“Vào mùa mưa, muốn cá không bị hỏng chủ các cơ sở phải dùng hóa chất tẩm ướp trước khi phơi. Bởi mùa mưa cá lâu khô cộng với độ ẩm cao, nếu không dùng hóa chất cá sẽ bị thối hoặc nấm mốc. Mùa này, lượng hóa chất dùng để ướp cá nhiều gấp đôi các mùa khác trong năm” - Hùng người làm công cho nhiều cơ sở chế biến hải sản nói.
Nước ướp cá bốc mùi cay nồng
Trong quá trình đến các cơ sở chế biến hải sản để xác minh thông tin bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã đến nhiều cơ sở nằm ở những vùng có nhiều vũng nước đọng, cây cối um tùm rất thuận lợi cho ruồi, muỗi phát triển.
Tuy nhiên ở những cơ sở này, ruồi bay bên ngoài thì có nhưng đậu trên các vỉ cá khô thì không? Tại khu vực phơi cá không tên phường Đức Long, TP.Phan Thiết (gần Trường THCS Hà Huy Tập), một hộ gia đình đang xẻ cá đưa lên vỉ để phơi. Bên cạnh là thùng nước màu trắng đục như nước gạo, bốc mùi cay nồng như mùi thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp.
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao thùng nước này có mùi “lạ”, thì một phụ nữ khoảng 40 tuổi đang nhanh tay xẻ cá cho biết: Đây là thùng nước dùng để “rửa cá”. Có mùi cay nồng là do thùng nước này đã được pha thêm hóa chất diệt ruồi. Khi cá đã rửa qua thùng nước này mang ra phơi thì ruồi không đậu vào. Tránh tình trạng bị ruồi đẻ trứng làm hư cá và cũng để “đẹp mắt” mỗi khi có khách đến mua hàng? Một số người từng làm tại các cơ sở chế biến cá khô cho biết: Nếu mua phải những mẻ cá, mực để lâu ngày bốc mùi thì ngoài việc “ướp” hóa chất diệt ruồi, người phơi còn phải dùng thuốc chống thối…
Theo tìm hiểu của chúng tôi. Vào mùa mưa, để có thể sản xuất hàng hải sản khô, trước đây chủ các cơ sở chỉ phun thuốc diệt ruồi ở dưới nền đất nơi đặt vỉ phơi cá để đuổi ruồi. Nhưng cách này không mấy hiệu quả, người phơi cá đổi sang “ngâm trực tiếp” cá với hóa chất để tăng hiệu quả.
Ở những hộ cá nhân, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất hải sản khô thì có trang bị hệ thống sấy, có mái che nên không nhọc nhằn lắm trong sản xuất vào mùa mưa. Do đó, việc sử dụng hóa chất ít và đều nằm trong danh mục cho phép. Còn với những nơi sản xuất cá khô “chui” thì việc sử dụng hóa chất vô tội vạ, không kiểm soát. Hóa chất diệt ruồi mà các hộ dân này sử dụng có chứa chất trichlorfon, đây là loại chất đã bị cấm sử dụng trong chế biến thủy hải sản.
Hệ quả khôn lường
Nhiều chuyên gia trong ngành y tế cho biết: Trichlorfon là hóa chất có vị độc, khả năng thấm sâu. Hóa chất này diệt được nhiều loại côn trùng nhai gặm và liếm hút, được dùng trong y tế để trừ ruồi. Chất này còn được áp dụng trong chăn nuôi để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước được chỉ định. Trichlorfon có độc tính cao, dễ dàng hấp thụ qua da, có thể gây dị ứng nặng cho da và các cơn co thắt cơ bắp bất thường. Nếu hít phải chất độc này, có nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực, thở khó do co thắt ở ống phế quản. Mắt thường tiếp xúc với trichlorfon cũng sẽ bị chảy máu mắt, mờ mắt dẫn đến mù lòa. Nhiễm độc nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi… Nghiêm trọng hơn có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Khi các hộ dân sử dụng chất này để xua đuổi ruồi trong quá trình phơi cá, dung lượng trichlorfon đã được pha loãng với nước nên người tiêu dùng không thể phát hiện. Do trichlorfon đã được pha loãng nên khi ăn cá khô có tẩm ướp hóa chất này cũng không biểu hiện ngay mà phải qua thời gian rất lâu nó mới bắt đầu phát tác. Ông Lê Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản cho biết: Việc quản lý các cơ sở phơi cá khô hiện nay rất khó khăn, đặc biệt với những cơ sở hoạt động không phép. Muốn xử phạt các trường hợp sử dụng hóa chất trong chế biến hải sản thì phải thành lập đoàn liên ngành và phải cử trinh sát đi nắm tình hình, bắt quả tang…
Việc sử dụng hóa chất trong chế biến hải sản đã bị cấm từ lâu, nhưng một số hộ dân vì lợi nhuận vẫn lén lút sử dụng. Cùng với việc tẩm, ướp hóa chất độc hại thì trong quá trình chế biến, các cơ sở cũng không tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Hàng tháng chúng tôi đều tiến hành các cuộc thanh kiểm tra đối với các cơ sở chế biến hải sản và thấy sản phẩm hải sản khô của rất nhiều cơ sở, công ty đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, bên cạnh cũng có những cơ sở sản xuất gian dối làm ảnh hưởng đến uy tín đặc sản biển của địa phương. Vì vậy, khi mua mặt hàng hải sản khô, người tiêu dùng nên mua ở những cơ sở lớn, có uy tín” - ông Lê Đức Minh cho biết thêm.
Năm 2013, phát hiện chất trichlorfon trong cá cơm
Ông Lê Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản cho biết: Đầu năm 2013, chi cục tiến hành thanh tra, lấy mẫu tại một số cơ sở chế biến cá cơm thuộc phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Kết quả phân tích cho thấy một số mẫu cá cơm ở đây có dư lượng chất trichlorfon. Hàng năm, chi cục cũng phát hiện từ 1 - 2% số mẫu kiểm định thuộc nhóm hàng thủy hải sản có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép.