Một lượng lớn xăng dầu từ kho xăng trong chiến tranh bị rò rỉ ngấm xuống lòng đất khiến hàng trăm gia đình ở xã Hương Long (huyện Hương Khê) phải sống chung với nước nhiễm độc hàng chục năm nay.
Hậu quả từ chiến tranh
Những năm từ 1964 đến 1972, Đoàn 559 xây dựng một kho trung chuyển xăng dầu tại địa bàn xã Hương Long. Thời gian này, giặc ném bom dữ dội, bắn phá liên tục khiến đường ống dẫn xăng bị vỡ. Do chiến tranh ác liệt, Đoàn 559 không kịp khắc phục nên một lượng lớn xăng dầu ngấm sâu vào lòng đất.
Sau năm 1975, người dân sống trên mảnh đất chôn kho xăng phải gánh hậu quả nặng nề. Xăng còn tồn tại trong nước đã phả vào không khí, thấm nhiễm vào áo quần, ngấm vào da thịt... của người dân. Bà con ở xã Hương Long cho biết: Đã có hàng chục người chết vì ung thư, xơ gan cổ trướng, thận, gan, dạ dày, bệnh ngoài da..., hàng chục người khác đang ủ bệnh; nhiều người mắc bệnh ngoài da, tiểu đường; một số khác không chịu nổi đành bỏ xứ đi, những người bám trụ sống trong mỏi mòn.
Chịu ảnh hưởng nặng nhất là các xóm 6, 12, 13, hơn 300 giếng nước và gần 400 hécta ruộng, ao hồ phải bỏ. Nhiều chỗ chỉ cần đào sâu khoảng 2m đến 3m là có thể bật lửa đốt cháy. Ông Phan Anh Đào (SN 1955, ngụ xóm 12, xã Hương Long) kể: Hàng chục năm sống ở đây, gia đình tôi không còn lạ với mùi xăng nồng nặc bay ra từ các giếng nước, ao hồ. Tôi đã đào hàng chục cái giếng để tìm kiếm nước sinh hoạt nhưng cái nào nước cũng nhiễm xăng, màu nước vàng khè, sóng sánh như váng mỡ. Các mương, rãnh trong làng thì khỏi nói. Mỗi lần gió thổi là mùi xăng dầu nồng nặc. Cây cỏ còn không sống nổi huống chi con người. Bà Lê Thị Cương ở xóm 6 nói: Trước giờ ở đây nhà nào cũng đào ít nhất 5 đến 6 cái giếng để lấy nước dùng nhưng rồi cũng phải bỏ. Nấu lên, nước sẽ chuyển thành màu đen, giặt quần áo thì nước vàng khè.
Mỏi mòn chờ giải pháp
Mấy chục năm nay, các gia đình phải sang các vùng lân cận xin nước về dùng. Mỗi lần đạp xe chỉ chở được vài can về uống, những sinh hoạt khác vẫn dùng thứ nước nhiễm xăng này. Nước giếng nhà tôi không chỉ nhiễm xăng mà còn nhiễm phèn rất nặng. Mỗi ngày gia đình tôi phải đi gần 5km qua xã khác chở nước về nấu ăn, tắm giặt, ông Nguyễn Văn Long, ở xóm 13 cho hay. Ngoài bệnh tật, người dân cũng lo sợ cho nguy cơ cháy nổ.
Chính quyền xã Hương Long cho biết, từ năm 2007 đến nay có hơn 20 người chết vì ung thư, nhiều gia đình chết từ hai đến ba người. Đau buồn nhất là nhà ông Lê Triện, ở xóm 13 có ba người chết vì ung thư. Một người em ông cũng đang bị bệnh gan, con gái ông thì mắc bệnh ngoài da.
Người dân bị bệnh tật đe dọa, thủy sản thường xuyên bị thua lỗ do không phát triển được. Nhiều gia đình nuôi cá ở ao hồ bại sản do cá không lớn hoặc có lớn thì khi bắt lên cũng không thể ăn được vì trong mang cá luôn có mùi hôi của xăng. Năm 2009, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ mỗi gia đình vùng bị ô nhiễm nặng một chum đựng nước mưa khoảng 2m3 để họ hứng nước mưa nấu ăn, nước uống hằng ngày. Tuy nhiên về mùa nắng, các hộ dân phải sang các xã khác xin nước sạch về uống.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học công nghệ đánh giá mức độ nhiễm xăng, tìm giải pháp cứu cuộc sống cùng cực của hàng trăm hộ dân xã Hương Long, nhưng nhiều năm qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi.