“Hang động núi lửa ở Việt Nam rất đẹp”

Nguyễn Hoài |

“Tôi không nghĩ có hang động núi lửa ở Việt Nam nên khi phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa ở đây, tôi rất bất ngờ. So với những hang động núi lửa đã phát hiện ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hệ thống hang động này rất đẹp”.

Tại lễ công bố phát hiện hệ thống hang động núi lửa đẹp nhất Đông Nam Á hôm qua, Ông Honda Tsutomu, Chủ tịch Hội Hang động núi lửa Nhật Bản cho biết như vậy.

Việt Nam sở hữu 5 hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á

Sáng qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo công bố việc phát hiện hệ thống núi lửa hang động dài nhất Đông Nam Á tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông.

Là những người tham gia khảo sát, hai nhà khoa học Nhật Bản trực tiếp giới thiệu hệ thống hang động gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa ở đây, nhất là ba hang động đã được khảo sát chi tiết gồm hang C7, C3, A1.

“Đặc trưng về khí hậu, địa hình tạo cho hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên sự độc đáo, khác biệt so với nhiều hang động núi lửa trên thế giới”.

Chủ tịch Hội Hang động núi lửa Nhật Bản Honda Tsutomu

Trong số đó, hang động C7 với chiều dài 1066,5 m là hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt.

Các nhà khoa học cũng phát hiện trong hang này sự sống của các loài rắn, ếch, ốc sên. Theo ông Honda Tsutomu, hang động C7 là một hang núi lửa thuộc dạng rất hiếm trên thế giới với dòng thạch nhũ cực đẹp.

Hang C3 nằm trong quần thể hang động này là hang động đứng thứ hai về độ dài ở khu vực Đông Nam Á.

Trong hang tìm thấy dấu vết của khuôn trong một thân cây, dấu vết của thạch nhũ, cả những đoạn hang hình ống.

Hang A1 thì có chiều dài đứng thứ năm về độ dài hang động núi lửa ở Đông Nam Á. Như vậy, theo ông Honda Tsutomu, Việt Nam sở hữu top 5 hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.

Cũng theo vị chuyên gia từng có 40 năm kinh nghiệm khám phá hang động núi lửa, các hang động trên đều thuộc diện hiếm trên thế giới với lòng hang hình ống, trên tường hang có thạch nhũ dung nham, các kệ nham thạch.

Sự hiện diện của khuôn cây nham thạch trong lòng hang cho thấy có sự hiện diện của một khu rừng khi núi lửa phun trào và dung nham tràn ra cách đây triệu năm.

“Đặc trưng về khí hậu, địa hình tạo cho hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên sự độc đáo, khác biệt so với nhiều hang động núi lửa trên thế giới”, ông Honda Tsutomu nói.

Tài sản quốc gia

Ông Trần Phương, Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đắc Nông cho hay trước đây tỉnh từng biết có hệ thống hang động ở khu vực gần thác Dray Sap.

Tuy nhiên do hạn chế về nhân sự, kỹ thuật, tỉnh chưa đánh giá đúng tầm của hệ thống hang động này.

“Nay chúng ta đã có đủ tư liệu đáng tin cậy để chắc rằng nơi này có thể trở thành một công viên địa chất toàn cầu. Nó không chỉ là tài sản của Đắc Nông mà là tài sản quý của đất nước”.

Một góc của hang C7 - hang động dài nhất Đông Nam Á được phát hiện ở huyện K rông Nô, Đắc Nông. Ảnh: Hội hang động núi lửa Nhật Bản cung cấp

Ông Phương cho biết, UBND tỉnh Đắc Nông đã quyết định đầu tư hơn 7 tỷ đồng để triển khai đề án điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô.

Đây sẽ là cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để xây dựng công viên địa chất toàn cầu.

Theo ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất, đơn vị được giao xây dựng đề án, trong 2015 sẽ tiến hành khảo sát chi tiết nhiều hang động khác trong hệ thống như hang C8, C6, C1.

Khảo sát các sản phẩm bên trong dòng dung nham, bên trong hang như di chỉ khảo cổ, đa dạng sinh học, di tích động thực vật.

Đánh giá toàn bộ các giá trị di sản liên quan đến hệ thống hang động nơi đây.

Ông Phúc cho biết thêm “có một thực tế thú vị là hệ thống hang động này chỉ là một trong số rất nhiều di sản địa chất, thiên nhiên, văn hóa ở khu vực Krông Nô”.

Nơi đây có năm kiểu di sản địa chất với trên 50 điểm di sản cụ thể, có năm điểm khảo cổ, một di sản văn hóa thế giới là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, một khu bảo tồn thiên nhiên, một khu rừng đặc dụng với hơn 100 loài động thực vật trong sách đỏ Việt Nam.

“Nơi đây hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập một công viên địa chất toàn cầu, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế xã hội vùng này”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, còn rất nhiều việc phải làm “chúng tôi thấy dòng dung nham có độ nhớt thấp chảy từ miệng núi lửa Chư B’luk đã tạo thành rất nhiều hang động ở khu vực cao nguyên rộng lớn mà nó tràn qua, khả năng còn nhiều hang động khác nằm trong hệ thống này”.

Hiện các nhà khoa học Nhật Bản, Việt Nam đang có mặt ở đó để tiếp tục khảo sát, nghiên cứu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại