Hai bài giảng đặc biệt về cuộc sống của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Lược trích theo Làng Mai |

Đó là bài giảng ý nghĩa về cuộc sống với tựa "Nghệ thuật thương yêu" và "Giấc mơ lớn nhất của đời anh là gì?"...

Dưới đây, chúng tôi xin lược trích lại một số đoạn trong các bài giảng này, theo thông tin trên tờ Làng Mai:

1. Nghệ thuật thương yêu

Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được. Cuộc đời ở trong cơ thể mình, trong tim mình, ở xung quanh mình. Chán đời thì không sống được. Vì vậy chúng ta phải thực tập “yêu đời”. Sự sống là một cái gì rất quý giá.

Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng ba chục thanh niên, thiếu nữ tự tử. Bên Anh, bên Nhật số người tự tử còn nhiều hơn nữa. Có người nhảy từ tòa cao ốc hai ba chục tầng xuống để chết, rất thương tâm. Bên Mỹ cũng nhiều. Xót xa lắm. Đó là vì những người đó không có khả năng xử lý những cảm xúc mạnh trong lòng. Vì vậy, mình là người có thực tập, mình phải học cách xử lý những nỗi khổ, niểm đau trong mình. Đó là những cảm thọ khó chịu, đau thương, bức xúc, những cảm xúc mạnh của giận hờn, tuyệt vọng.

Con người của mình được làm bằng nhiều yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức). Đó là năm yếu tố làm thành con người. Cảm xúc chỉ là một phần nhỏ tí tẹo của mình thôi, tại sao mình phải tự tử vì một phần nhỏ bé như vậy. Cho nên mình phải học cách làm thế nào để xử lý được những cảm xúc đó, và mình phải trao truyền cho người trẻ khả năng đó.

Chỉ có một điều mình nên nhớ đó là: cảm xúc chỉ là cảm xúc, là một phần rất nhỏ của con người, tại sao mình phải chết vì cảm xúc?

...........

Nếu các vị đã từng yêu rồi thì các vị biết rằng giây phút ngồi với người yêu là giây phút rất mầu nhiệm. Và có những phương pháp để giúp cho giây phút đó kéo dài. Chứ ngồi với nhau mà bất đồng ý kiến hay cãi nhau thì hư bột hư đường hết. Ngồi với nhau như thế nào để cả hai cùng tận hưởng được những giây phút mầu nhiệm và thiêng liêng ở bên nhau. Khi được ngồi với người yêu mười phút, hai mươi phút, các vị sẽ làm gì để cho những giây phút đó là giây phút thần tiên và kéo dài? Hay là lại nói chuyện chính trị, nói xấu người này người kia và trách móc nhau? Nếu như thế thì hư hết! Vì vậy yêu là một nghệ thuật. Thì giờ ngồi cạnh người yêu là thì giờ vô cùng quý giá. Phải bảo vệ thời gian đó. Thời gian đó rất là nuôi dưỡng, rất là trị liệu.......

Trong khi tôi uống ly trà thì tôi có mặt thật sự. Quý vị biết là khi đang uống trà mà đầu óc mình để chỗ khác thì đâu phải là mình đang uống trà mà là một con ma nào đó đang uống trà!

...... Cái làm cho ta hạnh phúc không phải là âm nhạc hay ca hát, tiền bạc hay giàu sang. Hạnh phúc chân thực là do niệm và định đưa tới. Chúng ta biết rằng chúng ta đang được ngồi với nhau. Chúng ta đang có mặt cho nhau và chúng ta đang được uống trà với nhau. Chỉ cần một chén trà thôi mà mình có được hai giờ hạnh phúc. Hạnh phúc đó không phải do giàu sang mang lại mà do niệm và định mang lại. “Niệm” là mình có mặt thực sự, “định” là mình không để tâm đi chỗ khác. Mình chỉ có một nhóm bạn thôi, một ly trà thôi nhưng hạnh phúc rất lớn. Niệm và định là suối nguồn của hạnh phúc. Mình có thể đem niệm và định vào đời sống gia đình, trân quý từng giây phút bên nhau để gia đình, lứa đôi có hạnh phúc hơn.

Bữa ăn sáng của gia đình là một cơ hội để mình có mặt và nhận diện sự có mặt của những người khác trong gia đình. Ăn sáng như thế nào để mỗi giây phút của bữa ăn sáng là một giây phút của hạnh phúc. Đó là một sự thách thức. Chúng ta có biết yêu khi ăn sáng không? Yêu tức là phải có mặt đích thực. Phải trân quý những cái gì đang có trong vòng tay của ta. Phải thưởng thức từng giây phút như thưởng thức từng ngụm trà. Đó là một sự thách thức. Nếu quý vị luyện tập về niệm và về định thì có thể luyện tập như vậy. Luyện tập trong mỗi bữa ăn sáng như vậy có thể đem lại hạnh phúc rất nhiều. Nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng những người chung quanh mình.

..... 

Nếu có người đem một trái cam tới tặng thì quý vị có khả năng ăn trái cam trong hạnh phúc không? Quý vị có thể cầm trái cam mà nhìn trái cam không? Nhìn trái cam để thấy rằng trái cam là một cái gì rất màu nhiệm. Cây cam kia đã mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần để làm ra những hoa cam, rồi nắng, rồi gió, rồi mưa đi ngang qua để hình thành nên một trái cam từ nhỏ xíu. Cây cam đã thở, đã sử dụng các chất dinh dưỡng từ đất để nuôi trái cam lớn lên và trái cam bây giờ to, vàng. Trái cam là một thực tại màu nhiệm trong tay mình. Đó là thiền. Nhìn vào trái cam mà thấy được như vậy, thấy được trái cam mới là thiền.

Còn nhìn vào trái cam mà chỉ thấy những lo âu, buồn khổ và những dự án của mình trong tương lai thì chưa thấy trái cam và khi ăn không phải là mình ăn cam mà là ăn những sầu khổ, ăn những lo lắng của mình mà thôi. Cho nên đây là nghệ thuật sống, nghệ thuật yêu sự sống.

>> Xem nguyên văn bài giảng "Nghệ thuật thương yêu" của thiền sư Thích Nhất hạnh 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. (Ảnh: Làng Mai)

2. Giấc mơ lớn nhất của đời anh là gì?

Trong đời sống hàng ngày chúng ta có nhiều lo lắng, nhiều mối quan tâm như làm sao để có công ăn việc làm, làm sao để có nhà, có xe, có lương, tiền đủ để cho con đi học, làm sao để khỏi bị bệnh tật...

...Ngoài ra mình còn đi tìm những tiện nghi khác ngoài tiện nghi vật chất. Mình đi tìm những tiện nghi tình cảm. Là con người chúng ta cần tình cảm, chúng ta cần tình thương. Nếu mình có khó khăn về truyền thông với chồng của mình, hay vợ của mình, hay con của mình thì mình không có hạnh phúc. Hai vợ chồng không nói chuyện được với nhau; hai cha con không nói chuyện được với nhau. Và chúng ta khổ. Chúng ta thiếu những tiện nghi về tình cảm. Nếu không có hạnh phúc trong gia đình thì mình đi tìm kiếm những tiện nghi tình cảm ở ngoài. Mình vướng vào người này, mình vướng vào người khác và làm cho gia đình của mình càng ngày càng khó khăn, càng lục đục. Do đó cho nên sự đi tìm những tiện nghi vật chất và tiện nghi tình cảm làm hết thì giờ của mình.

Không có lý mục đích của cuộc đời mình chỉ là đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm hay sao? Mình muốn làm gì với đời sống của mình? Với đời sống này mình có muốn thực hiện một chí nguyện nào hay không? Có khi nào quý vị có thì giờ ngồi lại và hỏi: “À, mình có ước mong gì sâu sắc hơn, cao siêu hơn là chuyện kiếm sống và đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm không?” Đó gọi là mối quan tâm tối hậu (ultimate concern). Có khi nào quý vị ngồi với bố mình và nói chuyện với bố: “Bố ơi, trong cuộc đời của bố, bố có ước mơ gì muốn thực hiện hay không. Nếu bố chưa thực hiện được thì bố có muốn con thực hiện giùm cho bố hay không?” Quý vị đã có cơ hội đó chưa? Nếu mình cứ đi kiếm những tiện nghi vật chất và tình cảm thì làm gì có thì giờ để nghĩ tới những quan tâm tối hậu đó.

Hay quý vị chỉ nói chuyện về tiền bạc, về tiện nghi vật chất mà thôi? Nói những câu chuyện như vậy tức là mình đã vượt khỏi cái vòng của tiện nghi vật chất và tiện nghi tình cảm. Hai cha con có thể nói chuyện với nhau, có thể nói về những ước mơ sâu sắc nhất của một đời người. Có khi nào quý vị ngồi với mẹ để nói chuyện như vậy không? Mẹ mình suốt đời bận rộn lo cho chồng, lo cho con. Mẹ mình từ khi còn trẻ chắc cũng có một ước mơ nào đó chứ? Không có lý suốt đời chỉ đi tìm kiếm những tiện nghi về vật chất và về tình cảm thôi sao? Có khi nào quý vị ngồi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có ước mơ nào mà mẹ chưa thực hiện được không? Mẹ có muốn con thực hiện giùm cho mẹ không?”.

.........

Quý vị là một cặp vợ chồng đang sống chung với nhau. Quý vị có một đứa con hoặc hai đứa con. Có khi nào quý vị ngồi với nhau để nói rằng: "Cuộc đời của mình có phải chỉ là sanh ra vài đứa con rồi thôi sao? Anh có chí nguyện nào, anh có ước mơ nào muốn thực hiện hay không? Em có ước mơ nào muốn thực hiện với đời sống bây giờ hay không?”.

Nếu hai vợ chồng không có thì giờ để nói những chuyện đó thì rất uổng. Không có lý đời mình chỉ để đi tìm kiếm những tiện nghi vật chất và tình cảm mà thôi? Khi hai vợ chồng chia sẻ với nhau về điều đó thì hai người trở thành đồng chí của nhau và hạnh phúc lứa đôi sẽ tăng lên rất nhiều. Khi chúng ta mới cưới nhau thì tình yêu rất đẹp. Chúng ta nghĩ rằng không có nhau thì chúng ta không sống nổi. Nhưng tình yêu cũng giống như bất cứ một sinh vật nào, nó cũng cần phải có thực phẩm. Tình yêu của mình dẫu cho có đẹp cách mấy đi nữa mà mình không biết cách nuôi dưỡng thì nó cũng chết. Nó biến thành một cái khác. Nó biến thành sự chán nản, thành sự giận hờn.

.......

Một hôm có một nữ ký giả của tờ báo Elle ở Paris về phỏng vấn các sư cô. Tờ báo Elle là một tờ báo phụ nữ của người Pháp dành cho quý bà. Các sư cô ở Xóm Mới đã mời ký giả ở lại bảy ngày để cùng thực tập với đại chúng. Nếu chỉ có phỏng vấn thì bài viết sẽ không hay. Phải thực tập mới biết được. Vị nữ ký giả đó ở lại 6 ngày thì tôi tới thăm để giảng cho các sư cô. Nhân tiện đó, bà ấy cũng muốn phỏng vấn tôi. Tôi nói: “Tức cười quá! Tờ báo của quý vị là tờ báo phụ nữ mà sao muốn phỏng vấn đàn ông?” Nhưng rốt cuộc thì tôi cũng cho họ phỏng vấn và tôi nói như thế này: “Bà về bà viết như thế nào mà giúp người ta chuyển hóa được mới hay. Chỉ viết lý thuyết thì không hay lắm”.

Tôi đã đề nghị cho bà một phương pháp thực tập. Tôi nói rằng nếu bà viết được phương pháp thực tập này bà sẽ giúp được nhiều cặp vợ chồng không có hạnh phúc. Tôi đưa ra đề nghị là bà hãy viết như thế này: chiều nay, sau khi ăn cơm chiều  và dọn dẹp xong thì bà đi vào trong phòng khách với ông. Cố nhiên là sau khi ăn cơm chiều xong thì ông đi vào phòng khách và coi ti vi. Khi đã dọn dẹp xong thì bà đi theo ông vào phòng khách. Khi rửa bát, khi dọn dẹp trong bếp thì bà phải thực tập hơi thở “Thở vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười” và làm lắng dịu nỗi khổ niềm đau của mình xuống. Khi đi vào trong phòng khách, bà ngồi xuống. Bà vẫn tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, thở cho đến khi nào bà thấy thoải mái, lắng dịu rồi thì bà mới ngẩng lên và nói với ông câu này: “Anh ơi, anh có thể tắt máy truyền hình được không? Em có chuyện quan trọng muốn nói với anh.”

Khi nghe bà nói câu như vậy thì ông sẽ ngạc nhiên:"Không biết sắp gây cái gì đây?" Ông ngán lắm nhưng bắt buộc ông phải làm. Ông sẽ tắt máy truyền hình rồi ông xoay lại sẵn sàng để đối chiến. Vẫn giữ một nụ cười, bà nói: “Anh ơi, tại sao mình có đủ hết: có nhà, có xe, có công ăn việc làm, có trương mục tiết kiệm, mà mình vẫn không có hạnh phúc? Anh thử nghĩ giúp em là tại sao vậy? Anh có ý kiến gì không?”. Mình khéo léo mời người hôn phối của mình đi vào một cuộc pháp đàm để tìm hiểu sự thật là tại sao mình có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc mà lại không có hạnh phúc. Có nhiều người không được như mình. Họ đi kiếm một ngôi nhà như vậy mà không có. Họ không có được chiếc xe như chiếc xe của mình. Họ không có công ăn việc làm như mình. Mình có đủ hết tại sao mình không có hạnh phúc?

Hai vợ chồng phải để thì giờ để xét, để nhìn cho kỹ tình trạng của mình là tại sao mình đã có phương tiện đầy đủ như vậy mà không có hạnh phúc? Sự thật là khi ông mở tivi ra để coi, có thể là phim rất dở nhưng ông vẫn coi. Nếu ông tắt tivi đi thì ông không biết làm gì. Nói chuyện với bà thì không có hạnh phúc. Ngày xưa chỉ cần nhìn nhau là đủ hạnh phúc rồi, bây giờ nhìn nhau không thấy hạnh phúc nữa, thấy cái mặt muốn ghét. Ngày xưa thì nói “không có em làm sao anh sống nổi”, bây giờ có em sống hơi khó. Cho nên coi tivi không phải là mê tivi, mình muốn coi chỉ để khỏa lấp sự trống trải, những nỗi khổ niềm đau ở trong mình. Bà cũng vậy. Bà đọc tiểu thuyết, nghe nhạc hay lên mạng Internet không phải vì bà thích mấy chuyện đó. Bà có những nỗi khổ, niềm đau, sự trống trải, cô đơn nên bà đi tìm những cái khác để khỏa lấp. Cả ông cả bà đều làm giống hệt như nhau. Mình không biết cách nuôi dưỡng tình yêu, mình để cho tình yêu chết. Mình đã có những vụng về trong khi hành xử.

>> Xem nguyên văn bài giảng "Giấc mơ lớn nhất của đời anh là gì" của thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại