Ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, do làm ăn thua lỗ, Nhà máy Xi măng Bắc Kạn bị phá sản và được ngân hàng phát mãi tất cả tài sản trên đất và đất đai, trong đó có nguồn phóng xạ này.
Khi ngân hàng nhận bàn giao tài sản, Sở KHCN Bắc Kạn cũng đã xuống kiểm tra và có biên bản nhắc nhở ngân hàng phải có biện pháp quản lý tài sản trong đó có nguồn phóng xạ, không được động chạm, di chuyển.
Trong trường hợp có thay đổi thì phải báo cho Sở KHCN. Tuy nhiên, có thể do ngân hàng chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này nên việc quản lý lỏng lẻo gây mất nguồn phóng xạ.
Phân tích độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ này khi bị rò rỉ, ông Tấn khẳng định, nguồn phóng xạ này có chỉ số rất thấp nên không ảnh hưởng tính mạng con người:
“Đây là nguồn Cs - 137, nó có chỉ số hoạt độ rất thấp, chỉ ở khoảng 0,002 curie, ở mức thứ 5 trong bảng quy chuẩn phân loại. Các nguồn có chỉ số hoạt độ dương 0,01 curie mới được coi là nguy hiểm, nguy hại đến tính mạng con người” - ông Tấn nói.
Ông Tấn cho biết thêm, nguồn phóng xạ này có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng hạt đậu đen. Nó được bọc trong một cục chì nặng khoảng 5 - 7kg, có lẽ do vậy mà bọn trộm lấy với mục đích bán… cục chì.
Cũng theo ông Tấn, nguồn phóng xạ này đã bị mất cách đây 2 tuần, ngay sau khi mất Sở KHCN đã báo cáo ngay với UBND tỉnh và Cục biết, hiện họ đã triển khai đi tìm:
“Cục cũng đã đưa người xuống hỗ trợ tìm kiếm bằng các thiết bị hiện đại nhất có thể. Sẽ cố gắng để tìm bằng được. Trong thời gian nhất định nếu tìm không ra, Cục sẽ có báo cáo lên Chính phủ và Công an để họ vào cuộc tìm kiếm” – ông Tấn nói.
Nói về trách nhiệm quản lý, ông Tấn cho biết, làm mất nguồn phóng xạ là trách nhiệm thuộc về cơ quan cũ và ngân hàng. 1 – 2 tuần nữa Cục sẽ cử người xuống làm việc, sẽ có biện pháp xử phạt đối với những người có trách nhiệm làm mất nguồn phóng xạ.
Được biết, hiện nay nước ta có hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại được cấp phép sử dụng.
Hiện có khoảng 80 cơ sở sử dụng các nguồn phóng xạ khác nhau trong đó có 24 cơ sở dùng nguồn phóng xạ mạnh phục vụ nghiên cứu, chữa bệnh và 56 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ yếu để phục vụ sản xuất công nghiệp.
Theo ông Tấn, những nguồn phóng xạ mạnh đang sử dụng, có độ nguy hiểm cao, nguy cơ dẫn đến chết người nếu rò rỉ đều đã được gắn chíp theo dõi. Còn những nguồn nhỏ như tại Nhà máy Xi măng Bắc Kạn thì không cần thiết gắn chíp.
Trước đó, thàng 4.2015, cũng xảy ra một vụ thất lạc nguồn phóng xạ tại Nhà máy thép Pomina (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng đến nay vẫn không tìm thấy.