Mở đầu câu chuyện, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo đã kể lại chuyện Bác Hồ phong tướng.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nói: Phong tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ là một trong rất nhiều việc thể hiện niềm tin của Bác Hồ với người trẻ.
Lần đầu tiên Bác Hồ gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng ở Trung Quốc vào năm 1940. Đồng chí Phạm Văn Đồng lúc đó mang bí danh là đồng chí Tô. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lấy bí danh là đồng chí Văn.
Trong buổi gặp đó, sau khi trao đổi với cả hai người về tình hình cách mạng trong nước, Bác Hồ nói: “Chú Tô thì học thêm về quản lý, còn “cô” Văn thì học thêm về quân sự”.
Bác thường gọi “cô” Văn vì đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đó dáng người rất thư sinh. Sau đó, Bác đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp tham gia học tập tại trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Như vậy ngay từ hồi đó, Bác Hồ đã có định hướng chiến lược cho hai vị lãnh đạo cao cấp của cách mạng Việt Nam sau này.
Đến năm 1948, Bác Hồ và Trung ương Đảng thống nhất để tăng vị thế cho lực lượng vũ trang đã quyết định phong hàm cho một số cán bộ cao cấp của quân đội.
Người đầu tiên được phong hàm Đại tướng là đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp mới có 37 tuổi. Lễ phong tướng diễn ra vào 13 giờ ngày 27/5/1948 tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có nhận xét gì về sự kiện Bác Hồ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp khi còn rất trẻ?
Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể lại câu chuyện Bác Hồ trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài.
Đó là sau khi Bác Hồ ký sắc lệnh phong Đại tướng đầu tiên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thì phóng viên một tờ báo của Pháp có phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Tại sao ông Võ Nguyên Giáp chưa qua một trường đào tạo sỹ quan chính quy nào, chưa qua một học viện quân sự nào mà lại được phong Đại tướng?"
Bác Hồ đã cười mà nói rằng: Thế thì ngài thử xem những lãnh đạo của quân đội Pháp cầm quân ở Đông Dương thì đã qua các học viện quân sự chưa?
Phóng viên nước ngoài khẳng định, tất cả các vị tướng được cử sang cầm quân tại Việt Nam và Đông Dương đều đã qua đào tạo tại các học viện quân sự lớn của Pháp và nhiều nước khác.
Bác Hồ nói: Vậy thì các vị tướng ấy cầm quân đánh trận ở Việt Nam đều thua ông Giáp thì ông Giáp phải trên họ một bậc! Quan điểm của Bác Hồ là như vậy.
Lấy thực tế, kết quả công việc để đánh giá con người chứ không phải căn cứ vào bằng cấp.
Vừa qua trên diễn đàn Quốc hội đã bàn về việc phong tướng trong quân đội khi thảo luận về một số sửa đổi trong Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông có nhận xét gì về thực tế bổ nhiệm cán bộ hiện nay?
Nhiều đồng chí hiện nay học tập theo kiểu “học gạo”, thiếu thực tiễn nên hiệu quả không cao; tư duy quân sự, chính trị không phát triển, lý luận thì chết cứng. Có trường hợp cứ tưởng học là xong rồi nên sau đó ít nghiên cứu, ít học hỏi. Đây là điều phải rút kinh nghiệm.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo
Thời kỳ hiện nay là thời bình nên hoàn cảnh đã khác nhiều so với thời kỳ chiến tranh.
Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, tướng lĩnh, sỹ quan trong quân đội phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn về bằng cấp, đào tạo, đánh giá.
Vấn đề đặt ra là bằng cấp ấy có đúng với thực chất năng lực của cán bộ hay không?
Đây là thực trạng mà cả nhà trường và cơ quan sử dụng cán bộ phải xem xét.
Nhiều đồng chí hiện nay học tập theo kiểu “học gạo”, thiếu thực tiễn nên hiệu quả không cao; tư duy quân sự, chính trị không phát triển, lý luận thì chết cứng.
Có trường hợp cứ tưởng học là xong rồi nên sau đó ít nghiên cứu, ít học hỏi. Đây là điều phải rút kinh nghiệm.
Tướng lĩnh trong quân đội thời kỳ chiến tranh, ít được học tập tại các trường chính quy nhưng các tướng lĩnh thời kỳ đó lấy thực tế làm trường học, hăng say sáng tạo, biết đúc rút những kinh nghiệm và kiến thức hết sức quý báu.
Nhân đây tôi cũng cho rằng khi đánh giá lớp trẻ cần nhìn vào thực tế công việc của họ để đánh giá. Đó là tư duy biện chứng. Hãy nhìn vào công việc của người trẻ đã làm được để đánh giá.
Có ý kiến cho rằng, nhiều tướng lĩnh hiện nay khi được phong tuổi đã khá cao, thời gian cống hiến không còn dài, thưa ông?
Tôi không muốn bàn cụ thể vào từng trường hợp. Nhưng có tình trạng là chúng ta không dám đột phá và vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy cũ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xét là hiện nay trong điều kiện thời bình, môi trường làm việc, thể hiện, cống hiến khác rất nhiều so với thời kỳ chiến tranh.
Thực tế chiến tranh vô cùng khốc liệt nhưng cũng sàng lọc cán bộ rất nhanh.
Chúng ta cần nhìn nhận việc này khách quan để tránh phê phán một chiều. Đồng thời cũng thường xuyên phải nghiên cứu, cải tiến các cơ chế phát hiện, tuyển chọn, sử dụng cán bộ trẻ.
Quan điểm đã có nhưng trong quy định, chính sách cụ thể lại chưa rõ, nhất là trong khoa học công nghệ.
Tôi ví dụ như có nhiều đồng chí đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại là những chuyên gia đầu ngành trong khoa học, nắm giữ nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm quý báu thì chính sách sử dụng và đãi ngộ với họ vẫn chưa hấp dẫn…
Các cụ xưa có câu “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Chúng ta phải vận dụng điều này sao cho đúng trong công tác cán bộ, thưa ông?
Xét về tổng thể thì quan điểm của các cụ xưa là đúng. Tuy nhiên khi đánh giá con người cụ thể thì có nhiều người già những chưa hẳn đã khôn, có nhưng người trẻ nhưng chưa hẳn đã khỏe!
Quy luật ông cha đúc rút là như thế nhưng khi vận dụng để xem xét con người thì phải rất cụ thể, phải nhìn vào năng lực và công việc họ đang làm.
Sử dụng con người phải biết phát huy thế mạnh của từng người, từng lứa tuổi.
Cảm ơn ông.
Buổi lễ phong tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp được tiến hành trong nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Đúng 13 giờ buổi lễ bắt đầu.
Trong không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh.
Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm mùi xoa lau nước mắt. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo ầm ầm…