Đó là nội dung của công văn chính thức vừa được UBND TP Hà Nội gửi đến Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Theo ông Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, cuộc hội thảo sẽ được tổ chức vào hồi 14 chiều mai (5/6) và đại diện Hội Sử học sẽ trình bày rõ quan điểm của mình tại cuộc hội thảo lần này.
Trước đó, vào sáng ngày 8/5, tại Hà Nội cũng đã diễn ra buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn đàn Xã Tắc do Tạp chí Tia Sáng tổ chức với phần thuyết trình khá đầy đủ và chi tiết của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) – người trực tiếp tổ chức khai quật di tích đàn Xã Tắc (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) vào năm 2006.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Bên cạnh một số ý kiến đồng ý với phương án xây cầu vượt (đi qua di tích đàn Xã Tắc) thì đa số quan điểm các chuyên gia cho rằng không nên xây cầu vượt đi qua di tích và cho rằng đây là hành vi “xâm phạm di tích”, là “coi thường lịch sử”…
Ngoài ra, trước đó, tại buổi tọa đàm về vấn đề bảo tồn và phát huy di tích làng cổ Đường Lâm được tổ chức tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vào sáng 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng khẳng định: Vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm, tu bổ chùa Một Cột và bảo tồn đàn Xã Tắc đang là 3 “điểm nóng” về bảo tồn di tích hiện nay của Hà Nội cần sớm được tháo gỡ.