SBC thưở nào là hình ảnh mê mẩn của thanh niên thành phố và khắc tinh của tội phạm khi người ta đồn SBC chạy xe không giới hạn tốc độ, bắn súng bách phát bách trúng, võ nghệ đầy mình và xem cái chết nhẹ tựa lông hồng…
Đó cũng chính là hình ảnh của Võ Tấn Thành, Hai Thành, một huyền thoại đường phố…
Quá nhanh, quá nguy hiểm…
Và đầy mưu trí là những gì đồng đội nhớ về anh Hai Thành bởi anh luôn cùng đồng đội trực tiếp đánh án, luôn là người cầm súng và xông vào tấn công tội phạm đầu tiên, không ngại hy sinh.
Mà SBC là như vậy, đồng đội của anh cũng như vậy.
Sau 1975 công tác hình sự thật ra là cuộc chiến vũ trang giữa lính hình sự và các băng nhóm giết người, cướp của, bắt cóc..
Hãy nhìn vào quy định hoạt động của SBC (Săn bắt cướp) thì rõ tình hình dữ dội như thế nào về những ngày đầu sau giải phóng 1975:
“SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy hết tốc độ, được chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, gặp đối tượng truy nã không đầu hàng được phép bắn vào đối tượng sau khi đã bắn cảnh cáo hai phát”.
Vâng, vì các băng nhóm luôn nổ súng trước, mạng sống của trinh sát SBS luôn treo trước đầu họng súng, ai bắn nhanh hơn sẽ sống.
Nhưng Hai Thành luôn chủ trương khống chế an toàn, hạn chế nổ súng và anh đã suýt chết khi làm điều này với tướng cướp Sáu Cầu Bông Phan Bá Y (người giết trùm du đãng Sơn Đảo trước 1975) cũng bắn cán bộ khi bị truy bắt.
Tuy nhiên dù đã khi chết hụt nhiều lần Hai Thành vẫn kiên định với phương pháp này.
Anh Huỳnh Bá Thành (TBT báo CATPHCM) khi còn sống rất ái mộ Hai Thành nhưng than không khai thác được gì nhiều vì Hai Thành kín tiếng lắm:
Không chỉ là huyền thoại đường phố, Hai Thành còn là cảm hứng tuyệt vời cho văn học và điện ảnh… khi nhìn vào danh sách Hai Thành phá án: vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt con BS Lã Hỉ, vụ án Thanh Nga, Tín Mã Nàm, Điền Khắc Kim, Bông Hồng Trắng…
Đó là những vụ án đã đi vào kinh điển của ngành công an.
Một đời lặng lẽ
SBC ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của những cán bộ công an dày dạn kinh nghiệm về công tác nội tuyến, ngoại tuyến, vũ trang như Đại tướng Mai Chí Thọ,Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp,Trung tá Phan Thanh (Ba Tung) và người học trò, đồng chí của họ là Hai Thành đã học tập phát triển nó thành những quan điểm hình sự mới như công tác vận động tuyên truyền, công tác mạng lưới cơ sở, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc…
Cậu bé Bến Tre Võ Tấn Thành 11 tuổi đã tham gia đội du kích vũ trang, 18 tuổi chiến đấu trong đoàn quân tiểu đoàn 307, được tập kết ra bắc đào tạo chuyên nghiệp về công an… nên khi giải phóng 1975, anh trở thành đội trưởng đội Chấp Pháp phòng Hình sự Công an TPHCM.
Sau đó với vai trò người đội trưởng SBC đầu tiên (săn bắt cướp) Hai Thành đã đào tạo những học trò xuất sắc về hình sự cho ngành công an…
Những năm 1990,anh Huỳnh Bá Thành yêu cầu tôi và nhà văn Đam San viết một tiểu thuyết về huyền thoại đường phố Võ Tấn Thành, anh Hai Thành từ chối khéo và sau đó gặp riêng tôi:
- Có nhiều điều chưa được phép tiết lộ. Anh không đua danh đoạt lợi. Anh sẵn lòng cống hiến cho cách mạng ở bất cứ vị trí công tác nào, nhưng trước hết phải sống gương mẫu và dạy con cháu đàng hoàng.
Khi anh Hai Thành trở thành Chánh án Tòa án nhân dân Tân Bình, tôi có nhiều lần gặp anh với anh em cán bộ Tân Bình. Một lần tôi hỏi: "Điều gì làm anh hài lòng nhất trong cuộc đời làm công an?"
- Đó là khi mình đối mặt với lá đơn tố cáo nghiêm trọng và bị đình chỉ công tác, biết rằng nghề hình sự gặp nhiều ám trá nhưng mình chưa chuẩn bị cho việc này. Cuối cùng mình đã vượt qua được, dù rất khó khăn! Qua đó mình học thêm điều không thể thiếu của người công an là lòng trung thành, nhẫn nại, chịu đựng…khi bị hàm oan. Vì mình tin rồi sự thật sẽ sáng tỏ.
Vĩnh biệt một huyền thoại đường phố, vĩnh biệt người Đội trưởng SBC đầu tiên!