'Hoa khôi dự án' ở vùng nghèo khó

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi nhận nhiệm vụ phó chủ tịch xã vùng cao, hai cán bộ trẻ 8X Nguyễn Thị Hương (1989), Nguyễn Thị Thu Lan (1983) hăng hái thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giúp dân thoát nghèo.

Nuôi lợn cỏ

Tốt nghiệp ngành Xã hội học, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) Nguyễn Thị Hương tham gia dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã và được phân công về xã Xuân Lẹ, Thường Xuân, Thanh Hóa. Ai ngờ "hoa khôi dự án" lại “bén duyên” với chăn nuôi lợn!

Khi Hương về nhận công tác được một tháng, ở xã xảy ra dịch bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò. Dù chưa được phân công phụ trách mảng kinh tế nhưng cô đã thuyết phục người dân tiêu hủy trâu bò bị bệnh thay vì bán cho lái buôn.

“Việc thuyết phục tiêu hủy trâu là rất khó khăn vì nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, phải vay tiền ngân hàng để mua trâu”, Hương cho hay.

Phó Chủ tịch xã Xuân Lẹ Nguyễn Thị Hương Ảnh: Minh Đức

Phó Chủ tịch xã Xuân Lẹ Nguyễn Thị Hương Ảnh: Minh Đức.

Sau hơn nửa năm làm phó chủ tịch xã, Hương đang mang đến hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương khi thực hiện đề án chăn nuôi lợn cỏ theo mô hình trang trại.

Hương nói: “Trên địa bàn xã có sẵn nguồn gen giống lợn cỏ, loài có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi với môi trường, khí hậu miền núi khắc nghiệt. Đây cũng là giống vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế nhưng người dân trong xã chủ yếu chăn nuôi giống lợn này theo tập quán nhỏ lẻ, manh mún”.

Lường trước những khó khăn như thuyết phục người dân thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi, lo nguồn vốn, đầu ra sản phẩm…, Hương đã chủ động trực tiếp đi khảo sát, tham quan các mô hình để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu, liên hệ các đầu mối tiêu thụ.

“Đến nay, đề án được phê duyệt. Cuối tháng 2 này, xã Xuân Lẹ trình đề án lên UBND huyện để xin nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi”, Hương cho hay. Hiện, gia đình anh Vi Văn Dương (thôn Bàn Tạn) đã lập trang trại hơn 200 m2 chăn nuôi lợn cỏ.

Theo Hương, để tạo điều kiện cho trang trại hoạt động ổn định, xã sẽ hỗ trợ mua lợn con và lợn nái. Đồng thời đưa hộ lập trang trại đi tham quan mô hình chăn nuôi có hiệu quả trong tỉnh.

Bên cạnh dự án chăn nuôi phát triển kinh tế địa phương, nữ phó chủ tịch xã cùng với các cán bộ triển khai chương trình hỗ trợ giáo dục, nâng cao đời sống thanh thiếu nhi như tham mưu cho UBND xã, phối hợp với nhà trường mở rộng quỹ đất, vận động nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn ủng hộ xây dựng bếp ăn cho trường mầm non. Hiện công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng...

Hầm Biogas

Sinh năm 1983, Nguyễn Thị Thu Lan được phân công làm Phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh (Tân Sơn, Phú Thọ), phụ trách lĩnh vực kinh tế. Lan xây dựng đề án: Xây hầm Biogas bằng nhựa Composite trong hoạt động chăn nuôi.

“Dự án giúp bà con nông dân xử lý chất thải đảm bảo hợp vệ sinh môi trường và sử dụng công nghệ khí sinh học nhằm cung cấp năng lượng sạch với giá rẻ, giảm được chi phí và tăng lợi nhuận; đồng thời tận dụng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng sau khi chất thải đã qua xử lý”, chị Lan chia sẻ.

Để các bước của đề án được thực hiện thuận lợi, chị Lan đã vượt qua khó khăn lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ. Ở Tam Thanh, người Mường chiếm trên 65% dân số, có một bản người dân tộc Dao, một số bộ phận người dân không biết chữ...

Vì thế, vừa học tiếng dân tộc, chị Lan tranh thủ buổi trưa, buổi tối xuống từng hộ gia đình vận động, giải thích cặn kẽ kỹ thuật, lợi ích của việc tham gia đề án.

Phó Chủ tịch xã Tam Thanh Nguyễn Thị Thu Lan

Phó Chủ tịch xã Tam Thanh Nguyễn Thị Thu Lan .

Từ con số 40 gia đình tham gia đăng ký trước Tết, những ngày đầu năm Quý Tỵ này, có thêm 55 hộ gia đình đăng ký tham gia vay vốn. Nhiều hộ gia đình khác có điều kiện kinh tế hơn đồng ý bỏ vốn thực hiện.

“Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn từ 15 triệu đến 20 triệu theo chương trình 30A của Chính phủ để xây dựng hầm Biogas. Tháng 3 tới, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn về địa phương thẩm định dự án và cấp vốn”, chị Lan cho hay.

Không chỉ nỗ lực thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cả hai nữ Phó chủ tịch xã Thu Lan và Nguyễn Thị Hương đều nỗ lực học tiếng dân tộc, làm quen với phong tục tập quán của người dân, tham khảo tài liệu, đọc sách báo, dạy học cho trẻ em…

Thu Lan nhận công tác tại xã Tam Thanh khi có con nhỏ. Những ngày đầu công tác, Lan thực sự băn khoăn khi chưa nhận được sự chia sẻ của chồng. Nhưng bằng quyết tâm và với sự ủng hộ của gia đình nhà chồng, Lan đã thuyết phục được ông xã tạm dừng công việc theo cô lên nơi ở mới chăm sóc con.

Nhọc nhằn phu bốc vác vùng biên

Từ khoảng trung tuần tháng 10, cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ - Gia Lai) trở nên nhộn nhịp với cả trăm chiếc xe tải chở sắn, điều, đậu tương từ Campuchia sang bán lại cho thương lái người Việt. Do nhu cầu vận chuyển các mặt hàng rất lớn nên những lao động phổ thông từ khắp nơi đổ về đây làm phu bốc vác.

Ấn tượng hình ảnh giáo viên gian nan “gieo chữ” vùng cao

Băng rừng, vượt núi đế “cõng chữ lên non” và những bữa cơm đạm bạc, cơ sở vật chất thiếu thốn…khiến nhiều người cảm phục.

Khắc nghiệt quá mùa đông của học sinh vùng cao

(Soha.vn) - Trong cái lạnh tê tái của núi rừng, các em học sinh cấp 2 xã Kim Bon, huyện Phù Yên, Sơn La hiện đang phải ngủ trong những căn phòng không còn... cửa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại