Trong màn sương huyền thoại ấy, chúng tôi đã đến đây để tìm hiểu về một Pơtao, mà người Jrai thường gọi là Pơtao Angin (Vua gió)…
Ông là Siu Bam hay còn gọi là Ơi Bam-Pơtao Angin (SN 1920, tại xã Chư A Thai, Gia Lai-Kon Tum (cũ), mất năm 1988), được dân làng tôn làm Pơtao vào năm 1969, là “Vua gió” đời thứ 5 ở Plei Măng, cũng là vị “Vua gió” cuối cùng.
Huyền bí về Pơtao Angin
Tháng 12, Phú Thiện vẫn nắng gắt sau những cơn mưa cuối mùa, trời vẫn xanh trong. Chúng tôi đến Plei Măng, nơi đã từng một thời Siu Bam “làm vua”. Men theo con đường nhỏ đã được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới để vào làng; căn nhà sàn của vị “Vua gió” ngày ấy vẫn còn sừng sững sau bao nhiêu mùa mưa nắng. Đó là một căn nhà sàn nhỏ thường thấy của đồng bào Jrai trên vùng đất này. Do đã hẹn trước nên bà Ksor H’Nhriu là con gái của Pơtao Angin-Ơi Ban đã ra đón chúng tôi ngay từ đầu cổng. Vừa bước vào nhà, chưa kịp mời nước khách xa, bà Ksor H’Nhriu đã gọi đứa cháu gái mang những kỷ vật của Pơtao Angin cho chúng tôi xem và kể lại những câu chuyện huyền bí về ông.
Theo lời của bà Ksor H’Nhriu, năm 1969 vị “Vua gió” đời thứ tư là Siu Ba từ giã cõi trần, người Jrai ở Plei Rơ Bai đã chọn Siu Bam “kế vị”. Các già làng cho rằng Siu Bam là người được Yàng yêu thích, nên được lên làm Pơtao để giúp dân làng cầu mưa, gọi gió và cúng cho người ốm, người điên cũng như những lúc mùa màng thất bát. Bà cũng không biết vì sao người Jrai ở đây gọi là Pơtao Angin. Nhưng khác với các bậc Pơtao mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên như “Vua lửa”, “Vua nước”, đã lên làm Pơtao Angin thì không được cưỡi voi, cưỡi ngựa hay đi xe mà chỉ đi bộ, vì đi các phương tiện sẽ có gió cuốn theo mưa bão.
Bà kể rằng, năm 1971, đứa cháu trai của bà Siu Bót mời Pơtao Angin đi dự một phiên xét xử ở Plei Blrok. Do mặt trời đã lên quá đỉnh núi, nên cháu trai bà giục ông lên xe để chở đi cho kịp giờ. Chiếc xe lăn bánh được chừng vài trăm mét, bỗng dưng trời đang nắng gắt chuyển tối sầm, mây đen ùn ùn kéo đến, trời nổi gió cuốn theo bụi mù làm chiếc xe chao đảo lao vào vệ đường rồi gãy đôi. Bà Ksor H’Nhriu cũng được nghe các già làng kể lại rằng: Vào khoảng năm 1980, Ơi Bam đi ăn nhà mả ở Plei Tơmul, khi ché rượu cần vừa mới được mở ra, Ơi Bam thấy Ơi Aluynh (Pơtao Pui đời thứ 14) đi ngang qua liền mời vào cùng uống rượu. Khi hai Ơi vừa giáp mặt nhau, bỗng một cơn gió lốc từ đâu kéo đến cuốn bay cả căn lều mà Ơi Bam và Ơi Luynh đang ngồi…
Một biểu tượng bị thất truyền
Năm đó, trời Plei Măng nắng to, mọi con sông, con suối quanh làng đều khô cạn, cây cối héo khô. Người Jrai phải vào rừng chặt ống tre, ống trúc để chắt từng giọt nước. Không chịu nổi cái nắng, cái khát, dân làng khiêng nào heo, gà, rượu ghè… đến để xin Pơtao Angin cầu mưa cứu giúp dân làng...
Lễ vật cầu mưa gồm một con gà, một ghè rượu lớn, một chén đồng và một đĩa lớn đựng thịt heo được đặt trên đàn dựng ở gò đất trống đầu làng. Vua gió trong bộ lễ phục màu trắng cùng hai trợ lý là Siu Ma Sâm và Siu Blơl và 5 người già trong làng bắt đầu làm lễ. Cả ngày hôm đó, dân làng phải bỏ hết công việc nương rẫy, chỉ ở nhà khua chiêng, đánh trống để phục lễ gọi gió, cầu mưa. Sau khi đọc lời khấn, “Vua gió” đưa gươm báu chỉ về tứ phía để mời các thần về dự lễ và cho gió, cho mưa giúp dân làng qua cơn khô hạn.
Thật kỳ diệu, sau khi dứt lời khấn cầu, gió thốc lên từng cơn, mây đen ùn ùn kéo đến, giông tố nổi lên rồi mưa như trút nước. Người dân Plei Măng chỉ biết hướng về phía Pơtao Angin lập đàn cầu gió, cầu mưa mà cúi lạy… Sau lần đó, vua gió còn được dân làng ở mãi tận Krông Pa mời về làm lễ giúp dân gọi gió, cầu mưa và cứu chữa cho người ốm, người điên khỏi bệnh…
Bà Ksor H’Nhriu lại kể rằng: Sau khi Pơtao Angin cuối cùng qua đời, đáng lẽ ra phải được chôn riêng theo nghi lễ của một bậc Pơtao. Thể theo ước nguyện của ông khi mất được chôn chung với vợ và cũng làm lễ Pơthi (bỏ mả) và dân làng đã làm đúng như vậy. Từ đó dân làng cũng không chọn ai lên làm vua nữa, nên biểu tượng “Vua gió” đến đời thứ 5 đã bị thất truyền.
Cũng do quy ước khi lên làm Pơtao thì không có ruộng đất, nên cuộc sống của “Vua gió” cũng nghèo như bao nhiêu người Jrai trên mảnh đất này. Tài sản mà “Vua gió” để lại trước lúc từ giã cõi trần chỉ có những vật dụng dùng trong những lần làm nghi lễ cúng cầu gió, cầu mưa gồm: một bát đồng, một đĩa lớn, một nồi đồng, hai ghè rượu lớn, ba chiêng đồng, ba lục lạc tròn. Nhưng trước đây, các vật dụng nghi lễ này đã mất đi một nồi đồng và ba lục lạc tròn. Bây giờ, chỉ còn chiếc chén đồng và hai ghè rượu cổ là những gì còn lại của vị “Vua gió” cuối cùng mà “hậu duệ” của ông còn gìn giữ. Còn chuyện về thanh gươm, tuyệt nhiên bà Ksor H’Nhriu không kể vì sợ loạn thần và hiện tại thanh gươm cũng đã bị mất...
Dù đã từng trong dòng tộc của Pơtao Angin, nhưng đến nay đời sống của “hậu duệ” của ông cũng bình thường như bao nhiêu người dân Jrai trên mảnh đất này. Họ không còn nghèo đói, cuộc sống đã khấm khá hơn nhờ biết chăm chỉ làm ăn. Trong số họ, có người làm Công an xã, có người đang theo học đại học… Những câu chuyện về “Vua gió” chỉ còn là hoài niệm đang phai dần theo dòng chảy của thời gian.