'Hiệp sĩ khùng' ra đường tìm đinh

Lâm Phương |

(Soha.vn) - Sau khi tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân bắt nguồn từ “đinh tặc”, anh Phạm Công Xuân ở khu phố Bình Đường 2, phường An Bình (Dĩ An – Bình Dương) bị ám ảnh suốt một thời gian dài và đi đến quyết định tự nghiên cứu chế tạo chiếc xe hút đinh để làm việc thiện.

Xe hút đinh “Made in Phạm Công Xuân”

Đã tròn một năm nay, cứ vào mỗi buổi sáng những người dân sinh sống tại khu phố Bình Đường 2, phường An Bình (Dĩ An – Bình Dương) lại thấy một người đàn ông với vóc dáng thấp đậm, ngồi trên xe máy, kéo theo sau một chiếc máy hút đinh, với chiếc bảng có dòng chữ phía trên: “Xe hút đinh chung sức với cộng đồng” rong ruổi qua những tuyến phố chính ở TP.HCM.

Anh chính là Phạm Công Xuân, người mà những người dân nơi đây vẫn hay gọi với biệt danh: “Hiệp sĩ giao thông” hay “Xuân hút đinh”.

Anh Xuân "hút đinh" ngồi trò chuyện với PV.

Anh Xuân cho biết, vào đầu năm 2012, trong một lần chở vợ con đi chơi về, khi đến cầu vượt Sóng Thần trên quốc lộ 1A thì anh thấy chiếc xe chạy đằng trước với tốc độ cao bất ngờ ngã nhoài ra đường. Sau khi kiểm tra lốp xe thì mọi người phát hiện có một chiếc đinh hình tam giác, loại mà “đinh tặc” thường rải ra để bẫy người đi đường.

Vụ tai nạn đã làm người chồng bị chấn thương sọ não, còn vợ bị gãy tay. Cũng từ đó, anh bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài, nhiều khi anh tự dằn vặt mình và đặt ra câu hỏi: Không biết tại sao bọn “đinh tặc” lại dã tâm đi hại người khác như vậy? Và anh nghĩ bản thân mình phải làm một việc gì đó để chung sức với cộng đồng chống lại nạn “đinh tặc”.

Đã một vài lần anh được nhìn thấy chiếc xe hút đinh của quận đoàn Thủ Đức, TP.HCM, từ đó anh tự suy nghĩ và rút ra những điểm tích cực và hạn chế để thiết kế chiếc xe cho riêng mình một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Anh lên chợ Nhật Tảo (quận 10) mua 13 cục nam châm với giá 80.000 đồng/cục về nhà, rồi mang bản thiết kế ra thuê thợ hàn chế tạo chiếc xe theo đúng ý. Thoạt nhìn thì cấu tạo chiếc xe hút đinh không có gì đặc biệt nhưng qua cách phân tích của anh thì mới thấy đó là một chiếc xe mang lại hiệu quả cao.

Anh Phạm Công Xuân phân tích ưu điểm chiếc xe hút đinh do anh chế tạo

Theo anh Xuân chiếc xe được cấu tạo bởi một thanh sắt nằm dọc, phía trước làm điểm nối với xe máy, phía sau nối với thanh sắt nằm ngang có lắp bánh hai đầu. Để cho cố định bộ khung và có giá đỡ bảng ghi chữ: “Xe hút đinh chung sức với cộng đồng”, anh cho giáp thêm hai thanh sắt hình tam giác bên cạnh.

13 cục nam châm được anh gắn chắc chắn vào một thanh sắt dài 1,5m sau đó tạo hai móc nối treo trên thanh sắt nằm ngang, sao cho khoảng cách giữa giàn nam châm với mặt đất là 2cm.

Chiếc móc nối này cũng được anh nới ra, có thể nhích lên và hạ xuống tùy mặt đường, đặc điểm này giúp chiếc xe hút đinh của anh khi chạy ngoài đường có gặp ổ gà, gờ giảm tốc độ thì giàn nam châm hút đinh không bị cồng lên và vẫn đảm bảo giữ được khoảng cách gần nhất so với mặt đất.

Với thiết kế như vậy, xe chạy với tốc độ 15km/h thì đem lại hiệu quả hút đinh cao nhất. Phía trước, gần điểm nút nối với xe máy anh chế tạo thêm một chiếc thùng đựng đồ vá xe để vá miễn phí cho người đi đường.

Giao quán cà phê cho vợ để toàn tâm đi hút đinh

Anh Xuân không dám nghĩ rằng ý định chế tạo chiếc xe hút đinh lại được vợ ủng hộ nhiệt tình đến vậy. Bởi việc kinh doanh quán cà phê đã ngốn hết thời gian của hai vợ chồng chứ chưa nói đến chăm sóc con nhỏ, nhưng khi nghe anh tâm sự chị sẵn sàng thuê thêm người và trực tiếp quản lý quán để anh chú tâm thực hiện ý nguyện hút đinh của mình.

6 giờ 30, anh bắt đầu xuất phát từ nhà và chạy theo đoạn đường đã được ghi sẵn trong lịch chạy hàng tuần. Anh Xuân cho biết: “Tôi lên lịch chạy hàng tuần, cụ thể như hôm nay thứ 2 chạy thẳng quốc lộ 1A đến cầu Đồng Nai thì quay về, mai chạy tuyến quốc lộ 13 đến TP Thủ Dầu Một, Bình Dương thì quay lại, khi về đến nhà thì chiếc máy hút được khoảng 2 kg đinh.

Cứ như vậy tôi chạy 5 tuyến, lấy nhà mình ở khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, (TX Dĩ An – Bình Dương) làm điểm xuất phát đến một trong các địa điểm sau: Cầu Đồng Nai, TP. Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, cầu vượt An Sương, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu thì quay lại”.

Đinh hút về được anh Xuân để lại trong thùng.

Với công việc của mình, mỗi tháng anh bỏ khoảng 1,5 triệu đồng tiền túi đổ xăng. Việc làm của anh cũng nhận được không ít lời bàn tán trái chiều của người dân xung quanh, người thì đồng tình nhưng cũng không ít người hỏi anh: “Làm như vậy mỗi tháng được trả công bao nhiêu nhưng khi nghe anh trả lời: “Không có đồng nào mà bỏ tiền túi ra làm thì họ cho rằng anh bị “hâm”, “khùng”…

Khi chạy xe đi hút đinh ngoài đường không ít lần có người vỗ tay ủng hộ và cho tiền nhưng anh từ chối. Duy nhất có một lần anh có nhận 50.000 đồng của bác lái xe ôm: “Lần ấy tôi chạy đến đến ngã tư An Sương thì có một bác chạy xe ba gác lại gần và đưa cho tôi 50.000 đồng nhưng tôi không cầm thì bác ấy nói:“Bác không phải cho con, con cầm lấy mấy chục này đổ xăng, coi như bác góp chút công sức chung sức với cộng đồng”.

Bên cạnh đó cũng không ít lần anh bị những người lạ mặt chửi bới, quát mắng như: “Mày thích ăn mã tấu không?, Mày rảnh ở nhà cho mát…”. Mặc cho những lời hăm dọa, tròn một năm trôi qua, anh Xuân vẫn cần mẫn làm công việc của mình.

Cũng chính từ tấm lòng hào hiệp và việc làm đầy thiện tâm của mình, năm 2012 anh Phạm Công Xuân đã vinh dự nhận được bằng khen của Thủ Tướng và kỷ niệm chương vì sự phát triển giao thông vận tải ở Việt Nam của bộ trưởng Bộ giao thông vận tải…

Anh Xuân đã được tuyên dương trong buổi lễ tuyên dương những tấm gương quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và đảm bảo trật tự ATGT do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia tổ chức và được Đài tiếng nói Việt Nam và Đài tiếng nói nhân dân TP. HCM phong tặng danh hiệu hiệp sĩ an toàn giao thông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại