Hải Phòng: Nhiều người tử vong vì bị ong đốt

M.Lý |

Trong lúc đi hái thuốc và thảo dược trên núi gần nhà, một người đàn ông vô tình đụng phải tổ ong vò vẽ trong bụi rậm và bị đàn ông tấn công toàn thân.

Cố gắng thoát khỏi đàn ong, vài tiếng sau, người đàn ông bị rơi vào hôn mê sâu và tử vong sau vài giờ cấp cứu.

Sự việc xảy ra vào sáng 29/8, khi ông Trần Văn Cời (SN 1967, thôn 9, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đi hái thuốc trên núi Chùa gần nhà đã bị một đàn ong vò vẽ khuất trong bụi rậm tấn công.

Bị đàn ông đốt toàn thân, cơ thể phù nề với hàng trăm vết đốt, sau khi chạy thoát được về nhà, ông Cời đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Thủy Nguyên.

Tuy nhiên, do máu tan, việc lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân không thể tiến hành được nên bệnh nhân Cời được điều chuyển lên BV Việt Tiệp.

Chuyển viện trong tình trạng sốc mạch, tay chân lạnh, huyết áp tụt, rối loạn tri giác, sưng phù nề, bệnh nhân Cời được các y bác sĩ BV Việt Tiệp cấp cứu theo dõi sốc phản vệ do ong đốt và được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực nội bằng các biện pháp:

Hỗ trợ hô hấp, kháng sinh, an thần, vận mạch, bù khối lượng tuần hoàn, lọc máu cấp cứu.

Sau 2 ngày điều trị, diễn biến tình trạng bệnh của bệnh nhân Cời có chiều hướng xấu; bệnh nhân kích thích, yếu nửa người trái, nghi xuất huyết não.

Tới 20 giờ 20’ ngày 31/8, khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn, cấp cứu tim đập trở lại, phía gia đình đã xin cho bệnh nhân ra viện, về nhà với chẩn đoán:

Sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt, suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng; theo dõi xuất huyết não. Bệnh nhân đã tử vong tại nhà sau đó.

Cũng trong tình trạng bị ong đốt toàn thân, trường hợp bệnh nhân Hoàng Văn Nghĩa, sinh 1964, ở thôn 4, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên cùng một số người dân địa phương lên núi Đồn bắt tổ ong.

Ông Nghĩa xung phong trèo lên cây bạch đàn và hun lửa đốt. Bị phá tổ, đàn ong vò vẽ lao ra điên cuồng tấn công ông Nghĩa.

Nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã; tím môi, đầu chi; huyết áp không đo được; thở nhanh, nông (55-57 chu kỳ/phút); nhiều nốt hoại tử đen trên da toàn thân, bệnh nhân Nghĩa cũng không thể tiến hành xét nghiệm sinh hóa do tan máu….

Sau khi được BV chẩn đoán sốc phản vệ do ong đốt, ông Nghĩa đã được điều trị tích cực. Tuy nhiên, chỉ 2 giờ sau khi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng hơn (suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, tim đập chậm dần, ngừng tuần hoàn).

Sau khi gia đình xin về nhà, bệnh nhân đã tử vong.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Quang Chính - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế Hải Phòng) – chia sẻ với báo chí:

Thông thường khi bị ong đốt sẽ không gây chết người song tùy theo loài ong, nọc độc ít hay nhiều mà có thể dẫn tới tử vong.

Do đó, tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loại ong nào đốt.

Một số lưu ý khi bị ong đốt: Người bị ong đốt cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như sau:

Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da.

Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát khuẩn như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; uống nhiều nước để loại thải các độc tố; chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại