Sức trẻ, kiến thức và niềm tin
Đó là hành trang mà các bác sĩ trẻ - những sinh viên năm cuối đến từ Đại học Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình mang theo khi tình nguyện đăng ký công tác tại 62 huyện nghèo. Đến năm 2016, dự án kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 500 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia.
Đánh giá dự án, Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa… còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn chuyên sâu.
“Triển khai tốt dự án này góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước” , Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Một trong những sinh viên hăng hái tình nguyện công tác tại 1 trong 62 huyện nghèo, Đặng Hoàng Thạch (sinh năm 1989) khóa Y6, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, ĐH Y Hà Nội cho rằng đây là một dự án có ý nghĩa với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn và cũng là cơ hội để cho sinh viên y mới ra trường học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và cống hiến cho đất nước.
Sinh viên Đặng Hoàng Thạch (Y6, ĐH Y Hà Nội) đăng ký tham gia dự án bác sĩ trẻ tình nguyện vè công tác tại vùng khó khăn, biên giới.
Chàng trai ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh không đăng ký cụ thể nơi cần đến mà vẫn để trống bởi cậu nghĩ “ở đâu cần thì mình đến đó”.
Cậu vui vẻ chia sẻ lý do: “Trong quá trình đi thực tế, chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của các bệnh nhân nghèo, em mong muốn làm được điều gì để giúp đỡ họ. Đây là cơ hội rất lớn để em đóng góp sức trẻ, tri thức giúp các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp xúc với các dịch vụ y tế chất lượng cao”.
Mặc dù biết thời gian tình nguyện tối thiểu đối với nam là 3 năm, nữ là 2 năm và sẽ gặp vô vàn khó khăn khi làm việc tại cơ sở còn nhiều thiếu thốn hay sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… nhưng Thạch vẫn quyết tâm: “Hành trang của bọn em là sự nhiệt tình của tuổi trẻ và kiến thức đã được học ở trường và niềm tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ của dự án, sẽ đóng góp công tác khám chữa bệnh cho người dân ở vùng khó khăn”.
Cũng như Thạch, Nghiêm Xuân Thành (1988), đang học năm 6, ĐH Y Hải Phòng đăng ký đến huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để công tác. Thành kể, vùng đất Bắc Hà để lại nhiều ấn tượng tình cảm và trên đó kinh tế khó khăn, trình độ hiểu biết của người dân cũng như chất lượng dịch vụ y tế còn kém vì vậy cậu luôn mong muốn có thể nâng cao sức khỏe cho người dân ở đó.
Còn Nguyễn Thị Dinh, sinh năm 1989 ở Bắc Giang, đang học Y6, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, ĐH Y Hải Phòng vẫn cương quyết đăng ký đến Sơn Động, Bắc Giang mặc dù người thân, bạn bè phản đối quyết liệt.
Nguyễn Thị Dinh (Y6, ĐH Y Hải Phòng) mong muốn được cống hiến, giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa bằng sức trẻ của mình sau kh ra trường.
Dinh cười tươi hóm hỉnh nói “mạo hiểm một lần vì mình còn trẻ” mặc dù Dinh cũng đã có dự định về quê để công tác. “Mình thích làm việc ở nơi xa, đây là cơ hội được đào tạo để rèn luyện, nâng cao tay nghề.
Mặt khác, thực tế ở những nơi xa xôi nghèo khó có rất ít cán bộ tay nghề cao mà thường tập trung ở các thành phố lớn. Nếu có điều kiện về đấy sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ bà con được khám chữa bệnh đúng cách”, Dinh quyết tâm.
Hơn nữa, Dinh còn có dự định gắn bó luôn với nơi đó chứ không về tuyến trung ương sau thời gian tình nguyện.
Vẫn còn những nỗi lo
Mặc dù dự án này được đánh giá rất có ý nghĩa, khả thi và là một trong những bước ngoặt trong phát triển hệ thống y tế nước nhà đến tận cấp cơ sở của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, không ít sinh viên vẫn còn băn khoăn, lo lắng về tính khả thi của dự án.
Chu Thị Phương Hoài (Y6, khoa Cổ truyền, ĐH Y Hà Nội) tâm sự, mặc dù đã đăng ký công tác tại Lai Châu hoặc Sơn La nhưng cô chưa quyết định chính thức, có chút phân vân vì đang chờ kết quả thi nội trú tháng 9. Hơn nữa, Hoài bị gia đình phản đối vì sợ con gái đi sẽ vất vả và kỳ vọng Hoài về công tác ở bệnh viện tỉnh cho gần nhà.
“Liệu 3 - 5 năm hoàn thành công tác trở về, mặc dù cầm tấm bằng chuyên khoa 1 chúng em có khó xin việc hơn hay không với một lực lượng đông đảo như vậy? Mặc dù đây là dự án lớn nhưng em vẫn mong những điều cam kết trong dự án được thực hiện nghiêm túc và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ như việc bác sĩ trẻ vẫn được giữ liên lạc, cập nhật những kiến thức y học tiên tiến, củng cố kiến thức ”, Phương Hoài bày tỏ.
Dự án được coi là một trong những bước ngoặt trong phát triển hệ thống y tế nước nhà đến tận cấp cơ sở của Bộ Y Tế. (ảnh minh họa).
Mặt khác, đây là năm đầu thực hiện dự án đưa bác sĩ trẻ về công tác tại 62 huyện nghèo vì vậy sẽ không tránh khỏi nhiều bất cập, khó khăn. Nhiều sinh viên trăn trở dự án liệu có “đứt gánh giữa đường” hay không; thực tế tại địa phương như thế nào...
Chia sẻ về mong muốn khi tình nguyện lên vùng núi, khó khăn công tác, Nguyễn Thị Dinh (Y6, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, ĐH Y Hải Phòng) nói: “Đây là dự án rất khả thi và em hy vọng các chính sách ưu tiên, chế độ đãi ngộ đối tượng đăng ký được thực hiện đúng như quy định cam kết trong dự án. Hơn nữa, thầy cô, cơ sở đào tạo, địa phương công tác tạo điều kiện tốt nhất để chúng em yên tâm làm việc, phát huy chuyên môn tại cơ sở”.
Được biết, sau khi tốt nghiệp, những sinh viên đăng ký tham gia dự án sẽ được đào tạo thêm 10 tháng tại trường, học ở tuyến cơ sở thêm 10 tháng sau đó thi và được cấp chứng chỉ chuyên khoa 1 trước khi lên cơ sở công tác 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam.