Ông Trần Quốc Hải (SN 1960, ấp 2 xã suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh) tốt nghiệp trường ĐH Thể dục thể thao T.P HCM. Người nông dân này từng nổi tiếng với biệt danh "hai lúa chế tạo máy bay".
Trước thời điểm nhận Huân chương Đại tướng quân ở Campuchia cách đây hơn một tháng, ông Hải đã sửa chữa, cải tiến, nâng cấp thành công 11 xe bọc thép cũ và chế tạo thành công một xe bọc thép kiểu mới cho quân đội nước này. Với chiếc xe mới chế tạo, ông Hải hoàn thành trong thời gian bốn tháng (ba tháng nghiên cứu, một tháng chế tạo). Tất cả trang thiết bị cho xe do ông tự tìm mua. Tờ Tuổi Trẻ viết: "Chiếc xe bọc thép mới với vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe...".
"Chia sẻ về bí quyết chế tạo thành công xe bọc thép, ông Hải cho biết đó là niềm đam mê tìm hiểu xe tăng từ nhỏ, rồi tìm tài liệu mang về tự nghiên cứu. Được biết thời gian qua đã có hơn 10 nước mời ông Hải đi thăm, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong việc nỗ lực tự nghiên cứu khoa học và chế tạo máy móc"- thông tin trên tờ Pháp luật T.P HCM.
Theo thông tin trên tờ Tuổi Trẻ, năm 2003 ông Hải chế tạo chiếc máy bay trực thăng đầu tiên. Năm 2005, chiếc máy bay thứ hai ra đời, cải tiến, hiện đại hơn chiếc trước mà giá thành chỉ bằng... một chiếc ôtô. Ông đã cùng cộng sự đưa máy bay ra đồng bay thử. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng kết luận máy bay “không thể bay được”. Ông Hải cho biết, đã bán chiếc trực thăng đầu tiên cho một bảo tàng ở New York (Mỹ), chiếc còn lại Bảo tàng Busan của Hàn Quốc đã mua khi đang triển lãm ở Singapore.
Cũng theo nguồn trên, sau một câu nói trong sách là "hãy biến máy bay, xe tăng thành máy nông nghiệp”, ông đã thay đổi suy nghĩ, chuyển đam mê khoa học sang chế tạo máy nông nghiệp. Sau đó, một loạt máy móc do ông sáng chế đã ra đời như: Máy trồng mì, máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy bón phân, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy thu hoạch mủ cao su.... Tất cả những loại máy móc này không những giúp người nông dân thu lợi mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Thuở thiếu thời, nhà ông Hải ở Cẩm Giang (quận Phú Khương cũ nay thuộc huyện Gò Dầu, Tây Ninh). Cha ông là một thầy thuốc. Nhà có rất nhiều ruộng nên trong nhà có một xưởng nhỏ để sửa chữa những nông cơ nông cụ. Ông tiếp cận với cơ khí từ xưởng nhỏ này. Sau này, dù học đại học Thể dục thể thao nhưng ông vẫn dành thời gian cho những bản vẽ về máy móc, cơ khí. Ngoài sửa chữa, ông còn nghĩ phải biết cải tiến để cho năng suất vượt hơn. Ông Hải chỉ công tác ở ngành thể dục thể thao 5 năm rồi xin nghỉ về làm ở xưởng của gia đình. Đây là những thông tin trên tờ Vietnamnet.
"Hai lúa" Trần Quốc Hải đã rất khiêm tốn chia sẻ trên tờ Một Thế Giới: "Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi! Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được".
(Tổng hợp)