Trao đổi với PV chiều này 5/10, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết với một vị tướng tài ba, đức độ, có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TP Hà Nội lúc nào cũng mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của Thủ đô.
Về thông tin mới đây giáo sư sử học Phan Huy Lê đã có ý tưởng đề xuất Hà Nội nghiên cứu đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho con đường mới từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết hiện TP Hà Nội vẫn chưa nhận được đề xuất chính thức về việc này.
“Với một người có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng, nếu nhận được đề xuất TP sẽ nghiên cứu ngay. Và ngay cả khi không có đề xuất, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và nếu điều kiện cho phép sẽ lựa chọn những con đường xứng tầm để xin ý kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc về việc này” - bà Ngọc cho hay.
* Nghị định của Chính phủ Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng:
Trong chương 2, mục 1 và mục 2 của Nghị định của chính Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã nêu rất rõ về nguyên tắc đặt tên đường, tên phố:
Chương 2: Nguyên tắc về cách đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
Mục 1: Nguyên tắc chung
Điều 4. Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên.
Điều 5. Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
Điều 6. Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị. Trong trường hợp đặc biệt thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân để có phương án xử lý phù hợp.
Điều 7. Đô thị loại đặc biệt cần lựa chọn tên các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu của cả nước hoặc của thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, nghệ thuật, khoa học, an ninh, quốc phòng để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng. Các đô thị còn lại, căn cứ vào phân loại cấp đô thị để lựa chọn sự kiện lịch sử - văn hoá, danh nhân đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng cho phù hợp; cần ưu tiên lấy địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu của địa phương mình để đặt tên đường, phố và công trình công cộng.
Điều 8. Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng đô thị loại đặc biệt và địa phương, đơn vị gắn liền với những đóng góp to lớn của danh nhân.
Điều 9. Căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường, phố và công trình công cộng để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân.
Mục 2: Đặt tên đường, phố
Điều 10. Đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây:
1. Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.
2. Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.
3. Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
4. Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.
5. Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.
Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
Điều 11. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố loại I trực thuộc Trung ương cần quy hoạch đại lộ. Tên đặt cho đại lộ phải là tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc tên danh nhân tiêu biểu nhất.
Điều 12. Đường, phố quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên.
Điều 13. Không đặt tên cho ngõ (kiệt), ngách (hẻm). Ngõ (kiệt) được gọi theo biển số nhà đầu ngõ (kiệt), tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách (hẻm) được gọi theo biển số nhà đầu ngách (hẻm), tính từ đầu ngõ (kiệt).
Như vậy, căn cứ vào các điều khoản 10.1, 10.5 và điều 11 của Mục 2, chương 2 của Nghị định của chính Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thì tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đầy đủ điều kiện để có thể trở thành tên một con đường lớn ở Hà Nội. Toàn thể người dân thủ đô nói riêng và toàn quốc nói chung mong ngóng tên của vị tướng tài kiệt xuất sẽ sớm xuất hiện trên con phố thủ đô.
TIN MỚI NHẤT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP