Hai vợ chồng vớt hàng trăm xác chết trôi sông

Đã nhiều lần cứu người tự tử khỏi bàn tay “thủy thần”, vớt hàng trăm xác chết nhưng cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc (57 tuổi) vẫn mãi chông chênh, lềnh bềnh như cái nghề chài lưới của họ.

Mang "nghiệp" vớt xác chết

Ông Nguyễn Văn Chúc, được người dân sống gần cầu Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gọi thân mật là ông Ba Chúc. Họ thuộc lòng số điện thoại của ông, bởi khi thấy ai có ý định tự tử thì gọi cho ông trước cả công an, bất kể sáng sớm hay nửa đêm. Do vậy, Ba Chúc còn được mọi người gọi vui với là kẻ “khắc tinh hà bá”, “người cướp cơm hà bá”, “có duyên với người tự tử”,...

Hai vợ chồng vớt hàng trăm xác chết trôi sông
Dù cuộc sống bị nghèo khó bủa vây, vợ chồng ông Ba Chúc vẫn luôn hạnh phúc, lạc quan. Phía sau chiếc ghe là cầu Bình Lợi, nơi ông bà từng cứu sống hàng chục người nhảy sông tự tử.

Hàng chục năm sinh sống với nghề chài lưới, ông Ba Chúc đã cứu hàng chục người đến cầu Bình Lợi tự tử, vớt không biết bao nhiêu thi thể trôi dạt trên sông Sài Gòn. Kể về “cái duyên” của mình vớ tử thi và người tự tử, ông Chúc trầm ngâm: “Đôi khi đó là cái duyên mà cũng là cái nghiệp, bởi ai sống trên đời cũng đều có bổn phận riêng. Do sống trên sông nên “gặp” xác chết, thấy người tự tử hơn người khác và tôi coi đó là bổn phận”.

Vợ chồng người đàn ông mang cái "nghiệp" vớt xác chết đang ngụp lặn giữa muôn vàn khó khăn ở tuổi về chiều. Vợ ông Ba Chúc, bà Nguyễn Thị Hinh, 54 tuổi, hàng ngày vật lộn với tiểu đường, loãng xương, viêm khớp, rối loạn tiền đình... Bà không thể đi làm được nên mọi chi tiêu đều đè nặng trên vai ông Chúc.

Bà Hinh chia sẻ: “Nhiều đêm trái gió trở trời, ông ấy đau nhức trong người, nuốt không nổi chén cơm nhưng vẫn phải chạy xuồng thả lưới khi con nước lên. Nhiều lần tôi bảo ông ấy đi khám để biết bệnh gì nhưng ông ấy bỏ ngoài tai và bảo giờ mà đi khám, lỡ “lòi” ra nhiều bệnh khác thì tiền đâu chữa, cứ tới đâu hay tới đó”.

Ông Ba Chúc cho biết đã gắn bó với sông Sài Gòn hơn 50 năm kể từ lúc còn là chú bé con theo cha mưu sinh, còn với đoạn sông gần cầu Bình Lợi thì tròn 36 năm từ lúc nên vợ nên chồng với bà Hinh. Bấy nhiêu năm gắn bó, ký ức về dòng sông xưa vẫn còn nguyên trong ông Ba Chúc. “Trước đây sông Sài Gòn tôm cá rất nhiều, không cần đi xa, cứ ra giữa dòng quăng lưới thế nào cũng có cá ăn, mà toàn cá to, không cần phải lo nghĩ nhiều như bây giờ”, ông nói.

Vấn đề “lo nghĩ nhiều” của ông chính là sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng nên tôm cá ít đi, cá to thì tuyệt chủng, nhiều hôm đi chài từ khuya đến sáng mà chỉ kiếm được ít cá, bán không đủ tiền mua. Ông Ba Chúc cho biết, làm nghề chài lưới thì phải đi theo con nước, khi nước lên là phải nổ máy bất kể mưa nắng, sáng sớm hay đêm khuya, bởi “không đi đúng con nước thì chài không được cá, mà không có cá thì không có tiền”.

Nói về cuộc sống gia đình, bà Hinh chỉ về chiếc xuồng nhỏ phía sau, kể: "Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1977, có 5 con gái. Chiếc ghe nhỏ xíu (hơn 3m2) dùng để đánh cá cũng là nơi ngủ của gia đình 7 người. Nhiều đêm khuya, khi các con đang ngon giấc mà nước lên thì ổng cũng phải nổ máy đi chài". Sau khi lớn lên, các con của ông lấy chồng rồi lên bờ sống, chỉ còn 2 vợ chồng già trên chiếc ghe cũ. Các con gái nên duyên với những người cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều cho cha mẹ.

Hai vợ chồng vớt hàng trăm xác chết trôi sông
Chiếc ghe nhỏ từng là nơi sinh sống của vợ chồng ông Ba Chúc cùng 5 người con.

"Xác chết nắm tay"

Khi tâm sự chuyện đời thì khuôn mặt buồn hiu, nhưng khi nhắc đến việc chài lưới, những lần cứu người tự tử đầy kịch tính thì ông Chúc sôi nổi hẳn. Kỷ niệm ông nhớ nhất về những lần cứu người mà ông gọi là “xác chết nắm tay”.

