Hàng Gai 1 trong những con phố cổ xưa của phố phường Hà Nội. Phố kéo dài từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến phố Hàng Bông. Xưa Hàng Gai thuộc hai phường Đông Hà và Cổ Vũ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long.
Dấu vết xưa để lại trên phố có 2 ngôi đình cổ đình Đông Hà ở số nhà 46, thờ Quý Minh - một người con của Sơn Tinh có công chống Thủy Tinh, và đình Cổ Vũ, ở số nhà 85, thờ Bạch Mã cùng Linh Lang.
Một minh chứng cho đường phố cổ nữa là nhà làm so le ra mặt phố không thẳng hàng, cho mãi đến khoảng năm 1906 Hàng Gai mới có vỉa hè và nhiều nhà còn nhô ra đến sát mặt đường rải đá. Phố đã hẹp lại thêm đường xe điện đặt sát mé đường bên trái số lẻ.
Nhà trong phố trước kia chỉ là những ngôi nhà cổ một tầng, hoặc có gác thì cũng là chiếc gác xép gọi là kiểu "chồng diêm", không có cửa sổ hoặc chỉ trổ một cửa sổ nhỏ trông xuống đường. Mặt ngoài nhà đóng cửa lùa. Nhà thường hẹp bề mặt nhưng ăn sâu vào trong, có nhiều lớp, cách nhau là những khoảng sân vuông.
Phố Hàng Gai theo đúng như tên gọi đời xưa chuyên bán các thứ dây gai, dây đay, võng, thừng...
Nhưng sang đến thế kỷ 19, nghề in sách đã du nhập vào con phố này. Nhiều cửa hàng khắc ván, in sách và bán sách mở ra, đã đẩy các hàng bán dây gai lên phường Đông Thành, phố Bát Đàn.
Đặc biệt vào mỗi dịp tết Trung Thu xưa, phố là nơi bày bán các loại đèn xếp, đèn cá chép, đầu sư tử, ông tiến sỹ giấy…. cho trẻ em chơi.
Đoạn đầu phố từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới đầu phố Tô Tịch xưa là Hàng Tiện, có những cửa hàng vừa làm gỗ vừa làm vừa bán các hàng gỗ tiện do người làng Nhị Khê tới phố kinh doanh với các loại sản phẩm như: mâm bồng, ống hương, chấn song cửa, bàn tròn…và các đồ chơi trẻ em nhỏ xinh như khay, chén, nồi…
Đình Cổ Vũ nằm ở số 85 Hàng Gai đã qua một lần tu bổ
Đoạn tiếp theo trên phố là dãy in và bán nhiều loại sách. Đình Cổ Vũ có dãy nhà ở mé trong, 1 thời từng là “nhà máy in” lớn thời xưa. Khi đó việc in sách khá phức tạp, trình tự các công đoạn thường gồm việc thuê người viết chữ đẹp chép theo đúng qui cách quyển sách, rồi chuyển sang khắc y nguyên, sau đó mới in từng tờ. Sách bao nhiêu trang là bấy nhiêu bản khắc.
Bởi vậy mà phố Hàng Gai những năm cuối thế kỷ 19 còn có những Quan Văn Đường tàng bản, Tụ Văn Đường tàng bản… là những nhà in nổi tiếng, in đủ loại sách Tứ thư, Ngũ kinh, Truyện Kiều…
Nhà 79 từng là Sở kinh lược Bắc kỳ của thực dân Pháp nay là cửa hàng thời trang
Nhà số 80 từng bị thực dân Pháp làm nhà Công sứ khi chiếm thành Hà Nội
Nhà số 101 trước đây là nhà in Ngô Tử Hạ
Năm Pháp chiếm thành Hà Nội (1882), dân phố chạy loạn về quê, nhiều nhà đóng cửa để đấy. Người Pháp cần chỗ đặt ban làm việc, ngoài những đình chùa và đền chung quanh Hồ Gươm, đã chiếm những nhà lớn vắng chủ làm trại sở cơ quan.
Ngôi nhà số 80 Hàng Gai từng là Tòa công xứ đầu tiên của Pháp tại Hà Nội. Ngôi nhà số 79 trở thành Nha kinh lược Bắc Kỳ. Các viên chức người Pháp người Nam kỳ của Toà Công sứ chiếm các nhà chung quanh để ở cho gần nơi làm việc. Thời kỳ này phố có tên tiếng Pháp là “rue du Chanvre” - phố Hàng Gai.
Cũng thời ấy các nhà in chữ quốc ngữ lấn át các nhà in “tàng bản”. Các nhà in nổi tiếng thời bấy giờ có nhà in Đông Kinh ở số nhà 82, nhà in Ngô Tử Hạ ở số nhà 104. Các hàng tạp hóa cũng xuất hiện, các hiệu bán mũ, hiệu kính cũng mọc lên… Phố 1 thời thuần chất và chuyên buôn bán sách nho này đã nhộn nhịp cảnh xe ngựa.
Rồi tới những ngày tháng đầu của cuộc Toàn quốc Kháng chiến chống Pháp, Hàng Gai là ranh giới phía Nam của Liên khu 1. Cho tới ngày Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài Hà Nội, Hàng Gai ở thế mặt đối mặt. Dãy bên lẻ bị Pháp kiểm soát, dãy bên chẵn là tuyến lửa của ta.
Theo “Hà Nội 60 ngày khói lửa” của Đại tá Tạ Duy Đức và nhiều tài liệu ghi chép thời kỳ đó đều có nhắc tới 1 học sinh trung học dũng cảm ngoan cường của phố là Lương Vỵ Trong 15 ngày đêm liền, Lương Vỵ đã chỉ huy đội tự vệ phố Hàng Gai len lỏi sang tới phố Hàng Da tiêu diệt 16 tên địch. Anh là 1 trong số những người đầu tiên được tặng thưởng huân chương Chiến sỹ của Liên khu 1.
Ngã 4 Hàng Gai – Lương Văn Can
Ngày nay Hàng Gai khắp phố đều kinh doanh mặt hàng tơ lụa rực rỡ sắc màu. Phố trở thành “phố tơ lụa” đệ nhất của Hà Nội với những cửa hàng bán sản phẩm tơ lụa san sát nhau, chủ yếu từ Vạn Phúc Hà Đông. Tại đây không chỉ kinh doanh sản phẩm mà còn kết hợp với quảng bá du lịch… Phố chỉ dài 250 mét nhưng đã có tới hơn 90 nhà kinh doanh cùng mặt hàng này.
Đi dọc phố Hàng Gai dễ dàng bắt gặp biển hiệu của các gia đình có truyền thống buôn bán, kinh doanh hàng tơ lụa. Hiệu Tân Mỹ người gốc Hà Đông, đã có ba đời nối tiếp nhau làm nghề thêu ren truyền thống. Hiệu Cự Long, Cự Thành có xuất xứ từ làng Cự Đà với truyền thống dệt kim...
Một cửa hàng ảnh lưu niệm, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam đến du khách quốc tế
Những cửa hàng lụa nay mở ra khắp con phố “tàng bản” xưa kia
Các cửa hàng san sát, khang trang, đồ sộ…