Chiều ngày 21/10, Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai (Hà Nội) đã có báo cáo số 59/BC-BVQO gửi UBND huyện Quốc Oai tường trình về việc bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung (10 tuổi, trú tại xóm 10, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) tử vong tại bệnh viện này.
Trong báo cáo của ông Đỗ Văn Vy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai thì kíp trực Khoa Ngoại ngày 20/10, bao gồm: bác sĩ Vũ Danh Tấn (Phó Giám đốc Bệnh viện, trực lãnh đạo), bác sĩ Đặng Thị Thu Hương, bác sĩ gây mê hồi sức Đỗ Duy Dương, hai điều dưỡng viên là Nguyễn Phú Trung và Bùi Thị Thúy.
Cụ thể, vào hồi 6h30, ngày 19/10, gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung (10 tuổi, ở xóm 10, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai) đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai trong tình trạng đau bụng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được bác sĩ Nguyễn Văn Hùng chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, chưa loại trừ viêm ruột thừa.
Ngay sau đó, nhân viên y tế đã truyền dịch cho bệnh nhân. Đến 7h cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Duy Chiến nhận trực và thăm khám cho bệnh nhân. Cháu bé cho biết, đang bị đau bụng vùng cạnh rốn bên phải. Ấn hố chậu phải không đau, không có phản ứng, nhiệt độ 39 độ. Bác sĩ chỉ định truyền dịch và cho uống kháng sinh.
Đến 14h cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau vùng bụng quanh rốn, tiến hành siêu âm 2 lần, kết quả cho thấy quai ruột tăng nhu động. Đến 2h ngày 20/10, bệnh nhân tỉnh, ho húng hắng, đau vùng bụng quanh rốn và hạ vị. Thân nhiệt bệnh nhân là 39 độ. Bác sĩ chỉ định truyền dịch và uống thuốc hạ sốt. Sau đó, cháu bé hạ sốt.
Khoảng 8h ngày 20/10, bác sĩ Vũ Danh Tấn trực tiếp khám cho bệnh nhân, lúc này cháu bé tỉnh, da hồng, thân nhiệt 39 độ, nôn dịch màu vàng, bụng mền, hố chậu phải đau chưa có phản ứng. Bệnh nhân được chỉ định truyền dịch và tiêm kháng sinh amoxilin Clavunat 1,2g và uống thuốc paracetamol, Fudilac.
Trải nghiệm nhiều thú vị với Fanpage Soha PHIÊN BẢN MỚI
Khoảng 4h15 ngày 21/10, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng chậm. Gia đình bệnh nhân đã báo cáo và được kíp trực kiểm tra chỉ số sinh tồn. Tại thời điểm này, cháu bé có thân nhiệt 38,8 độ, nhịp tim 95 lần/phút, huyết áp 80/40. Ngay sau đó, nhân viên y tế tiến hành cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy, duy trì truyền dịch, tiêm medision 40 mg.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế đặt monitor theo dõi chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ. Tuy nhiên, bệnh nhân lại có diễn biến co giật nên kíp trực tiến hành mời lãnh đạo bệnh viện hội chẩn. Sau khi hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được tiêm sedusen 10mg, đặt canuyn, duy trì thở oxy. Tiến hành làm điện tim cho bệnh nhân, kết quả cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viên màng não và tiêm thuốc digoxin.
Kíp trực tiên lượng bệnh nhân rất nặng và diễn biến nhanh nên báo cáo Ban Giám đốc bệnh viện. Đến 5h40, bệnh nhân thở ngáp cá, tim nhanh nhỏ, tím các đầu chi... Mặc dù được nhân viên y tế cấp cứu nhưng bệnh nhân không qua khỏi lúc 7h sáng 21/10.
Chiều 21/10, điều dưỡng Nguyễn Phú Trung – người trực ca hôm đó cũng trình bày: “Ngày 20/10, tôi có tham gia ca trực từ 16h30 đến 19h cùng ngày. Lúc này người nhà bệnh nhân Nhung có báo cáo nhân viên y tế đề nghị xem xét chuyển viện vì sức khỏe cháu bé không tiến triển, nhưng tôi đã giải thích với gia đình rằng để theo dõi thêm, có gì phải thông báo ngay lại với tôi.
Tôi đã sai vì đã không báo cáo bác sỹ trực về việc người nhà đề xuất chuyển viện. Do bệnh nhân đông và phải tham ca gia mổ. Khoảng 4h20 phút ngày 21/10 gia đình thấy cháu bé lả đi nên có báo với nhân viên y tế. Lúc đó tôi đang nghỉ ở buồng trực điều dưỡng, nên cùng với các y bác sỹ đã đến cứu chữa bệnh nhân nhưng không kịp”.
Bản tường trình của điều dưỡng Nguyễn Phú Trung
Chiều 21/10, Công an huyện Quốc Oai đã có mặt bệnh viện và phối hợp với các ban ngành liên quan để giải quyết vụ việc trên. Cũng trong chiều 21/10, Sở Y tế Hà Nội cũng gửi văn bản đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai làm rõ nguyên nhân bệnh nhân Nhung tử vong, báo cáo lãnh đạo Sở trước ngày 24/10 tới.
Trước đó, gia đình cho rằng, việc bé gái chết bất thường tại bệnh viện là do sự tắc trách của các y, bác sĩ tại đây?