Vẫn được buôn bán đều
Các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh mới bắt quả tang một người đàn ông đang vận chuyển 72 kg đỉa khô vào Việt Nam. Đây là lần thứ 3, tỉnh này bắt được dạng “hàng lậu đặc biệt” này.
Những lần trước, cũng trong năm 2012, công an huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đã bắt được trên 300 kg đỉa tươi do một đối tượng cầm đầu.
Các đối tượng đều khai nhận, đỉa tươi mua ở Campuchia vào Việt Nam cho một đầu mối, với giá 35.000 đồng/kg. Còn đầu mối đó làm gì, chúng không biết.
Cũng không ai chứng minh được số lượng khủng đám côn trùng gây sợ kia được chuyển vào Việt Nam để làm gì, khi mà các đối tượng đều chỉ khai là "chuyển giúp", "nhận chở hộ".
Rồi từ đó, đường biên im ắng, ít có bóng dáng của người "chuyển hộ" loài côn trùng này vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, kể từ đó, dân một số huyện như Gò Dầu, Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh đã tự nuôi đỉa để bán, thay vì đi buôn từ bên kia biên giới.
Tuy nhiên, nuôi không lâu, các chủ hộ lại tìm cách tiêu huỷ loài này. Lý do là: "đỉa nuôi" không quý bằng đỉa hoang dã sống ở vùng đầm lầy Campuchia, nên rớt giá thê thảm.
Và bằng cách này hay cách khác, loài đỉa từ bên kia biên giới cũng được tuồn về theo chân các thương lái.
Lần theo đầu mối những người hay thu mua đỉa, phóng viên đã gặp Quang, một người có hiểu về ngành Đông y và chuyên kinh doanh các loại thảo dược, côn trùng “độc” cho ngành này.
Quang cho hay, đỉa khô đưa vào Việt Nam, sẽ có 2 đường đi: một là bán cho các hiệu thuốc Đông y theo đơn đặt hàng và hai là bán sang Trung Quốc, cũng theo đường thương lái.
Cũng theo Quang, đỉa Campuchia "ta thích mà Trung Quốc cũng thích" và các đợt chuyển đỉa lậu vẫn ma mãnh đâu đó, để rồi theo Quang, “đỉa vẫn vào Việt Nam đều đều”.
Vốn hiểu về ngành Đông y, Quang cho biết, đỉa khô có thực sự "sạch" hay không thì "có trời mới biết". Tuy nhiên, khi được bán cho các hiệu thuốc, nó sẽ được chiên lại một lần nữa bằng dầu dừa để đỉa "chết tiệt nọc", "không thể tái sinh".
Còn lại, người ta chiên bằng cái gì, nó có thực sự rơi vào tay các thầy thuốc có tâm hay không và đi đâu, với mục đích gì thì Quang... chịu!
Địa chỉ này có bán đỉa khô 1,5 triệu đồng/lạng
Vào nhà thuốc Đông y với giá cắt cổ
Ngày 16/11, theo lời Quang, chúng tôi đi tìm mua đỉa tại khu thuốc bắc khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông - Lương Nhữ Học (quận 5, TP.HCM). Tại đây, nói đến đỉa, các cửa hiệu có vẻ dè chừng.
Có không dưới 5 cửa hiệu có bán đỉa khô. Khi chúng tôi nói rõ những sự cần thiết phải mua đỉa khô, những người bán cũng mở lòng hơn. Họ cho chúng tôi biết, họ chỉ bán đỉa khô dạng nguyên con, giá 1,5 triệu đồng/lạng.
Nhưng khi chúng tôi yêu cầu được xem hàng trước thì tất cả các chủ cửa hàng đều từ chối quyết liệt.
Chủ cửa hàng Thu Hằng ở số 83 Hải Thượng Lãn Ông nói: “Đúng hàng mà, làm gì có hàng giả mà đòi coi trước. Con đỉa ở quê thế nào thì nó nguyên hình dáng vậy đó. Về nhà, chị muốn nghiền thành bột thì cho vào máy xay sinh tố là được”.
Một cửa hàng khác ở số 73 Hải Thượng Lãn Ông cũng khẳng định: “Đỉa khô ở trong kho, chị muốn lấy bao nhiêu có từng đó. Chị cứ thanh toán trước, 1,5 triệu/ 100gram. Nhân viên trong kho cân rồi đem ra cho chị”.
Chạy tiếp lên đường Lương Nhữ Học, chúng tôi ghé nhà thuốc y học dân tộc cổ truyền Thu Hà, gặp người đàn ông tên Bảo. Được mách trước, anh Bảo là đầu mối có thể cung cấp đỉa khô với giá rẻ, 500.000 đồng/lạng.
Tuy nhiên, anh Bảo cho biết, cửa hàng anh không bán đỉa khô. “Tôi chỉ mua giùm thôi, giá cả cũng thay đổi nhiều”, anh Bảo nói.
Dù vậy, anh Bảo cũng mách chúng tôi tới phòng chẩn trị y học Bồi An Đường (57 Lương Nhữ Học, P.10, Q.5) để có được hàng.
Tại đây, tiếp chúng tôi là một người phụ nữ luống tuổi, khá mập giới thiệu tên Dung. Bà cho biết, chỗ bà có đỉa khô nhưng nay mới hết, chưa lấy được hàng.
Bà Dung nói: “Mấy em đi chỗ khác hỏi, người ta sẽ nói không có đâu. Loại này nhạy cảm lắm, dễ dầu gì mà mua được. Bữa nay, chỗ tôi hết hàng rồi. Mấy em cứ để tên và số điện thoại ở đây, có hàng tôi sẽ gọi”.
Theo bà Dung, đỉa khô có thể cầm máu cho phụ nữ bị ung thư cổ tử cung rất hữu hiệu.
Cũng trên đường Lương Nhữ Học, nhiều cửa hàng chuyên bán dược liệu y học cổ truyền cho biết, họ có bán loại này nhưng khá hiếm hàng. Dù vậy, khá nhiều cửa hàng giống như phòng mạch Bồi An Đường đang … đợi hàng về.
Và tại đây, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng, có một “cơn sốt đỉa” thực sự trong giới Đông y. Đa số thầy thuốc cho rằng: Vì không được buôn bán nên nó thành hiếm. Và hiếm thì đắt. Nhưng thực sự, nó chỉ là một vị thuốc như bao vị thuốc khác.
"Còn "thần dược" hay không, là theo cách gọi của người đời, vì vị thuốc nào cũng có thể được gọi là "thần dược"- một bác sĩ Đông y cho biết.
Hiện tại, nhắc đến đỉa, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về một loài côn trùng thực sự gây sợ, có khả năng tái sinh, có thể thâm nhập vào nội tạng người và sinh sôi ở đó.
Những bác sĩ Đông y mà phóng viên gặp, đều khẳng định, khi đỉa khô qua bàn tay chế biến của các lương y có tâm, thì chuyện "tái sinh" là không thể xảy ra.
Tuy nhiên, với những người khác, mục đích khác, thì họ không chắc là những đội quân đỉa hùng hậu được ra đời tiếp tục hay không!
Mầm hoạ đâu đó từ mục đích sử dụng không rõ ràng từ loại côn trùng này vẫn đe doạ đến môi sinh và sức khoẻ con người!
Đón đọc bài sau: Giải mã loài côn trùng đáng sợ