Ba ba Nam Bộ nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) năm 2007 với mức cảnh báo VU – sẽ nguy cấp trong tương lai. Nó còn có mặt trong Phụ lục II của Công ước Quốc tế Buôn bán các Động-Thực vật Nguy cấp (CITES) năm 2009. Rùa Núi Vàng và Rùa Trung Bộ, những loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam và giá hàng triệu đồng một cân mà không có bán, cũng nằm trong Phụ lục II của CITES. Đây là nhóm động vật mà việc buôn bán chúng cần được kiểm soát để tránh nguy cơ tuyệt chủng.
Bỏ tiền để được xem ba ba Nam Bộ (Nguồn: ENV).
Ban hành kèm Phụ lục II của Công ước CITES, có một văn bản pháp luật của Chính phủ Việt Nam quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền. Quyết định 74/2008/QĐ-BNN ngày 20-6-2008 nêu đích danh Cục trưởng Cục Kiểm lâm có trách nhiệm thi hành quyết định, tức là phải thụ lý những vụ ba ba Nam Bộ.
Mục b, Khoản 9, Điều 3 của Nghị định 99/2009/NĐ-CP về Xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có quy định “hành vi vi phạm hành chính đối với các loài trong Phụ lục II (Công ước CITES)” thì bị xử lý “như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, IIB” của Nghị định 32/2006/NĐ-CP.
Còn Khoản b, Điểm 9, Điều 19, của Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết trái quy định của pháp luật động vật rừng hoặc bộ phận của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ 160.000.000 đồng thì bị phạt từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Với những quy định rõ ràng như vậy, theo Luật sư Nguyễn Việt Triều – Trường Văn phòng Luật sư Việt Triều, Hà Nội, ông Toàn hoàn toàn có thể bị phạt tiền.
Nhóm PV/Tiền phong