Học trò cá biệt ở lớp kỹ năng sống
Câu chuyện được kể lại bởi một giáo viên dạy kỹ năng sống cho một trường tiểu học. Đây là kỷ niệm “đáng quên” trong cuộc đời, khiến cô đã có những lúc mất niềm tin và tình yêu với nghề.
Những năm gần đây, dạy học kỹ năng sống cho học sinh được nhà trường quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo để dạy môn học này nên nhà trường thường liên kết với các trung tâm ngoài.
Kỹ năng sống là môn học đòi hỏi sự tương tác cao giữa giáo viên và học sinh, các cô giáo luôn có những phương pháp tích cực để giúp học sinh “vừa học, vừa chơi” một cách hiệu quả. Một trong số đó là việc lần lượt gọi các học sinh phát biểu dù em đó có giơ tay hay không.
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện xảy ra với Phương, một giáo viên trẻ, mới vừa qua khóa đào tạo của một trung tâm và được đứng lớp sau một thời gian trợ giảng. Với tình yêu, sự nhiệt huyết của sinh viên mới ra trường, Phương luôn dành cho học sinh của mình những buổi học thật vui và ý nghĩa.
Một hôm, do giáo viên phụ trách khối lớp 2 của một trường tiểu học nghỉ ốm, Phương được điều động đến dạy thay. Đây là lớp học các giáo viên khác của trung tâm đã truyền tai nhau vì có học sinh “cá biệt”.
Cũng như những buổi học trước, Phương bắt đầu bài học bằng một trò chơi vui nhộn, cả lớp rất vui và hứng thú. Vào nội dung chính của bài, Phương bắt đầu tương tác nhiều hơn với các em học sinh.
Cô quan niệm dù học sinh có giơ tay hay không cũng sẽ gọi phát biểu. Mỗi em ít nhất cũng phải được phát biểu một lần trong buổi học.
Trong số học sinh của lớp, có một học trò hiếu động tên là Tú. Cậu luôn muốn được cô giáo gọi mình thật nhiều, Phương cũng cố gắng gọi cậu bé nhiều hơn bởi tuổi nhỏ nếu không được giáo viên quan tâm, để ý các em có thể sẽ cảm thấy chán nản và không còn muốn học.
Tuy vậy, do thời gian học không được nhiều, Phương vẫn phải gọi và dành thời gian quan tâm đến các học sinh khác trong lớp. Mỗi lần cô gọi bạn khác, Tú tỏ thái độ tức giận với Phương và nói “sao em giơ tay mãi mà không thấy cô gọi em nữa”.
Vừa phải điều hành lớp học, Phương vẫn ân cần giải thích cho cậu bé hiểu lý do cậu không được tiếp tục gọi phát biểu.
Nhưng trái lại, Tú vẫn không nghe mà còn có những hành động phá quấy lớp học. Cậu bé không chịu ngồi yên, chạy xung quanh lớp, trêu bạn này, bạn kia và nói leo tùy tiện.
Khi cô Phương nhắc nhở và yêu cầu Tú về chỗ ngồi, cậu bé rất tức giận và ngay lập tức chạy ra ngoài hành lang, trèo lên trên lan can và dọa: “cô mà còn mắng em, em nhảy xuống đây luôn”.
Bất ngờ và hoảng hốt vì hành động của cậu bé, Phương chạy ra kéo học trò vào. Tú vẫn khăng khăng không chịu và đổ tội do cô không thèm quan tâm đến cậu, không thèm gọi cậu phát biểu.
Thấy tình huống căng thẳng, các giáo viên khác của trường chạy lại giúp Phương giải quyết sự việc và ổn định lớp. Buổi học tưởng chửng rất vui vẻ của cô và trò hóa ra lại trở thành nỗi ám ảnh trong lòng cô giáo Phương.
Cuối giờ, khi gặp được bố mẹ của Tú, cô Phương có trao đổi lại tình hình của cậu bé và khuyên gia đình nên sát sao hơn và quan tâm nhiều hơn đến cậu. Tuy nhiên gia đình dường như không mấy thiện chí và vẫn một mực bênh con.
Cô Phương tâm sự: “Lúc đó mình sốc, buồn và chán nản lắm. Nghề giáo thật sự quá nhiều áp lực và rủi ro!”.
Nhiều giáo viên đã rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi dạy học. (Ảnh minh họa)
Đập bàn phản ứng lại cô giáo
Cũng giống trường hợp của Phương, cô Mai giáo viên kỹ năng sống tại một trường tiểu học ở Hà Nội kể lại: “Trong lần mình đi dạy thay cho một cô giáo ở trường, hôm đó lớp học về bài cách thuyết trình trước đám đông.
Bài học này cần nhất là các học sinh được đứng lên thực hành, do đó mình cố gắng gọi càng nhiều học sinh càng tốt, đặc biệt là những em nhút nhát”.
Cô Mai cho biết do lớp học đông, thời gian mỗi tiết chỉ vỏn vẹn 45 phút nên chia thành bốn tổ. Lớp thi đua bằng cách mỗi tổ có bạn trả lời tốt sẽ được cộng điểm. Mặc dù vậy, cô Mai muốn cả lớp đều hăng hái phát biểu và được thực hành nhiều nên vẫn gọi đều học sinh của mỗi tổ.
Cô Mai nhớ lại: “Khi mình đang giảng bài thì một số học sinh của tổ 3 đứng dậy và nói mình bất công, tổ của các em đó giơ tay nhiều mà cô vẫn chỉ gọi như các tổ khác.
Một số em thì đứng dậy, đập bàn và nói không học nữa vì cho rằng mình cư xử không công bằng”.
Mặc dù khá bất ngờ về cách cư xử của học sinh, nhưng cô Mai cũng nhanh chóng tìm được cách xử lý. Cô mai chia sẻ: “Mình không dạy nữa, mình yêu cầu các con ngồi lại và kể cho các con nghe một câu chuyện về thế nào là sự bất công, và tại sao không nên ganh đua nhau chỉ vì điểm số. Câu chuyện khiến các con suy nghĩ lại và từ lần sau không còn chuyện này diễn ra nữa”.
Những câu chuyện thật và có thể gây ra hậu quả khôn lường, nhưng lại là không phải là những tình huống xa lạ đối với nhiều giáo viên. Mỗi giáo viên, mỗi sự nghiệp lên lớp dạy người còn từng chứng kiến và thậm chí gặp phải nhiều tình huống “dở khóc dở cười” hơn thế.
* Tên nhân vật đã được thay đổi