LTS: Nhiều năm nay, giang hồ đồn thổi làng võ Việt đang lưu giữ những bí kíp võ công được các cao thủ săn lùng hệt như phim ảnh kiếm hiệp của Trung Quốc.
Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và nó có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.
Hoắc Nguyên Giáp của làng võ Việt
Lại nói chuyện đại sư Đoàn Tâm Ảnh, sau thời gian náu mình trong chùa và đêm đến thì thực hiện sứ mệnh trừ gian diệt ác và khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ông lại tiếp tục cuộc đời bôn tẩu giang hồ.
Lần này, bước chân phiêu bạt đưa ông đến Mã Lai, Phi-líp-pin, Nhật Bản và sang cả Thổ Nhĩ Kỳ. Ở bất cứ đâu ông cũng lần mò hấp thụ những tinh hoa võ học của người bản địa và truyền bá võ công mình học được cho mọi người.
Năm 1954, ông trở lại Việt Nam và sống tại Cần Thơ. Tại đây, ông thâu nạp môn sinh, mở võ đường dạy võ.
Võ sư Băng Sơn bảo, nếu Trung Quốc có danh gia võ thuật Hoắc Nguyên Giáp, người đã hệ thống hóa võ thuật Trung Quốc để thành lập Tinh võ môn thì Việt Nam có đại sư Đoàn Tâm Ảnh.
Danh sư Đoàn Tâm Ảnh được ví như Hoắc Nguyên Giáp của làng võ Việt. (Ảnh Internet)
Cũng với mong muốn hệ thống lại nền võ thuật nước nhà nhằm truyền bá rộng rãi hơn những tinh hoa võ Việt mà năm 1960, tại tây đô, đại sư đã đứng ra sáng lập Võ lâm đạo Việt Nam và thành lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam.
Trở lại chuyện “cuốn bí kíp võ công trị giá 200 cây vàng”, theo võ sư Băng Sơn, đây là bí kíp võ công của môn phái Côn Luân và hệ phái này ở Việt Nam do đại sư Đoàn Tâm Ảnh đứng đầu cũng có tên là Võ lâm Côn Luân.
Theo võ sư Băng Sơn, khi ở Cần Thơ mở võ đường dạy võ, tuy chưa lấy đích danh tên môn phái nhưng thứ võ công mà đại sư Đoàn Tâm Ảnh truyền thụ tới mọi người cũng chính là những chiêu thức, kỹ thuật của Côn Luân Bắc phái.
Báu vật bất ly thân được cao thủ Trung Quốc truyền tặng
Võ sư Băng Sơn cho biết, trước đây, khi tiếp xúc với đại sư, ông đã được thầy mình kể, sau khi theo Mộc Đức Thiền sư luyện võ, khi từ biệt, ông đã được sư phụ mình truyền lại cuốn bí kíp võ công này.
Đại sư coi cuốn bí kíp như báu vật và mang theo bên mình suốt những năm tháng bôn tẩu giang hồ.
Bản gốc của cuốn bí kíp viết bằng chữ Hán, ngôn từ bằng cổ ngữ khó hiểu, những chiêu thức chỉ là gợi mở, chỉ những người uyên thâm võ thuật mới có thể thụ cảm.
Bởi thế, theo võ sư Băng Sơn, khi muốn truyền bá những tinh hoa võ thuật mà mình nhiều năm khổ luyện, đại sư đã diễn giải cuốn bí kíp đó bằng tiếng Việt cho dễ hiểu hơn.
Đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã diễn giải những chiêu thức trong cuốn bí kíp mà mình vẫn giữ bên mình như báu vật.
Theo sự diễn giải đó thì cuốn bí kíp chia làm 5 phần, đại sư viết tỉ mỉ trên 7 cuốn sổ tay được đóng tử giấy ô-li và được đại sư đặt tên là Bí kíp cẩm nang của Ngọc Hư Xiển Giáo Đích Hư Cung.
