Với diện tích khoảng 600ha , hồ Lăk nằm trên địa phận thị trấn Liên Sơn và các xã Yang Tao, Bông Krang, Đăk Liêng (huyện Lăk, Đăk lăk) được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt.
Ven bờ hồ, những buôn làng người M’nông vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống cổ xưa với những căn nhà dài, những bộ cồng chiêng, những ché rượu cần ngất ngây, những đàn voi nhà sẵn sàng chở khách vượt sông khám phá, những món ăn từ chả cá thác lác thơm ngon…đã làm cho hồ Lăk trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với du khách.
Nhưng thời gian gần đây, hồ Lăk đang dần mất đi vẻ đẹp của mình khi phần lớn diện tích rừng bao phủ quanh mình bị dân khai phá để lấy đất sản xuất. Trên những diện tích này, người dân chủ yếu canh tác những loại cây ngắn ngày như bắp, mỳ, lúa rẫy.
Những cánh rừng ven hồ bị tàn phá. Đánh bắt cá bằng điện trên hồ (ảnh nhỏ) .
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Ban quản lý rừng lịch sử-văn hóa- sinh thái hồ Lăk cho biết, theo thống kê hiện đã có gần 1.000 ha rừng bị người dân xâm chiếm để canh tác. Trong đó, diện tích do đơn vị quản lý bị mất hơn 300 ha.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt vận động bà con không được xâm chiếm trái phép và canh tác trên đất rừng nhưng không có kết quả. Sau khi đoàn đi khỏi là dân lại quay lại canh tác như cũ, rất khó giải quyết vì họ đều là những hộ nghèo và thiếu đất sản xuất”
GĐ Ban quản lý rừng lịch sử - văn hóa - sinh thái hồ Lăk Dương Anh Đức
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt vận động bà con không được xâm chiếm trái phép và canh tác trên đất rừng nhưng không có kết quả. Sau khi đoàn đi khỏi là dân lại quay lại canh tác như cũ, rất khó giải quyết vì họ đều là những hộ nghèo và thiếu đất sản xuất”- ông Đức giãi bày.
Rừng mất, đất đai bị đào xới nên khi mưa xuống, đất đá từ trên những ngọn đồi trọc ồ ạt đổ xuống khiến lòng hồ bị bồi lắng, độ sâu ngày một giảm đi.
Theo bà Hoàng Thị Hảo, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lăk cho hay, diện tích mặt nước hồ Lăk vào mùa khô này đã giảm nghiêm trọng. Bình thường những năm khác, diện tích mặt nước của hồ cũng đạt 500ha, nhưng năm nay chỉ còn lại 350ha.
Hiện tại, do mặt nước hồ Lăk xuống thấp hơn so với kênh dẫn vào hai trạm bơm để lấy nước tưới cho khoảng 80 ha lúa của hai xã Yang Tao và Bông Krang khiến diện tích lúa này đứng trước nguy cơ mất trắng.
Nhiều loại thủy hải sản cư ngụ ở hồ như cá thác lác, cá chép, cá lăng, cá rô, cá trắm… đang bị giảm đi do bị khai thác quá mức và thiếu khoa học.
Anh Y Hoàng- Chuyên viên chăn nuôi, thủy sản của Phòng NN&PT huyện Lăk cho biết “Mỗi năm đơn vị phải thả xuống hồ hàng chục vạn con cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy hải sản cho hồ. Dù các hình thức đánh bắt kiểu tận diệt như dùng kích điện, dùng đăng mắt có gắn bóng điện…đã bị cấm nhưng người dân vẫn lén lút đánh bắt”.
Dạo một vòng quanh hồ Lăk, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục hộ dân đang be bờ để cấy lúa trên những diện tích lòng hồ vừa rút nước. Họ hồ hởi vì bỗng dưng có một diện tích máu mỡ để canh tác lúa.
Hỏi thăm một ngư dân đang dùng điện đánh cá trên hồ, Anh thật thà trả lời- “Ngày xưa cá nhiều thì chỉ cần một vài tay lưới là sống thoải mái rồi, bây giờ dùng điện mà cả buổi cũng chỉ kiếm được mấy con cá lèo tèo. Không biết cá tôm giờ đi đâu hết?”.