Nhiều tiền chưa chắc đã vào được trường Quốc tế
Tại sao giới nhà giàu phần đa số đều định hướng cho con em mình theo học trường quốc tế với những khoản học phí cao ngất ngưởng? Câu hỏi này có lẽ đã được đem ra bàn luận quá nhiều và câu trả lời chỉ cần tóm gọn đơn giản trong 4 chữ “đắt xắt ra miếng”. Tiền bạc của cải làm ra được rốt cuộc cũng chỉ là để lo cho con cái.
Ấy thế nhưng những ngôi trường Quốc tế cũng có cái uy, sự kiêu ngạo riêng cần thiết để khẳng định đẳng cấp của mình, khi không phải cứ đăng ký, đóng tiền là có thể vào học.
Tại một số trường tiểu học quốc tế cao cấp bậc nhất Thủ đô như SIS, HIS, UNIS hay Lycee Francais… trước khi phải trải qua một cuộc kiểm tra đánh giá về khả năng tư duy và trình độ ngoại ngữ trước khi nhập học thì các em nhỏ còn phải xếp hàng hồ sơ, đợi xét duyệt chỉ tiêu vào trường.
Mặt bằng chung mỗi năm tổng số học sinh tại các ngôi trường quốc tế này đều chỉ ở ngưỡng xấp xỉ 300 em. Trong đó 90% chỉ tiêu tuyển sinh là dành cho các em nhỏ có quốc tịch nước ngoài hoặc bố mẹ là cán bộ ngoại giao được ưu tiên. 10% còn lại là dành cho các em nhỏ người Việt có mong muốn được theo học ở trường.
Theo như tìm hiểu tại các trường này những em học sinh tiểu học ở đây đều có khả năng ngoại ngữ rất tốt, đa số các em đều bắt đầu theo học và được đào tạo ngoại ngữ nghiêm túc từ hệ mẫu giáo. Chẳng vậy mà đã có một thời gian nhiều dư luận phải đau đầu vì vấn đề con em mình nói tiếng tây còn giỏi hơn tiếng ta.
Như tại trường Lycee Francais – trường quốc tế Pháp, chỉ nhận tuyển sinh mới cho hệ mẫu giáo, còn từ hệ tiểu học trở lên trường chỉ tiếp nhận các em có quốc tịch Pháp và sử dụng được tiếng Pháp trôi chảy thành thạo.
Cuộc chiến kinh tế dài hơi của bậc phụ huynh
Cơ bản đại đa số các trường quốc tế đều vẫn giảng dạy, đào tạo theo chương trình Sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT Việt Nam song song với đó là một số bộ môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức…) theo chương trình giáo dục Quốc tế của trường.
Các trường quốc tế luôn có thế mạnh về khả năng đào tạo ngoại ngữ vượt trội, môi trường học tập thoải mái nhẹ nhàng, tự do sáng tạo, ưu tiên rèn luyện lối sống tự lập cho học sinh ngay từ nhỏ.
Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại một số vấn đề khá lớn mà bậc phụ huynh phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định cho con em mình theo học.
Theo đại điện một số trường quốc tế cao cấp tại Hà Nội cho biết, phần lớn các phụ huynh đều gửi gắm con em mình vào trường từ khi còn rất nhỏ và cũng đã xác định đây là con đường giáo dục mà các em sẽ đi theo trong suốt quá trình học tập của mình, từ mẫu giáo cho đến hết bậc phổ thông. Và xa hơn nữa, các em nhỏ này từ khi lên 5 lên 6 đã được bố mẹ quyết định tương lai học đại học theo hình thức du học nước ngoài. Sẽ là rất dở dang và khó khăn cho các em nếu như phải đi chệch ra khỏi con đường đã định sẵn này.
Theo tìm hiểu của PV ANTT.VN, tại một số trường quốc tế cao cấp hàng đầu ở Hà Nội như: Hanoi International School (HIS), United Nations International School có mức học phí trung bình 450 triệu đồng cho 1 năm học (10 tháng), chưa kể các khoản phí khác như phí ghi danh, phí cơ sở vật chất, phí bán trú, phí đưa đón,… cộng lại cũng phải lên tới gần 100 triệu đồng.
Mức đóng tại Singapore International School (SIS), Lycee Francais thấp hơn một chút so với hai trường dành cho con “nhà siêu giàu” kể trên khi chỉ xấp xỉ 250 triệu đồng/năm/10 tháng (đã gồm các khoản phí phụ ngoài học phí). Vậy nhưng mức phí này cũng đã đủ khiến nhiều người giật mình khi nhìn vào.
Đây sẽ là một cuộc chiến kinh tế trường kỳ cần sự dài hơi và dai sức của các bậc làm cha làm mẹ. Khi các khoản phí mà họ phải chi trả cho con em mình trong một năm học lên tới hàng trăm triệu và sẽ là tiền tỷ cho cả chặng đường dài ít nhất 12 năm này.
Nhân viên tại một trường quốc tế chất lượng cao chia sẻ, phụ huynh nên nắm rõ khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình, phải thật vững vàng, ổn định mới nên chọn gửi gắm con em mình vào các trường quốc tế. Có lẽ tốt hơn cả nên có sẵn vài căn nhà “xịn”, nhà mặt phố để cho thuê là chắc chắn nhất, vì trong cả một quá trình dài như vậy không ai biết được điều gì sẽ xảy đến trong tương lai.
Xem thêm clip:
Học sinh bị bắt cóc ngay trong trường học. (Nguồn: VTC1)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA