“Sau khi có hiện tượng sụt lún, Bộ đã yêu cầu Sở TN-MT Thanh Hóa kiểm tra và báo cáo. Chúng tôi cũng đã cử các chuyên gia vào nắm tình hình, kiểm tra hiện tượng sụt lún này.
Hiện trường mà các chuyên gia ghi nhận phạm vi xảy ra sụt lún có bán kính rộng tới hơn 10m, sâu 25m. Đây là nơi sụt lún có diện rộng lớn hơn những điểm, khu vực từng xảy ra sụt lún ở các tỉnh, thành khác” - ông Dương cho hay.
Theo ông Dương, kiểm tra ban đầu của các nhà địa chất cũng đã xác định hố "tử thần” cách sông Mã khoảng 300m. Các tầng địa chất phía dưới là dạng đá vôi, có các mạch nước ngầm. “Chúng tôi nhận định hố "tử thần” này là hiện tượng sụt lún caster.
Do hoạt động của hệ thống hang động caster, một hiện tượng sụt lún cục bộ thường xuất hiện ở vùng địa hình nhiều núi đá vôi. Bản thân vùng đá vôi qua thời gian phong hóa thường tạo các hang động ngầm bên dưới, khi có tác động sẽ tạo điều kiện sụt hố phía dưới” - ông Dương nói.
Theo ông Dương, từ xác định thực tế ở hiện trường, các nhà địa chất bước đầu nhận định ở độ sâu khoảng 200m là tầng đá vôi.
Vị trí sụt lún chỉ cách nhà dân gần 20m nên Bộ cũng đã có ý kiến chỉ đạo Sở để cùng các cơ quan chức năng của tỉnh di chuyển người dân sống ở khu vực lân cận. "Việc di chuyển để tránh việc nếu có xảy ra sụt lún mở rộng có thể gây ra tai nạn” - ông Dương cho hay.
Về hướng giải quyết, theo ông Dương, ngoài kiểm tra hiện trường, Bộ TN-MT cũng đã chỉ đạo liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ, đây là đơn vị của Bộ phụ trách các vấn đề địa chất ở khu vực, tiến hành đo đạc, xác định quy mô của hang.
"Thời gian thực hiện các biện pháp chuyên sâu về địa chất sẽ mất khoảng một tuần, sau đó sẽ có những báo cáo đánh giá chi tiết và định ra hướng giải quyết”- ông Dương khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, sự cố sụt lún ở Thanh Hóa là hiện tượng địa chất tự nhiên. “Các hiện tượng như thế này cần được giải thích bằng cơ sở khoa học. Vì vậy, sau khi các nhà địa chất khảo sát có kết quả sẽ giải thích rõ ràng” - ông Hà cho biết.