Thuyết giải của đại sư Đoàn Tâm Ảnh thì bí kíp này cũng như môn phái Côn Luân Bắc phái được khởi nguồn từ đạo tiên do 3 vị chân nhân (học trò của Hồng Quân lão tổ) sáng lập.
Ba vị đạo nhân đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên giáo chủ, Thái Thượng lão quân.
Truyền thuyết thì từ thuở xa xưa, các vị này đã nhận thấy cuộc đời là nơi giam hãm con người, phú quý công danh như trẻ nhỏ mò trăng đáy nước, thế mà người đời vẫn cố nhau giành giật như đá dằn thây, như dao lóc thịt để cuối cùng chết thảm trong khổ đau.
Bởi suy nghĩ trên, ba vị này đã nghĩ ra phương pháp tu luyện để sống đời thanh cao, lánh xa thế tục lụy phiền và trường thọ mãi mãi.
Nguyên Thủy Thiên Tôn nghĩ ra Thiên can quyền, Thông Thiên giáo chủ nghĩ ra Địa chi quyền, Bát quái quyền, Thái Thượng lão quân thì nghĩ ra Ngũ hành quyền và cùng nhau tu luyện.
Theo võ sư Băng Sơn thì cuốn bí kíp võ công mà ông đang giữ có ghi đầy đủ những tuyệt kỹ công phu của Côn Luân Bắc phái. Và, cuốn sách đến tay ông vừa là duyên vừa trọng trách thiêng liêng mà đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã giao phó cho ông.
Hành trình tìm cao nhân khổ ải
Theo lời kể của võ sư Băng Sơn, năm 1988, danh sư Lý Chấn Hòa (Chưởng môn phái đời thứ 44 của võ phái Thiếu lâm Phật gia) sư phụ đầu tiên của ông bởi da diết nhớ cố hương đã về nước.
Trước lúc chia tay, sư phụ ông đã dặn lại rằng nếu muốn phát dương nghiệp võ thì phải vào Nam tìm và bái cho kỳ được đại sư Đoàn Tâm Ảnh làm thầy. Nhớ lời sư phụ dặn nên ngay sau đó võ sư Băng Sơn đã từ biệt gia đình vào Nam.
Võ sư Băng Sơn, đệ tử cuối cùng trong nhóm Thập nhị đại đồ đệ của đại sư Đoàn Tâm Ảnh, người đang giữ cuốn bí kíp võ công quý giá.
Danh sư Đoàn Tâm Ảnh tiếng nổi như cồn nhưng miền Nam bao la, tìm ông không dễ. Võ sư Băng Sơn bảo, phải mất mấy lần đi lại, ngược xuôi ông mới tìm được cao nhân.
Tính phóng khoáng, đại sư chẳng ở yên chỗ nào. Khi ở nhà con cái, khi ở tư gia của các đệ tử nhưng chỉ được ít ngày là ông lại cất bước phiêu bồng.
Sự kiện đại sư Đoàn Tâm Ảnh đặc cách thâu nạp ông làm môn đệ cuối cùng trong nhóm Nhị thập đại đồ đệ cũng khiến làng võ phía Nam xôn xao khi đó.
Tuy nhiên, sau này tìm hiểu, võ sư Băng Sơn mới biết, sư phụ đầu tiên của ông, danh sư Lý Chấn Hòa đã có lời gửi gắm trước khi về nước.
Thêm nữa, qua vài lần thử người, thử tài đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã tuyệt đối tin tưởng và muốn ông phát dương Côn Luân Bắc phái ở miền Bắc. Đây có lẽ cũng chính là lý do ông may mắn được thừa hưởng bí kíp võ công độc nhất vô nhị này.
Bất ngờ được trao sách quý
Võ sư Băng Sơn kể, năm 1991, khi ra Hà Nội dự Hội nghị thành lập Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, đại sư Đoàn Tâm Ảnh được bố trí ở tại khách sạn Năng Lượng trên đường Cát Linh.
Thầy ra, ông cùng một đệ tử tên Hải của mình đã ngày đêm túc trực để nghe thầy sai việc cũng như chỉ giáo võ thuật.
Mấy ngày ở Hà Nội, phòng đại sư lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Họ là là những nhà báo thể thao và đương nhiên không thể thiếu những người đam mê võ thuật bởi hâm mộ đại sư mà tìm đến hỏi han, tham vấn.
Ngay ở khách sạn, võ sư Băng Sơn cũng tận mắt chứng kiến thầy mình truyền dạy Lục mạch thần kiếm, Đả cẩu bổng pháp cho một số võ sư đến sở cầu.
Vấn an, chăm sóc cho thầy được vài hôm thì võ sư Băng Sơn phải xuống Quảng Ninh dự cuộc liên hoan võ thuật mà ông đã hẹn từ trước đó. Trước lúc đi, ông đã dặn người đệ tử tên Hải phải thay mình ở cạnh để đại sư tiện bề sai bảo.
Và rồi, đúng hôm ông đi Quảng Ninh đó thì qua người học trò, đại sư đã truyền lại cho ông phần đầu tiên của cuốn bí kíp võ công trên.
Khi về nhà, nghe đệ tử kể lại, sáng đó trước mặt rất nhiều nhà báo, đang trò chuyện bất chợt đại sư tìm trong va li hành lý của mình cuốn sổ bé bằng bàn tay rồi dúi nhanh vào tay đệ tử của ông và bảo: “Đem về cho thầy anh, bảo thầy anh phải giữ cẩn thận!”.
Thấy hành động có vẻ khác thường của đại sư, các nhà báo đã rất đỗi ngạc nhiên và tò mò gặng hỏi cuốn sổ đó viết gì nhưng đại sư đã lớn tiếng đuổi kẻ môn hạ kia khẩn trương ra về.
Về đến nhà, được cậu đệ tử đưa sách và nghe kể lại câu chuyện trên, võ sư Băng Sơn đã vội vàng chạy lên nhà khách tìm thầy. Tuy nhiên, nhân viên nhà khách bảo, đại sư vừa dọn đồ và đi được vài phút.
Chẳng biết tìm thầy ở đâu bởi thời đó chưa có điện thoại cầm tay, linh tính ông vội vã chạy thẳng ra ga. Lần hồi tìm kiếm ở khắp các toa tàu, rất may ông đã gặp được sư phụ mình.
Trước khi tàu lăn bánh, đại sư đã bảo: “Cuốn sách ta đưa cho anh là tất cả những gì ta đã có. Anh giữ lấy mà rèn luyện cho mình, có điều kiện thì truyền lại cho mọi người. Đây mới là phần đầu tiên của cuốn sách, sau này anh vào tìm, ta truyền nốt cho.
Ta đã già rồi, thời gian không còn nhiều nữa nên chẳng giữ lại làm gì”.
Nghe những lời ấy của bận chân sư, võ sư Băng Sơn đã rưng rưng nước mắt.
Bút tích và chữ ký cùng con dấu của đại sư Đoàn Tâm Ảnh trên cuốn bí kíp.
Võ sư Băng Sơn bảo, đại sư Đoàn Tâm Ảnh truyền lại cho ông tập bí kíp vô cùng quý giá trên không phải là phút giây ngẫu hứng mà ông đã có dụng ý từ trước. Ngay trang đầu của cuốn sổ tay, đại sư đã viết “Tập này cho Bùi Quốc Sơn” (tên thật của võ sư Băng Sơn).
Và, dưới dòng chữ ấy là dấu triện và chữ ký của đại sư. Chữ ký có hình ngôi sao 5 cánh, chữ ký từng khiến cường hào ác bá thuở trước khiếp đảm.
Ở trang kế tiếp, đại sư cũng lưu bút rõ ràng: “Võ đạo thể thao, thầy cho Bùi Quốc Sơn được phép phát hành nếu được phép của nhà nước Việt Nam”. Dưới dòng lưu bút ấy vẫn là chữ ký của đại sư và triện dấu hình chữ nhật.
(Còn nữa)