Hai người phụ nữ vật nhau dưới ruộng lúa mới cấy ở Bắc Giang

Hoàng Hải |

Bà Nguyễn Thị Luận (trú tại thôn Cẩm Trung, Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã lao vào vật lộn dưới ruộng với người hàng xóm, để giữ lại diện tích lúa mới cấy được 10 ngày của gia đình.

Những ngày qua, nhiều hộ dân thôn Cẩm Trung (xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) tỏ ra hết sức bất bình về việc dồn điền, đổi thửa của địa phương.

Theo nguyện vọng của các hộ dân thì việc dồn điền, đổi thửa chỉ nên diễn ra trên cánh đồng mẫu lớn, những mảnh ruộng nhỏ, manh mún thì giữ lại cho các hộ đã được giao từ năm 1992.

Nhưng chính quyền xã Xuân Cẩm vẫn tiến hành việc dồn điền, đổi thửa với cả những mảnh ruộng nhỏ, manh mún.

Chính từ việc dồn điền, đối thửa trên nên giữa người dân thôn Cẩm Trung đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến việc được nhận ruộng.

Lao vào vật lộn với hàng xóm để giữ ruộng

Đỉnh điểm của việc tranh chấp xảy ra vào ngày 17/3, khi gia đình bà Nguyễn Thị Luận bị một hộ gia đình khác trong thôn nhổ lúa đã cấy được hơn 10 ngày trên diện tích ruộng của gia đình được giao từ năm 1992.

Theo clip được ghi lại, bà Luận và một người phụ nữ lao vào vật lộn nhau dưới ruộng. Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Luận.

Bà Nguyễn Thị Luận và bà Bùi Thị Vấn vật lộn với nhau dưới mảnh ruộng mà gia đình bà Luận đang cấy lúa.
Bà Nguyễn Thị Luận và bà Bùi Thị Vấn vật lộn với nhau dưới mảnh ruộng mà gia đình bà Luận đang cấy lúa.

Bà Luận cho biết, vụ việc trên xảy ra vào sáng 17/3/2015, ở khu ruộng thuộc xóm Đồng Sen, thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm.

Trước ngày 17/3 một tuần lễ, xóm đã chia những phần ruộng nhỏ cho xã viên, khi đó đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát rồi. Đến hôm 17/3, khi chia đến ruộng của nhà tôi, lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn.

Hôm đó, chồng, em dâu và các cháu trong gia đình tôi được UBND xã Xuân Cẩm gọi xuống để làm việc về những khúc mắc trong việc dồn điền, đổi thửa, chỉ còn một mình tôi ở nhà trông cháu", người phụ nữ này nói.

Bà Luận được đưa lên bờ.

Bà Luận được đưa lên bờ.

Cũng theo bà Luận, khi ra đến ruộng thì bà được các cán bộ thôn, xã Xuân Cẩm đọc biên bản hôm nay sẽ chia ruộng của mình.

Khi các cán bộ xã đọc xong biên bản, ông Nguyễn Văn Đồng – Tổ trưởng Đảng xóm Đồng Sen (người nhận phần ruộng gia đình bà Luận) nói sẽ trả lại một ít tiền cày, bừa nhưng bà Luận không đồng ý.

“Lúc đó, anh Đồng bảo với tôi: "Ruộng này giờ là ruộng của tôi, thôn chia cho tôi". Nghe thấy anh Đồng nói thế, tôi liền bảo đây là ruộng của thôn chia cho anh, nhưng quyền sở hữu vẫn là của tôi, nếu nay mai tôi tranh chấp được thì vẫn là của tôi.

Nếu tôi không tranh chấp được, tôi tặng anh cả lúa, bây giờ, lúa đã lớn như thế này, anh cứ cố tình nhảy xuống, nó không ra cái gì, anh tính sao?

Tôi đã nói hết lời nhưng anh Đồng cùng vợ là chị Bùi Thị Vấn cùng hai người nữa vẫn xuống nhổ lúa của gia đình tôi", bà Luận kể.

Nhưng được một lúc sau, hai người phụ nữ này tiếp tục vật lộn.
Nhưng được một lúc sau, hai người phụ nữ này tiếp tục vật lộn.

Người phụ nữ này lý giải, để giữ lại diện tích lúa đã cấy được hơn 10 ngày, một mình bà "đánh liều" xuống ruộng "chống chọi" với 4 người.

Ông Nguyễn Văn Đồng - Tổ trưởng Đảng xóm Đồng Sen (khoanh tròn) chỉ đứng nhìn vợ (bà Vấn) vật lộn với người hàng xóm.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Tổ trưởng Đảng xóm Đồng Sen (khoanh tròn) chỉ đứng nhìn vợ (bà Vấn) vật lộn với người hàng xóm.

Khi bà Luận đẩy ông Đồng thì do người đàn ông này quá khỏe nên bà không đẩy được. Khi bà Vấn - vợ ông Đồng ra đắp lại bờ để chia ruộng thì bà Luận đã dùng chân đạp vào bờ để ngăn cản.

Sau đó, theo lời kể của bà Luận thì bà và người phụ nữ tên Vấn đã tiếp tục lao vào nhau vật lộn ngay dưới ruộng. Một cán bộ trong xóm đã đến can ngăn và đưa bà Luận lên bờ.

"Vừa lên bờ được mấy phút, chị Vấn lại tiếp tục sang ruộng nhà tôi nhổ lúa. Thấy thế, tôi liền ra bảo: “Chị đi lên, tốt nhất là chị đi lên, chúng mình già cả với nhau rồi, chị đừng làm cái việc quá đáng như thế!”.

Tôi lại tiếp tục xuống ruộng, ngăn cản không cho chị Vấn nhổ lúa thì chị ấy đạp vào chân tôi, nhưng tôi lại tránh được và vật chị ấy ngã ngửa ra ruộng, sau đó hai người vật lộn với nhau", bà Luận cho hay.

Khu ruộng là "ngòi nổ" của toàn thôn

Nói về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Đồng – Tổ trưởng Đảng xóm Đồng Sen cho hay: “Diện tích ruộng nằm trong quy hoạch dồn điền, đổi thửa chia vòng 2, gia đình tôi được nhận chỗ ruộng mà gia đình bà Luận đang cấy lúa nằm cạnh đường trục chính thôn Cẩm Trung.

Tất cả các thủ tục chia ruộng của xóm, thôn, xã đều có dấu của địa phương và bàn giao lại gia đình tôi sử dụng mảnh đất trên, cả mảnh ruộng khoảng 200m2.

Hôm đó (ngày 17/3), anh phó thôn đến lập biên bản giải phóng mặt bằng cho người được nhận đất, nhưng gia đình nhà bà Luận cố tình giữ nên mới xảy ra sự việc trên”.

Khi được hỏi về việc, gia đình bà Luận đã cấy lúa được hơn 10 ngày mà mình lại ra nhổ đi, ông Đồng cho hay: “Thực ra, bây giờ ở khu ruộng đấy nó là một cái chốt, cái "ngòi nổ" của toàn thôn Cẩm Trung.

Chúng tôi muốn giải quyết trắng, đen thì phải làm như thế, nếu không nó sẽ là "ngòi nổ", khiến cho các hộ dân khác làm theo, không chấp nhận việc dồn điền đổi thửa thì công sức của bao người từ trước tới nay sẽ đổ sông, đổ biển”.

Ông Đồng đang nhổ lúa mới cấy được 10 ngày của gia đình bà Luận.
Ông Đồng đang nhổ lúa mới cấy được 10 ngày của gia đình bà Luận.

Nói về việc mình đứng dưới ruộng nhưng lại không vào can ngăn vợ (bà Vấn) và bà Luận vật lộn nhau, ông Đồng tiếp lời: “Việc đấy cứ để cho công an xã họ xuống giải quyết, chứ diện tích ruộng trên thôn, xã đã chia cho nhà tôi thì việc tranh chấp phải do xã đứng ra giải quyết”.

Trao đổi với chúng tôi ngày 14/4, ông Ngô Khắc Tình – Chủ Tịch xã Xuân Cẩm cho hay: “Việc dồn điền, đổi thửa chỉ nhằm nâng cao năng suất lúa trên đất nông nghiệp, còn sự việc xảy ra ngày 17/3, tôi đi học không có nhà.

Diện tích đất ruộng nhà bà Luận nếu có 1 sào ở cạnh đường khi chia lại thì chỉ còn lại 5 thước thôi (120m2) thôi. Nhưng nhà bà Luận lại cứ đòi cấy hết cả 1 sào nên mới gây mâu thuẫn với gia đình anh Đồng như thế!”.

> Mời xem clip hai người phụ nữ vật lộn dưới ruộng lúa:

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại