Công trình xây dựng nói trên là công trình Chung cư cao tầng và Trung tâm thương mại văn phòng tại 250 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Cty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư, đơn vị góp vốn và cũng là đơn vị tổng thầu xây lắp là Cty CP Đầu tư Xây dựng ECON. Theo thiết kế, công trình này có hai tầng hầm; hai tòa nhà cao 25 tầng và một tòa nhà cao 19 tầng.
Theo phản ánh của hơn chục hộ dân tại tổ dân phố số 48, phường Minh Khai thì tất cả các bức tường, dầm, trần nhà của các hộ đều bị nứt, gãy, nền nhà bị lún… Nguyên nhân được cho là do việc thi công công trình chung cư cao tầng nói trên.
Một trong số hàng chục vết nứt, gãy tường, trần, cột nhà bà Nhở với chiều rộng lên tới 2-3cm và kéo dài từ trần nhà (tầng 2) xuống tầng 1.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, đơn vị thi công khi đào móng bắt đầu xây dựng hai tầng hầm đã không đảm bảo an toàn. Cụ thể là việc đơn vị thi công đã không đóng cọc cừ khiến gần trăm ngôi nhà liền kề công trình xây dựng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng như lún nền, gãy trần, nghiêng nhà, nứt tường, thấm dột… Nghiêm trọng hơn, đã có 5 ngôi nhà bị sụp đổ.
PV tìm tới tổ dân phố số 48, gặp bà Nguyễn Thị Nhở, chủ số nhà 88 B4 thuộc khu tập thể Cty CP May Thăng Long. Bà Nhở ngao ngán dẫn chúng tôi đi xem các vết nứt toác trên trần, tường nhà bà.
Bà Nhở cho hay, gia đình bà mới sửa sang ngôi nhà rộng 107m2 với số tiền gần 400 triệu đồng cách đây 3 năm. Thế nhưng, từ khi công trình chung cư cao tầng ngay sau lưng nhà bà đi vào xây dựng thì căn nhà của gia đình bà bắt đầu xuất hiện những vết nứt uốn lượn khắp nhà, trần nhà gẫy, nhà nghiêng, thấm dột…
Nền nhà lún nghiêng khiến cột trụ và kết cấu nhà của các hộ dân bị nứt toác, dột, thấm nước mỗi khi trời mưa.
Trong các hộ bị ảnh hưởng, nặng nhất là nhà số 5/44/252 – hộ anh Trương Quang Vinh; nền nhà bị lún, nghiêng hẳn về phía công trình đang thi công. Nhiều vết nứt rộng 5-10cm kéo dài cả vài mét. Hiện gia đình anh đã phải di dời đi nơi khác để sống. Chủ đầu tư đã phải cho người tới dỡ bỏ bức tường của ngôi nhà này và cho quây tôn kín xung quanh.
Bà Nhở cho biết thêm, ban đầu, những vết nứt này chỉ như những vết rạn do tường khô. Tuy nhiên, mỗi ngày các vết nứt đó mở rộng hơn và dẫn tới sự tách rời các kết cấu của cột, tường nhà.
Nền nhà bị bẻ gãy với rãnh lớn, nhiều đoạn tường nhà đang bị toác ra với các vết loằng ngoằng. Do sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào nên đã nhiều tháng nay, bà Nhờ phải đi ngủ nhờ chứ không dám ngủ ở nhà.
Đối diện với hộ bà Nhở là gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn với tam tứ đại đồng đường, cả thảy 10 người sống trong ngôi nhà đang bị lún nghiêng và nhiều vết nét toác trên tường nhà.
Điển hình của việc lún nền nhà được thể hiện tại nhà bà Nhàn. Ngôi nhà giờ đây trong tình trạng nghiêng dốc về phía công trình thi công khiến gia đình bà phải kê khoảng 7cm gỗ cho 1 bên tủ.
Trước đây, chiếc tủ trong gia đình bà dựng ở phòng khách không phải kê bất cứ thứ gì thì nay một đầu tủ phải kê thêm 7cm gỗ thì tủ mới cân đối như cũ.
Bà Nhàn ngao ngán thở dài: “Không biết sống chết thế nào. Họ (đơn vị thi công, chủ đầu tư – PV) thì kêu khó khăn, mà đền bù sửa chữa do họ đưa ra có hơn 60 triệu thì nhà tôi sao sửa nổi?”
Bà Nhơn cho biết, gia đình bà và các hộ dân sinh sống tại dãy B4 đề nghị đơn vị chủ đầu tư tự sửa chữa trở lại nguyên trạng cho các hộ, đồng thời chịu toàn bộ chi phí di dời, đi thuê nhà ở cho các hộ trong thời gian sửa chữa; hoặc phương án khác là đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công đền bù thiệt hại để các hộ tự sửa chữa tính theo m2 mặt sàn, mỗi m2 là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, đơn vị chủ đầu tư lại “kêu” giá quá cao.
Và cho tới nay, kể từ tháng 3/2012 đã gần 1 năm trôi qua, người dân vẫn luôn phải sống trong sự sợ hãi, nỗi lo nhà sập bất cứ lúc nào nhưng vẫn chưa có giải pháp cuối cùng nào được đi tới thống nhất.