đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu”.
Theo người dân này, rác ngập kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đoạn qua địa bàn quận Tân Bình do trận mưa hôm qua.
Rác thải sinh hoạt của người dân từ phía thượng nguồn như quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận đã bị nước cuốn, trôi dạt về phía cuối kênh gây nên tình trạng ô nhiễm trên.
Theo quan sát của PV, do tình trạng rác xếp lớp dày, cộng thêm dòng nước kênh ô nhiễm, đen ngòm khiến cá chết hàng loạt, bơi bụng trên dòng kênh.
Bên cạnh đó, đáy kênh bị ô nhiễm khiến hàng ngàn con cá phải ngoi lên mặt nước để đớp không khí.
Được biết, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước những năm 2000 được mệnh danh là dòng kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn vì nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Tháng 3/2003, TPHCM đã khởi công dự án công trình cải tạo xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua 7 quận gồm: quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp chia làm 33 gói thầu.
Giữa tháng 8/2013, công trình cải tạo, xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Công trình có tổng vốn đầu tư dự án 8.600 tỉ đồng. Việc con kênh trong xanh trở lại đã đem lại luồng sinh khí mới cho hàng triệu dân sống ven bờ cũng như thay đổi bộ mặt TP.