Hồ Dục Tượng trong Thành nhà Hồ thực chất là… hố bom?

daquynh |

(Soha.vn) - Nằm trong nội thành, hồ Dục Tượng là một trong những hạng mục quan trọng của quần thể di sản Thành nhà Hồ.

Hiện nay, phía bên trong thành nhà Hồ (di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới) vẫn còn tồn tại một số ao đầm được cho là dấu tích còn sót lại của các hồ cổ đã có từ thời nhà Hồ.

Theo sử liệu, trong thành nhà Hồ gồm có các hồ như hồ Dục Thúy được cho là nằm gần Đông Cung và Tây Cung; ở góc Tây Nam thành là hồ Bơi Chải; ở góc Đông Bắc có hồ Bán Nguyệt; ở góc Đông Nam có hồ Dục Tượng.

Hồ Dục Tượng trong Thành nhà Hồ thực chất là… hố bom? 1
Toàn cảnh thành nhà Hồ nhìn từ trên cao.

Hồ Bơi Chải là hồ dài nhất, chiếm gần một nửa chiều rộng của thành (diện tích mặt hồ rộng gần 15.000 m2). Đây được cho là nơi vào mỗi dịp đầu xuân, khi cây hoa súng và hoa sen còn chưa mọc, triều đình thường mở hội bơi chải trên hồ, vừa để mua vui, đồng thời qua đó để rèn luyện thêm sức khỏe cho các binh lính thủy quân.

Nằm bên cạnh khu vực điện Hoàng Nguyên (nơi làm việc của nhà vua cùng các quần thần bàn luận quốc sự) là dấu tích của hồ Bán Nguyệt. Hồ này cũng sâu và rộng bằng hồ Dục Thúy (khoảng 3.000 m2 , sâu khoảng 2m). Hiện nay mặt hồ không còn hình bán nguyệt như lúc ban đầu nữa, nhưng dấu tích còn lại phần nào đã góp phần định vị cho điện Hoàng Nguyên và phác họa lại cảnh quan xưa của kinh thành…

Dục Tượng là một hồ lớn, bùn lầy lội quanh năm, nằm ở gần trục đường về phía Cửa Đông. Tương truyền hồ này khi xưa là nơi dành cho trâu bò, voi và ngựa chiến uống nước và tắm táp.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà khoa học cho rằng đây là dấu tích còn lại của người xưa thì nhiều người dân địa phương lại cho biết hồ Dục Tượng thực chất chỉ là… hố bom có từ thời chống Mỹ.

Hồ Dục Tượng trong Thành nhà Hồ thực chất là… hố bom? 2
Ông Vũ Đình Lún (người ngồi bên tay trái).

Ông Vũ Đình Lún, 65 tuổi, người làng Đông Môn, xã Vĩnh Long (Vĩnh lộc, Thanh Hóa) cho biết: “Dấu tích hồ Dục Tượng ngày xưa đã bị lấp cạn theo thời gian, không còn dấu tích nữa. Dấu tích được cho là hồ Dục Tượng ngày nay chính là hố bom Mỹ ném xuống vào năm 1964, không phải dấu tích hồ cổ”.

Hồ Dục Tượng trong Thành nhà Hồ thực chất là… hố bom? 3
Nhiều người cho biết, hồ Dục Tượng bên trong Thành nhà Hồ thực chất chỉ là hai hố bom ngày xưa.

Ông Lún kể: “Nhằm ngăn cản tuyến đường vận chuyển người cùng vũ khí, đạn dược của miền Bắc vào miền Nam, trong đợt đầu của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, giặc Mỹ đã cho ném bom phá hoại vào các công trình giao thông trọng yếu như phà Ghép, cầu Kiểu,…

Thành nhà Hồ cũng nằm trong mục tiêu ném bom vì đây là tuyến đường chiến lược 217 nối liền với chiến khu nước bạn Lào. Mỹ ném bom nhằm phá sập cổng thành để chặn đường, không cho xe đi qua thành. Nhưng bị hỏa lực của bộ đội ta đánh trả quyết liệt nên chúng không làm gì được, di tích thành nhà Hồ khi đó đã được bảo vệ vững chắc”.

Không chỉ ông Lún, nhiều người dân địa phương cũng xác nhận thông tin này. Nhiều người còn cho biết, hai quả bom Mỹ ném rơi vào phía bên trong thành nhà Hồ đã tạo ra hai hố sâu và khiến hai người đàn ông làng Đông Môn khi đó đang đi chăn bò bị chết vì trúng mảnh bom.

Sau chiến tranh, người dân đã tận dụng hai hố bom này để nuôi cá và trồng rau muống, trồng sen. Dấu tích được cho là hồ Dục Tượng hiện nay trong thành nhà Hồ thực chất chỉ là… hai hố bom ngày xưa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại