Đóng cửa cây xăng không đủ điều kiện
Lập được danh sách những cây xăng tại TP Hà Nội không đủ điều kiện kinh doanh phải di dời là nỗ lực của nhiều đợt kiểm tra liên ngành, đặc biệt là qua hai đợt tổng kiểm tra sau vụ cháy cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm).
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong tổng số 441/448 cửa hàng xăng dầu đã kiểm tra, có 45 cửa hàng không đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ; hơn 300 cây xăng cần phải khắc phục một số điều kiện để tiếp tục được kinh doanh.
Sau cuộc họp ngày 6/9 với đại diện 45 cây xăng không đảm bảo các điều kiện kinh doanh, Sở Công Thương đã “chốt” danh sách những cây xăng sẽ bị “trảm”. Tuy nhiên, đó là những cây xăng nào thì cần phải chờ UBND TP Hà Nội phê duyệt.
“Những cây xăng không đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và bị đóng cửa là điều chắc chắn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải chờ thành phố phê duyệt danh sách các cây xăng bị đóng cửa”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết.
Theo ông Đồng cuộc họp giữa Sở Công Thương Hà Nội với chủ doanh nghiệp của 45 cây xăng không đủ tiêu chuẩn nhằm tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân, khó khăn của họ. “Thời gian hơn một tuần để đóng cửa những cây xăng không đạt chuẩn là rất ngắn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải phóng hàng tồn kho, ổn định đời sống cho người lao động. Do đó, Sở cũng muốn lắng nghe những kiến nghị của phía doanh nghiệp để phối hợp với các ban ngành cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn”, ông Đồng nói.
Về việc giải quyết việc làm cho người lao động tại các điểm kinh doanh xăng dầu bị di dời, ông Đồng cho biết: “Điều này phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp. Họ có thể sẽ điều chuyển người lao động đi làm những công việc khác phù hợp.
Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một cơ sở kinh doanh mà cơ sở đó phải đóng cửa, người lao động sẽ phải nghỉ làm”. Phương án đảm bảo nhu cầu sử dụng xăng dầu cho người dân sau khi những điểm kinh doanh xăng dầu kia bị di dời cũng đã được lên kế hoạch.
Cụ thể, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đã kiến nghị với UBND TP Hà Nội rà soát mạng lưới kinh doanh xăng dầu và quỹ đất hiện có để có thể cho bổ sung thêm những điểm kinh doanh xăng dầu mới nếu có đủ các điều kiện. Trong đó, ưu tiên cho những cửa hàng phải ngừng hoạt động trong dịp này, thực hiện đầu tư vào các điểm quy hoạch mới có đủ điều kiện; tăng cung ứng xăng dầu của các điểm kinh doanh xăng dầu được phép tồn tại.
Cây xăng nào không đảm bảo an toàn?
Mặc dù danh sách các cây xăng bị di dời thời điểm tới đây chưa được công bố chính thức vì lý do “chờ UBND TP Hà Nội phê duyệt”, tuy nhiên, không khó để có thể nhận định những cây xăng nào sẽ bị “trảm” dịp này.
Kết quả kiểm tra đối với 52 cây xăng trong địa bàn 10 quận nội đô vào thời điểm tháng 6/2013, Sở Công Thương cho biết: Có 7 cây xăng đảm bảo điều kiện kinh doanh, 30 cây xăng cần phải khắc phục một số điều kiện để được kinh doanh và có 15 cây xăng phải di chuyển, dỡ bỏ do không đủ điều kiện.
Sở Công Thương khi đó đã đề xuất với UBND TP Hà Nội di dời 15 cây xăng, bao gồm các cây xăng tại các địa chỉ: Số 9 Trần Hưng Đạo; số 249 Thụy Khuê; số 276 Thụy Khuê; số 22 Vạn Phúc (Hà Đông); số 8 Ba La (Hà Đông); cây xăng Quyết Tiến, Dương Nội (Hà Đông); số 484 Minh Khai; số 4 Nguyễn Đình Chiểu; số 29 Tạ Quang Bửu; số 1 Láng Hạ; số 463 Đội Cấn; số 179 Đê La Thành; số 171 Trường Trinh; số 313 Trường Trinh; số 7 ngõ 64 Kim Giang.
Theo ghi nhận của phóng viên, những cây xăng nằm trong danh sách 15 cây xăng kể trên đều nằm sát khu dân cư, không đảm bảo an toàn cháy nổ; diện tích quá hẹp hay nằm ở các điểm nút giao thông quan trọng.
Đơn cử như cây xăng tại số 9 Trần Hưng Đạo nằm ở nút giao trọng điểm giữa các tuyến phố Trần Hưng Đạo - Hàn Thuyên - Lò Đúc - Lê Thánh Tông; cây xăng 171 Trường Chinh nằm ở nút giao Trường Chinh - Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn; cây xăng số 4 Nguyễn Đình Chiểu nằm trên con phố chật hẹp, gần khu dân cư, liền kề Công viên Thống Nhất.