Heo tăng 15 kg trong 2 tiếng của lò giết mổ
Báo Bạc Liêu có đưa tin, khi cơ quan chức năng ập vào một lò heo ở thị xã Giá Rai, đã có 70 con heo đang được chuẩn bị giết mổ, nhưng hơn 1 nửa số heo đang được bịt mồm bơm nước.
Nhiều công nhân được thuê bơm nước vào heo đã tháo chạy khỏi hiện trường, nhưng đã bị bắt giữ lại.
Bằng cách này bình quân 1 con heo tăng từ 10 - 15kg/con sau một thời gian 1 tuần, theo nhân viên làm việc tại lò heo, thì mỗi ngày thời gian bơm sẽ từ 2-3 tiếng, bơm đến bao giờ heo tăng cân thì ngừng.
Thậm chí, nhiều chú heo bị chết vì bị bơm quá nhiều nước, sẽ được đưa ra giết thịt ngay.
Trong khi đó, 2 lò giết mổ khác cũng trên địa bàn này cũng làm hành vi tương tự, bị lực lượng kiểm tra phát hiện nhưng đã bỏ trốn và để lại dụng cụ trên hiện trường.
Ông Hà Văn Buôi - Chánh Thanh Tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Khi kiểm tra các chủ lò đều cản trở, nên cũng khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý".
200 con heo sữa trương phình bốc mùi hôi thối ở Đồng Tháp
Trong khi đó, thông tin từ Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức thuộc Chi cục Thú y TP.HCM xác nhận, vừa phối hợp với đội CSGT Rạch Chiếc thuộc phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) công an TP.HCM chặn bắt vụ vận chuyển 176 heo sữa thối trên 1 xe khách.
Trước đó, khoảng 21h30 đêm 31/12, các đơn vị phối hợp đã dừng xe kiểm tra đối với xe khách giường nằm BKS: 63B – 008.07 tại đoạn gần Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (P.Linh Trung. Q.Thủ Đức).
Lúc này, xe do tài xế Lê Minh Điệp (SN 1985, quê Đồng Nai) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM.
Kiểm tra trong khoang hành lý của xe, cơ quan chức năng phát hiện có 3 bao tải bốc mùi hôi thối. Kiểm tra bên trong có tổng cộng 176 con heo sữa còn nguyên dây rốn, có mùi hôi thối, đang trương sình, màu sắc tím bầm, rỉ dịch..
Bước đầu cơ quan chức năng lập biên bản xử lý tài xế Điệp về các vi phạm hành chính như: vận chuyển sản phẩm động vật thuộc diện kiểm dịch nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch; vận chuyển sản phẩm động vật tươi sống bằng xe không chuyên dụng...
Cơ quan chức năng đã tịch thu để tiêu hủy toàn bộ lô hàng bẩn này.
Gần 1 tấn thịt thối gửi qua xe khách
Một thông tin đáng quan tâm khác, ngày 29/12, xe khách mang BKS 47B - 2589 (nhà xe Thái Sơn) chạy tuyến Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột bị phát hiện chở gần 1 tấn thịt động vật bốc mùi, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng kéo từ trong thùng xe ra 7 hộp xốp đóng kín và 2 bao tải. Tổng số có 780 kg thịt động vật đã bốc mùi.
Tài xế Nguyễn Bá Lễ (SN 1970) khai: Tối 28/12, xe khách Thái Sơn xuất phát từ Đà Nẵng đi Buôn Ma Thuột.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, khi đến huyện Tam Quan (Bình Định) thì có người nhờ bốc số hàng trên chở về xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) sẽ có người nhận.
Theo tài xế Lễ, khi bốc hàng cứ nghĩ là cá và mực chứ không biết đó là thịt thối. Mỗi thùng hàng được chở với giá 100 ngàn đồng.
Hiện toàn bộ số hàng cùng phương tiện đang bị tạm giữ để điều tra, làm rõ.
Trước đó chỉ 1 ngày (28/12), cơ quan chức năng Đắk Lắk cũng bắt giữ 14 thùng xốp, chứa hơn 1 tấn thịt động vật thối không rõ nguồn gốc.
Thu giữ 100 tấn mỡ bẩn
Tại Hà Nội, ngày 31/12, Đội kinh tế thương mại phối hợp Phòng 3 Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Công an huyện Phú Xuyên và Đội Quản lý thị trường số 3 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỡ của ông Nguyễn Văn Biên (SN 1972, thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), phát hiện hàng nghìn bao tải chứa mỡ đã qua xử lý.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định cơ sở này có nhiều vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quy trình chế biến mỡ.
Ngoài ra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số mỡ đang để tại cơ sở và giấy tờ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo khai nhận của chủ cơ sở, số mỡ trên sau khi chế biến sẽ được cung cấp cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mì tôm trên toàn địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ghi nhận tại hiện trường, cơ sở sản xuất được chia làm hai điểm. Điểm thứ nhất sử dụng nấu, lọc mỡ không rõ nguồn gốc và đóng gói mỡ thành phẩm vào các bao tải lớn.
Điểm thứ hai cách đó khoảng 100m là kho tích trữ, tập kết mỡ bẩn trước khi xuất.
Cả hai nơi nền nhà đều dơ bẩn, các dụng cụ dùng nấu, đóng gói mốc cáu, bốc mùi nặng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.
Gần 50 công nhân phải cấp cứu sau khi ăn trưa
Trong khi, tình hình ngộ độc thực phẩm ngày càng trầm trọng, ngày 30/12, bác sĩ Nguyễn Văn Ngưu, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết từ trưa ngày 29/12 đến tối cùng ngày, đơn vị này đã tiếp nhận 47 ca nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.
Những bệnh nhân đều từ Công ty TNHH dệt len Ecoway.
Triệu chứng chung của các công nhân khi nhập viện là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu phân lỏng.
Theo các công nhân, trưa 29/12 sau khi ăn cơm (thịt heo kho, tôm, bún đậu vào, canh đu đủ...) thì bắt đầu bị các triệu chứng như trên.
Đến khoảng 20h30 cùng ngày, 37 công nhân cơ bản đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Còn một số công nhân vẫn tiếp tục điều trị qua đêm, đến sáng 30/12 thì các công nhân đã xuất viện hết.
Trước đó, ngày 28/12, hàng trăm công nhân may của công ty Regina Mirada (Hồng Kông, có trụ sở tại khu công nghiệp VSIP, Thủy Nguyên) cũng phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc.
Được biết, công ty Regina Mirada đặt 2.700 suất ăn của công ty TNHH Bảo Châu (trụ sở tại huyện Thủy Nguyên) cho công nhân. Mỗi suất ăn gồm: cơm, cá ruội, cải bắp xào, canh rau ngót, thịt sốt chua ngọt, sữa chua, củ đậu.
Để cấp cứu kịp thời cho các công nhân bị ngộ độc, Sở Y tế đã huy động 17 xe cấp cứu.