Từ khi hình thành ở Thái Bình Dương đến khi quét qua Philippines, hình dáng siêu bão Haiyan gần như không thay đổi hình dạng là một khối “tròn xoe” đáng sợ. Hình dạng này cho thấy, năng lượng tích tụ của siêu bão là vô cùng lớn khiến nó hút mây thành một khối và sau khi vượt qua quãng đường hàng trăm ki-lô-mét, mây dường như chưa tan bớt thậm chí, siêu bão còn hút thêm mây ở khu vực xung quanh nó tính đến trước khi siêu bão đi vào Biển Đông.
Ảnh chụp từ vệ tinh của Đài khí tượng Nhật Bản có thể nhìn thấy rõ siêu bão Haiyan (Ảnh: Bacroft Media)
Qua ảnh chụp kỹ thuật số từ vệ tinh bên ngoài Trái Đất của Cơ quan khí tượng Nhật Bản, siêu bão Haiyan lớn tới mức có thể dễ dàng nhìn thấy từ ngoài không gian. Điều đó cho thấy sức mạnh khủng khiếp và sức tàn phá hủy diệt của siêu bão mạnh vượt ngoài thang đo của tất cả đài khí tượng trên toàn cầu.
Khối mây khổng lồ tích tụ của siêu bão Haiyan (Ảnh: AP)
Sau khi càn quét và gây thiệt hại nặng nề cho đất nước Philippines với hơn 1.200 người thiệt mạng cùng hàng ngàn người khác bị thương cũng như cơ sở vật chất ở nhiều khu vực bị phá hủy, siêu bão Haiyan tiến qua Biển Đông và nhanh chóng áp sát đất liền của Việt Nam tại khu vực Phú Yên – Quảng Ngãi vào đêm 9/11. Với tên gọi cơn bão số 14, siêu bão Haiyan giảm cường độ do ma sát với mặt đất và chỉ còn ở cấp 10-12. Tuy nhiên, đây đã là cấp nguy hiểm và là cơn bão mạnh nhất trong năm nay đổ bộ Việt Nam.
Theo các Đài khí tượng quốc tế, siêu bão Haiyan (cơn bão số 14) sẽ tiến vào đất liền lãnh thổ Việt Nam vào ngày hôm nay (10/11) và đi theo quỹ đạo khá lạ là dọc bờ biển các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Thanh Hóa trước khi gây mưa lớn ở Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Quốc tế dự đoán đường đi của bão Haiyan
Đường đi có thể của siêu bão Haiyan (cơn bão số 14) khi đổ bộ Việt Nam
Cụ thể, từ ngày 11-12/11, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/h), giật cấp 8.
Với những thiệt hại mà siêu bão Haiyan đã gây ra với nước bạn Philippines, các tỉnh được dự báo bão đổ bộ cần đề phòng và có những phương án phòng chống kịp thời bởi dù suy yếu nhưng cơn bão số 14 vẫn có thể mạnh tương đương, thậm chí mạnh hơn so với hai cơn bão số 10 và số 11 vừa đổ bộ vào miền Trung.