“Vụ xác chết nắm tay xảy ra cách đây 2 năm. Sáng đó tôi chạy xuồng đi câu thì phát hiện một thi thể vướng vào một thân cây dừa trôi lờ lững trên sông. Tôi liền tấp vào định kéo xác lên bờ, báo với chính quyền địa phương rồi đi làm tiếp. Đang với lấy xác chết để buộc dây thì tôi điếng hồn khi bị thi thể chụp vào tay nắm cứng ngắt, tôi chới với xém ngã xuống sông. Sau giây phút giật mình, tôi phát hiện đó mà một người tự tử nhưng không chết", ông kể.

Sau khi đưa vào bờ, "xác chết" kể rằng có ý định tự tử, nhưng khi nhảy xuống, sau một lúc uống no nước thì... sợ chết và may mắn gặp một thân cây dừa trôi gần nên bám vào. Người và cây trôi lênh đênh tới khi gặp ông Ba Chúc.

Chỉ vào một cuộn dây dài gần 50m, ông Chúc cười bảo tuổi thọ của nó hàng chục năm rồi, đã cứu được nhiều người khỏi tay “thủy thần” và kéo hàng chục xác chết vào bờ.

Hai vợ chồng vớt hàng trăm xác chết trôi sông
Với những việc nhân nghĩa đã làm, ông Ba Chúc được phong "Hiệp sĩ giao thông" do chương trình Total Hiệp sĩ giao thông trao tặng.

Có một lần ông sém chết theo người đuối nước vẫn in hằn trong ký ức: “Vào khoảng giữa trưa, đang cặm cụi sửa xuồng thì nghe tiếng hô hoán có người đuối nước. Không kịp suy nghĩ, tôi nổ máy chạy về hướng người trên bờ chỉ. Chạy tới nơi thì nạn nhân vừa chìm, không kịp buộc dây vào chân, tôi nhảy xuống thì lập tức bị người này ôm chặt, không thể bơi được cũng không thể gỡ ra. Thế là tôi nín thở, lặn xuống đi bộ dưới sông vào bờ, may mắn là nơi xảy ra vụ việc chỉ cách bờ vài chục mét".

“Trước kia còn khỏe, tôi có thể nín thở dưới sông 2 - 3 phút, nhưng giờ tuổi cao sức yếu rồi, giỏi lắm vài chục giây thôi”, ông Chúc chia sẻ. Đa số người tự tử sau khi được cứu đều tâm sự bởi nợ nần, thất tình mà nghĩ quẩn.

“Có lần tôi cứu bà cụ hơn 70 tuổi. Cụ tâm sự trước đây cũng khá giả, con cái được ăn học đàng hoàng, việc làm ổn định. Sau này cụ ông qua đời, đàn con xúm lại bán nhà chia gia tài. Chúng đưa bà cụ đi nhà dưỡng lão và chẳng có đứa nào thăm nuôi mẹ. Nghĩ cả đời lo cho con mà nay chúng bất hiếu nên cụ uất quá ra cầu Bình Lợi tự tử ”, ông kể.

Lần đầu tiên thấy chồng kéo một xác người chết vào bờ, bà Hinh sợ đến xanh cả mặt, không nuốt nổi cơm bởi cứ bị ám ảnh thi thể trương phình, mùi tử khí u ám. Nhưng dần dần rồi cũng quen. Nhiều khi đang ngủ, nghe tiếng hô hoán cứu người, bà cũng bật dậy với chồng như một cái lò xo rồi cả 2 cùng lên đò, nổ máy đi cứu người.

Bà Hinh kể: “Cách đây khoảng 3 năm, tôi và chồng bàn nhau lên bờ sống chứ tuổi đã cao, ở dưới sông đôi khi trái gió trở trời chẳng biết kêu ai. Nếu lên bờ thì vợ chồng đi bán vé số, có thu nhập đều hơn cái nghề chài lưới, câu cá hiện giờ”.

Thế nhưng, mấy ngày sau có một tổ chức biết về những hành động nghĩa hiệp của vợ chồng ông, nên đến ủng hộ tiền đóng một chiếc ghe mới, to hơn chiếc cũ để 2 người sinh sống. Khi có chiếc ghe mới, to hơn thì dự định... lên bờ của vợ chồng ông đành gác lại. “Chắc đó là cái số của mình không được lên bờ, phải gắn bó với dòng sông, để tiếp tục “cướp cơm” hà bá thôi”, ông Ba Chúc hóm hỉnh chia sẻ.

Hai vợ chồng vớt hàng trăm xác chết trôi sông
Ông bà Ba Chúc vui vẻ trên chiếc ghe mới được một tổ chức tặng.

Đã bao nhiêu lần cứu người khỏi tay "tử thần", đưa người chết trôi về với gia đình an táng, nhưng người “khắc tinh” của "hà bá" luôn quan niệm đó là công việc của mình, không cần ân huệ, đền đáp của ai. Đã có nhiều người mang tiền, quà cáp, trái cây... đến đền ơn cứu mạng nhưng ông chỉ lấy trái cây, còn tiền thì trả lại bởi “cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại