Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề các cơ quan, tổ chức hiện nay rất khó phát hiện tham nhũng, PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (ảnh), cho rằng:
Thực ra chúng ta vẫn phát hiện ra tham nhũng, chỉ có điều việc phát hiện và đưa ra ánh sáng thường rất ít từ trong nội bộ, tổ chức.
Và điều khiến dư luận bức xúc hiện nay là việc xử lý chưa tương xứng, chưa như mong đợi.
Câu kết, bao che để bảo vệ lợi ích
. Phóng viên: Theo ông, tại sao trong nội bộ từng cơ quan, tổ chức lại không thể tự phát hiện tham nhũng?
+ Ông Đặng Ngọc Dinh: Thực tế như người dân thường nói, chỉ khi nào nội bộ một cơ quan, tổ chức xảy ra mâu thuẫn thì những vụ việc tham nhũng mới bị lộ ra.
Khi chưa có mâu thuẫn thì nói chung không ai lại tự đi tố cáo tham nhũng để ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
. Nguyên nhân phải chăng là người đứng đầu của các cơ quan chưa sâu sát thực hiện vai trò của mình nên không phát hiện tham nhũng ngay trong chính cơ quan mình, hay là có sự câu kết bao che nào đó?
+ Thực tế hiện nay tham nhũng rất tinh vi và có tính tổ chức, câu kết. Không ai tham nhũng một cách đơn lẻ. Trong thời buổi hội nhập thậm chí tham nhũng còn… mang tính toàn cầu hóa.
Chúng ta đã thấy điều đó qua những vụ việc tham nhũng liên quan đến các tập đoàn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vụ nhà thầu JTC (Nhật Bản) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam là một ví dụ.
Như thế, khi một cá nhân tham nhũng thì có thể sẽ liên quan đến người đứng đầu của cơ quan, tổ chức. Bất cứ một hành vi tham nhũng nào cũng có thể liên lụy đến người khác.
Khi cấp dưới bị phát hiện và tố giác tham nhũng thì cấp trên, nếu dính đến tham nhũng sẽ có xu hướng bao che, làm giảm nhẹ các hình thức xử lý đối với người bị tố giác, bị phát hiện nhằm bảo vệ quyền lợi (phi pháp) của mình.
Phải tạo lập được một hệ thống xã hội trong sạch
. Có ý kiến cho rằng một khi các cơ quan khó tự phát hiện tham nhũng và các thiết chế chống tham nhũng còn hạn chế thì cần phải có một cơ chế độc lập phát hiện và chống tham nhũng. Quan điểm của ông thế nào?
+ Nếu ta loay hoay tìm một người, một cơ quan độc lập chống tham nhũng tại thời điểm này thì hơi khó. Tổ chức này sẽ nằm ở đâu? Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc công đoàn...?
Tôi vẫn nhấn mạnh đến việc phải tạo ra một xã hội ít sản sinh ra tham nhũng.
Ta chưa thể đạt được mức như Thụy Điển có chỉ số cảm nhận tham nhũng (xã hội liêm chính) đạt 9,8 điểm nhưng phải phấn đấu đạt được mức trên 5 điểm (hiện nay chỉ số này của Việt Nam là 3,0 điểm trên điểm tối đa là 10).
Như vậy, phải tạo lập được một hệ thống xã hội trong sạch.
. Ông đang nói đến một hệ thống quản trị để ngăn ngừa tham nhũng?
+ Đúng hơn phải là một hệ thống quản trị hiện đại, trong đó bao hàm những vấn đề cốt lõi như minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.
Chẳng hạn, khi bầu cử Quốc hội, HĐND phải minh bạch lý lịch, tài sản của các ứng cử viên để dân đối chiếu, giám sát.
Nhưng quan trọng nhất phải là thực hiện “trách nhiệm giải trình”, tức là chính quyền phải giải thích, trình bày và trả lời những câu hỏi “tại sao” của dân.
Chẳng hạn, việc Hà Nội tiến hành chặt cây phải trả lời được câu hỏi “tại sao lại phải chặt cây?”. Nếu những giải trình của chính quyền không thỏa đáng thì việc chặt cây phải dừng lại.
Dừng chặt cây sẽ ngăn chặn được việc làm không đúng, đồng thời cũng ngăn chặn được nguy cơ tham nhũng. Đó chính là tác dụng ngăn ngừa tham nhũng của cơ chế “giải trình”.
Trách nhiệm giải trình là một thành tố quan trọng của cơ chế tự phát hiện và chống tham nhũng.
Cũng cần nhấn mạnh đến cơ chế “sự tham gia của người dân”. Sự tham gia này sẽ kiểm soát được tham nhũng.
Mô hình quản trị hiện đại sẽ lái xã hội vào con đường đúng khi tuyển dụng được những người tài, có đạo đức tốt vào hệ thống công quyền, những người có vị trí quan trọng trong xã hội. Điều này cần thời gian và sự cầu thị thực sự.
. Như ông nói để có sự chuyển đổi này không phải một sớm một chiều, vậy liệu có giải pháp tức thời nào không, thưa ông?
+ Trước mắt, chúng ta vẫn cần những hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, sự “vào cuộc” của truyền thông-báo chí, “tai mắt” của người dân và phải tiếp tục lôi ra ánh sáng những vụ án tham nhũng…
Nhưng không phải có một số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử là chúng ta đã tìm được những biện pháp căn cơ… Năng lực phòng, chống tham nhũng của ta còn có hạn.
Vì thế phải hoàn thiện, đổi mới thể chế theo mô hình quản trị hiện đại. Đó là cách phòng chống, phát hiện tham nhũng căn cơ, hữu hiệu nhất.
. Xin cám ơn ông.
Những biện pháp bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng cũng chỉ mang tính động viên, phụ trợ. Nó chưa phải là cơ chế.
Khi chưa hình thành được cơ chế phòng chống và tự phát hiện tham nhũng thì việc khuyến khích, kêu gọi người dân tố cáo, phát hiện tham nhũng chưa thể phát huy tác dụng hiệu quả.
PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH