Hình Hoàng Sa và Trường Sa trên Google Maps: “Nước đôi” và “chưa dứt khoát”

Đây là nhận định của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (nguyên là giáo sư tại ĐH Liège, Bỉ) trong những dòng chia sẻ trên Facebook hôm 28.4. Cũng trong ngày hôm đó, trên trang blog cá nhân của ông đã có bài “Thế giới Google đã công nhận Hoàng Sa của Việt Nam”.

Hình Hoàng Sa và Trường Sa trên Google Maps: “Nước đôi” và “chưa dứt khoát”

Google dùng tên quốc tế...

Mẫu bản đồ được viện dẫn trong bài viết trên trang blog của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thể hiện, tên của quần đảo Hoàng Sa được sử dụng theo tên quốc tế là Paracel Islands, tuy nhiên cạnh đó lại có dòng chữ “Paracel-VIETNAM”.

Vài năm trở lại đây, việc Google Maps định vị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận VN, vì có lúc hãng tìm kiếm này đã phớt lờ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Cụ thể trước đây, Google gọi Hoàng Sa và Trường Sa theo tên quốc tế là Paracel Islands và Spratly Islands, tuy nhiên lại thêm trước hai chữ Paracel và Spratly chữ China, coi như công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, bên cạnh vùng biển Đông được chú thích theo tên quốc tế là South China Sea.

Dư luận tại VN cùng với nhiều nhà khoa học Việt kiều tất nhiên đã không đồng tình với Google. Còn nhớ cách đây vài năm, một mẫu ĐTDĐ của Samsung cũng bị dính lỗi bản đồ Google công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, đã bị người tiêu dùng Việt phản đối mạnh mẽ. Gần đây là ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí WeChat của hãng Tencent (Trung Quốc) được quảng bá mạnh mẽ tại VN, rồi đến game Chinh Đồ, đều lần lượt bị dính lỗi “bản đồ đường lưỡi bò” và cuối cùng bị người dùng Việt tẩy chay.

Google Maps sau nhiều “sóng gió” liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hiện đã chọn giải pháp dùng tên quốc tế: Paracel Islands và Spratly Islands. Dù người dân Việt chưa hoàn toàn hài lòng với cách làm này của Google, nhưng chí ít về mặt thể hiện, đã không để cho Trung Quốc ngang nhiên bành trướng về lãnh hải.

 

… và nước đôi

Sau bài học về điện thoại Samsung trước đây, hiện nay hầu hết các hãng ĐTDĐ khi tung sản phẩm bán vào VN đều sử dụng phiên bản bản đồ mà trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều được thể hiện dưới tên quốc tế là Paracel Islands và Spratly Islands.

Chúng tôi đã khảo sát qua các mẫu điện thoại của Samsung (Hàn Quốc), Sony (Nhật Bản), HTC (Đài Loan - TQ) và thậm chí như mẫu OPPO Find 5 của Trung Quốc được giới thiệu tại TPHCM gần đây, cùng các sản phẩm điện thoại thương hiệu Trung Quốc, thương hiệu Việt, thì bản đồ Google về Việt Nam đều sử dụng theo phiên bản trên. Các hãng kinh doanh này thừa hiểu rằng, đây là cách an toàn để họ kinh doanh được êm xuôi nếu không muốn người tiêu dùng Việt nổi giận.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, bản đồ Google phiên bản cho người Trung Quốc dùng vẫn còn thể hiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Có thể hiểu ở đây là, gã khổng lồ tìm kiếm trước mưu lợi về kinh doanh buộc phải nhân nhượng đối với thị trường 1,3 tỉ dân kia; song đối với người tiêu dùng Việt thì không thể chấp nhận nó.

Chính vì sự nước đôi của Google mà hiện nay, không ít sản phẩm và ứng dụng cho di động của các hãng quốc tế cung cấp cho thị trường nội địa Trung Quốc đều có thể hàm chứa bản đồ hình lưỡi bò. Thường thì bản đồ này được sử dụng từ bên thứ ba (như Google chẳng hạn) với các phiên bản khác nhau. Vì thế, nếu sử dụng các sản phẩm trên, người tiêu dùng Việt nên điều chỉnh lựa chọn sử dụng phiên bản bản đồ quốc tế trong phần cài đặt để tẩy chay “đường lưỡi bò”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại