Hiệu ứng khum tay tạo hình trái tim sẽ “bay theo gió” nếu…

Phương Nhi |

“Nếu chỉ là hoạt động "đánh bóng" bằng truyền thông thì thông điệp chỉ đi thẳng từ lời nói, tác động đến nhận thức công chúng và sau đó sẽ bay theo gió, không thể tạo nên dấu ấn định vị thương hiệu. Mặt khác có thể gây tác động ngược, tạo nên sự phản ứng trái chiều trong dư luận” – chuyên gia Đặng Thanh Vân nói.

Bill Gates từng có hành động tương tự

Theo đánh giá của các chuyên gia truyền thông, hành động “phá cách” khum tay tạo hình trái tim chào du khách của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh không phải tự phát mà có sự tư vấn của đơn vị chuyên nghiệp về truyền thông.

Kỹ thuật sử dụng là tạo ra một cái gì khác lạ để có lý do đưa tin, bản chất vẫn chính là thông điệp “Nụ cười Hạ Long” nhưng đưa ra ở một cách tiếp cận khác với hình thức tuyên truyền cổ điển. Và ngay lập tức, hành động biểu tượng khum tay này đã nhận được sự để tâm của dư luận bởi sự tò mò khi người dân thấy cách lãnh đạo làm một động tác xì tin như vậy!

“Tôi còn nhớ việc tạo hình trái tim bằng bàn tay là từ hình ảnh các sao điện ảnh của Hàn Quốc. Và tôi thấy việc sử dụng cách này để bày tỏ sự thân thiện của Quảng Ninh đối với người "ngoại tỉnh" là một cách làm khá sáng tạo, và đã gây hiệu ứng tốt trên truyền thông” – Ông Trần Chiến Bình, CEO TeamworkPR nhận xét.

Khi lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của 9 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khum tay thành hình trái tim rất thú vị trong chương trình “Nụ cười Hạ Long”, chuyên gia marketing Hoàng Tùng, CEO Pizza Home đã cảm thấy rất vui và “hơi ngạc nhiên một chút khi thấy hành động này”.

“Những nhà chính trị gia có những hành động tương tự hay không thì tôi chưa tìm hiểu nhiều, tuy nhiên, những cá nhân quyền lực bậc nhất trong giới doanh nhân thể hiện mình qua những hành động tương tự rất nhiều.

Ví dụ như Richard Branson sẵn sàng tạo ra những hình ảnh độc đáo để quảng bá thương hiệu của mình. Bill Gates cũng đã từng xuất hiện trong những clip quảng cáo của Microsoft và gật gù theo tiếng nhạc rap. Hay hàng loạt những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cả những chính trị gia cũng tham gia trào lưu "thách thức xô nước đá" trong thời gian trước đây.

Khi lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của 9 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khum tay thành hình trái tim rất thú vị trong chương trình “Nụ cười Hạ Long”, chuyên gia marketing Hoàng Tùng, CEO Pizza Home đã cảm thấy rất vui và “hơi ngạc nhiên một chút khi thấy hành động này”.

Khi nhìn thấy hình ảnh của 9 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khum tay thành hình trái tim, chuyên gia marketing Hoàng Tùng đã cảm thấy rất vui và “hơi ngạc nhiên một chút khi thấy hành động này”. (Ảnh: Dân Việt)

Theo tôi, tùy theo mục đích, hành động đó sẽ thể hiện hiệu ứng tích cực hay phản cảm. Trong trường hợp này, khi Quảng Ninh triển khai chiến dịch "Nụ cười Hạ Long" với mục tiêu thu hút khách du lịch thì hiệu ứng, theo tôi nghĩ là hoàn toàn tích cực” – ông Tùng cho biết.

Bởi lẽ, theo chuyên gia marketing này, mục tiêu của Quảng Ninh trong chiến dịch trên là thu hút nhiều hơn nữa sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế. Mà du khách khi đi du lịch sẽ muốn hướng tới những điều vui vẻ, tươi mới và trẻ trung. Du khách sẽ không nhớ những bài diễn văn dài lê thê, không nhớ những phát biểu đao to búa lớn.

“Hành động của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chắc chắn sẽ tạo được sức hút đối với du khách bởi hành động đó tạo được tính gần gũi, giản dị và nhân bản. Đó là hiệu ứng cần thiết đối với ngành du lịch mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh làm được” – ông Tùng khẳng định.

Lãnh đạo QN nên làm gì tiếp theo để tạo “sóng”?

Với hành động khum tay tạo hình trái tim thể hiện sự thân thiết, mến khách, lịch thiệp, hầu hết giới truyền thông đều ủng hộ các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, để những hình ảnh "đẹp và thân thiện" này trở thành một tính cách thương hiệu của Quảng Ninh, để “mỗi con người Quảng Ninh sẽ trở thành các đại sứ du lịch” như lời của bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thì theo các chuyên gia, còn nhiều việc phải làm.

“Theo tôi, còn quá sớm để có thể đánh giá sức lay động của hành động khum tay tạo hình trái tim trên. Bởi sau môt hành động đẹp và phá cách, bước kế tiếp là làm cách nào để đưa thông điệp này đến với càng nhiều người càng tốt. Những hành động trên mới chỉ là khởi đầu của một chiến dịch truyền thông. Quan trọng hơn là hành động tiếp theo: Truyền thông điệp gì gắn với hành động khum tay hình trái tim” – ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Ông Trần Chiến Bình, CEO TeamworkPR: “Khum tay tạo hình trái tim là hành động gây chú ý cho truyền thông, hiệu ứng ban đầu là làm cho những người ngoại tỉnh có thiện cảm với Quảng Ninh mà thôi. Còn việc có tạo dựng thương hiệu hay không thì cần có thời gian”.
Ông Trần Chiến Bình, CEO TeamworkPR: “Khum tay tạo hình trái tim là hành động gây chú ý cho truyền thông, hiệu ứng ban đầu là làm cho những người "ngoại tỉnh" có thiện cảm với Quảng Ninh mà thôi. Còn việc có tạo dựng thương hiệu hay không thì cần có thời gian”.

Cũng theo ông Tùng, sau khi đã có thông điệp, điều quan trọng là chuyển tải thông điệp đó đến với chính những người dân Hạ Long để người dân địa phương thấm nhuần thông điệp đó để thể hiện qua những dịch vụ dành cho khách du lịch. Và sau tiếp là chuyển tải thông điệp đó đến du khách để du khách thấy được một hình ảnh Hạ Long tươi mới hơn, thân thiện hơn và đẹp hơn.

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Đặng Thanh Vân - sáng lập viên và Giám đốc điều hành Công ty Thanhs, đồng thời là tác giả của cuốn sách “10 bước cất cánh thương hiệu” cũng  cho biết: Nếu Quảng Ninh chỉ muốn tạo hiệu ứng "bề nổi" để lôi kéo sự chú ý của công chúng, lãnh đạo tỉnh có thể tiếp tục chuỗi "hành động" gây sốc.

Tuy nhiên, bà Vân tin rằng: Hoạt động chum tay tạo hình trái tim này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và việc nên làm tiếp theo của tỉnh Quảng Ninh sẽ là những hoạt động thực chất, đi sâu vào những vấn đề nổi cộm của tỉnh như vấn đề ô nhiễm môi trường biển, vấn nạn chặt chém du khách, dịch vụ với khách lưu trú... và đặc biệt là đào tạo, hướng dẫn, tạo "đội đặc nhiệm" tiên phong để đem đến những nụ cười hài lòng.

“Nếu chỉ là hoạt động "đánh bóng" bằng truyền thông thì thông điệp chỉ đi thẳng từ lời nói, tác động đến nhận thức công chúng và sau đó sẽ bay theo gió, không thể tạo nên dấu ấn định vị thương hiệu. Mặt khác có thể gây tác động ngược, tạo nên sự phản ứng trái chiều trong dư luận” – bà Vân nhắn nhủ.

Và nếu như vậy, tất cả những hoạt động truyền thông hay hành động tích cực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dù có thực hiện tốt đến mấy đều vô nghĩa.

“Các chuyên gia thương hiệu đúc kết là "không cách gì phá hủy một thương hiệu nhanh hơn là một sản phẩm tồi". Cách các nhà lãnh đạo Quảng Ninh đang thể hiện cho truyền thông thể hiện rằng họ đang muốn thu hút du lịch, đầu tư, giao thương vào tỉnh nhà. Nếu các cơ quan ban ngành, các thành phần trong tỉnh làm ngược lại những gì lãnh đạo đã thể hiện, chẳng phải chuyện đó là những chủ đề quá hay cho truyền thông "cày xới" hay sao?! Hiệu ứng ngược thế nào chắc tôi cũng không cần nói nữa” - Ông Trần Chiến Bình, CEO TeamworkPR đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại