Những ngày đầu xuân, du khách thập phương đến ngắm suối cá lạ ở bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) còn được dịp trầm trồ trước những chiếc điếu cày khổng lồ, lạ mắt do dân bản Lương Ngọc sản xuất theo phương pháp thủ công.
Điếu dài trung bình 1-1,5 m, lớn nhất dài hơn 1,5m, đường kính 20 cm, nặng gần 20 kg. Tất cả đều do nghệ nhân Phạm Văn Thống (46 tuổi) làm từ cây luồng, cây bương rừng. Ông Thống cho biết, sau chuyến đi rừng đầu năm 2012, phát hiện những cây luồng cong queo mọc trong vách đá hình thù rất kỳ quái, lạ mắt nên bắt đầu nghĩ ra ý tưởng làm những chiếc điếu bán cho du khách.
“Những cây luồng mọc trong vách đá cả mấy chục năm, thân cong queo, không thể dựng nhà cửa nên thường bị bà con chặt bỏ hoặc làm củi đốt, rất phí. Lúc đầu, tôi chỉ làm thử một cái điếu để hút cho vui nhưng thấy nhiều người khen đẹp, có du khách còn nằng nặc ngỏ ý muốn mua nên tôi chuyển sang làm để bán”, ông Thống kể.
Để làm một chiếc điếu, ông Thống phải mất cả tuần vào rừng săn nguyên liệu và đục đẽo công phu. Sau khi hoàn thiện, ông bày bán ngay tại cửa hàng bán đồ lưu niệm của gia đình với giá từ 600.000 đến hơn 2 triệu đồng một chiếc. Cũng theo ông Thống, chỉ trong mấy tháng cuối năm 2012 và dịp đầu xuân, ông đã bán được cả chục chiếc điếu.
Do quá nặng nên chiếc điếu khổng lồ được chủ nhân thiết kế thêm phần bánh xe để tiện cho việc di chuyển, hay gắn thêm hộp tre đan dùng đựng thuốc lào. Cũng vì dài quá cỡ nên để hút được một hơi thuốc, người hút cần thêm một nhân lực ngồi phía dưới hỗ trợ châm lửa đốt thuốc.
Ngoài những chiếc điếu khổng lồ trên, tại bản Lương Ngọc còn bán một loại điếu khủng không kém. Đó là tác phẩm của phạm nhân ở trại giam số 5, đóng trên địa bàn Cẩm Thủy. Những chiếc điếu này thân thẳng, dài 1,5 m, đường kính hơn 20 cm, được chạm trổ hình rồng, phượng. Nõ điếu to bằng chiếc bát con, được ghép trên thân một con rùa. Chân điếu được làm bằng gỗ, chạm trổ khá tinh xảo.