Hàng loạt tham quan sẽ bị tử hình?

Yến Dương |

Xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng, mới đây, cử tri tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị áp dụng án tử hình với người tham nhũng từ 1 tỷ đồng trở lên.

Tử hình hai quan tham và kiến nghị gây sốc

Hai bị cáo Vũ Quốc Hảo (Nguyên Tổng giám đốc ALC II) và Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty Quang Vinh) vừa bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình hôm 15/11, trong vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (gọi tắt là ALC II). Ngoài ra, 9 bị cáo khác trong vụ án này lĩnh mức án từ 3 – 14 năm tù.

Theo cáo trạng, công ty ALC II chỉ có chức năng cho thuê tài chính, không có chức năng hoạt động cho vay. Thế nhưng, từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2009, Vũ Quốc Hảo với vai trò thành viên Hội động quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng cho thuê Công ty ALCII và các đồng phạm đã ký 10 hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán tài sản khống với một số doanh nghiệp để giải ngân trái quy định hơn 795,2 tỷ đồng, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 531,8 tỷ đồng. Hảo còn cấu kết với Hai để tham ô gần 80 tỷ đồng. Về phần mình, bị cáo Đặng Văn Hai đã lừa đảo, chiếm đoạt của Nhà nước hơn 60 tỷ đồng.


	Nguyên tổng giám đốc ALC II Vũ Quốc Hảo trước tòa

Nguyên tổng giám đốc ALC II Vũ Quốc Hảo trước tòa

Vụ “đại án tham nhũng” này gây ra bức xúc trong dư luận và mất sự tin tưởng của nhân dân. Đây được xem là vụ án tham nhũng lớn nhất của lịch sử tố tụng Việt Nam hiện đại. Từ lâu, tham nhũng bị coi là một vấn nạn, một căn bệnh ung thư chưa có cách chữa.

Trước vấn nạn này, trong phần giải pháp gửi đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng mới đây, cử tri tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị khá “sốc”. Đó là xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng xử lý tham nhũng căn cứ theo giá trị tham nhũng. Cụ thể, người tham nhũng từ 1 tỷ đồng trở lên cần phải tử hình, thu hồi tài sản từ tham nhũng mà có; đối với người tham nhũng dưới 1 tỷ đồng thì tùy mức độ mà áp dụng hình phạt tù tương xứng.

Dễ thấy từ trước tới nay, án tử hình được tuyên cho hành vi tham nhũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mức án cao nhất này phần nhiều áp dụng cho tội giết người, buôn bán, vận chuyển ma túy...

Bao nhiêu tham quan Việt đứng trước án tử hình?

Nói đến các “đại án tham nhũng”, đầu tiên phải kể đến đối tượng Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng cục Hàng hải. Từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines tiến hành triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M (một hạng mục quan trọng trong dự án ) gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô hơn 28 tỷ đồng. Trong số 28 tỷ này thì Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc được chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng, Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỷ đồng và Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng.

Ở một vụ án khác, đối tượng Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ Vietinbank chi nhánh TP HCM) đã lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân với số tiền lên tới 4.900 tỷ đồng. Cùng hợp sức với Như còn có 23 bị can khác, nhiều người trong số này chiếm đoạt số tiền lên tới cả trăm tỷ đồng.


	Huỳnh Thị Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như

Với mức độ nghiêm trọng và phức tạp, hai vụ án trên đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Năm bị cáo trong vụ án "tham ô tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là Công ty Vifon) dự kiến sẽ đưa ra xét xử vào ngày 21/11 tới. Trong đó, Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) và Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm TGĐ Công ty Vifon) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài sản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt gây thiệt hại cho Nhà nước gần 14,6 tỷ đồng và cho các cổ đông hơn 3,6 tỷ đồng.

Ba vụ án trên đều nằm trong số 10 đại án tham nhũng mà VKSND Tối cao đề xuất và chỉ đạo xét xử trong khoảng thời gian cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Trong danh sách này còn có thể kể đến vụ Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông cùng nhiều cá nhân ở chi nhánh này đã tiếp tay cho vay khống hơn 1.000 tỷ đồng, nhận hối lộ hơn 92 tỷ đồng.

Vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashine có diễn biến phức tạp và quy mô lớn chưa từng thấy. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại về tài chính của vụ án gần 907 tỷ đồng với hàng loạt cá nhân liên đới. Tiếp đến là vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay tại Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Theo đó, số tiền mà các đối tượng tham nhũng không chỉ dừng ở con số 1 hoặc hơn 1 tỷ đồng mà đã lên tới hàng chục, hàng trăm thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nếu kiến nghị tham nhũng hơn 1 tỷ đồng sẽ phải lĩnh án tử hình được chấp thuận thì tất cả các đối tượng trong những vụ án kể trên sẽ cùng phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

Không dừng ở đó, nếu thống kê tất cả các vụ tham nhũng ở mọi lĩnh vực, đang trong quá trình xét xử thì số lượng án tử hình có lẽ nhiều đến mức đáng báo động và có lẽ phải lên đến hàng trăm người.

Những năm trước đây, có rất nhiều vụ tham nhũng hàng chục tỷ đồng xảy ra như vụ Nguyễn Thị Thùy Vân (SN 1982, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình) tham ô hơn 24 tỷ đồng ở Ngân hàng cổ phần Thương mại Sài Gòn – Hà Nội;  Vụ Lê Hoài Phương, cán bộ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội) tham ô 24 tỷ đồng; Vụ Phan Văn Tưởng, cán bộ Ngân hàng Techcombank cùng các đồng phạm tham ô trên 10 tỷ đồng… Mức án mà các bị cáo phải chịu chỉ là bồi thường và chấp hành án phạt tù. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại