Trước năm 2000 số nhà 23 Điện Biên Phủ (phường Điện Biên) có tới cả chục hộ sinh sống và sử dụng sân chung diện tích 156m2.
Trong các hộ gia đình đó có gia đình ông Phạm Huy Thưởng ở gian nhà phía trong cùng có diện tích 36,8m2. Năm 2000, gia đình ông Thưởng đã làm thủ tục mua nhà trên theo Nghị định 61/1994/NĐ-CP của Chính phủ và đã được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong thời gian từ năm 2001 đến 2012 bà Lê Thị Ngọc Mai (số 23 Điện Biên Phủ) đã mua dần các hộ trong cùng số nhà 23 Điện Biên Phủ. Theo phản ánh của ông Thưởng, bà Mai đề nghị mua nốt căn nhà của ông Thưởng và một hộ khác trong cùng số nhà 23 Điện Biên Phủ nhưng không được hai hộ này chấp thuận. Khi không được sự chấp thuận của các hộ còn lại, vào tháng 8/2011 bà Mai ngang nhiên cho bịt cửa của những hộ này.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, khoảng 19h tối ngày 26/01/2013 bà Mai đã tổ chức khoảng 10 kẻ lạ mặt khóa cửa số nhà 23 Điện Biên Phủ, phá dỡ một phần nhà ông Thưởng.
Đến 22h00 Công an phường Điện Biên, Cảnh sát 113 (Công an quận Ba Đình), cán bộ quản lý xây dựng phường Điện Biên đến hiện trường yêu cầu các đối tượng lạ mặt trên dừng việc hủy hoại tài sản nhà ông Thưởng. 23h00 Công an phường, Cảnh sát 113, cán bộ quản lý xây dựng phường ký biên bản yêu cầu các đối tượng trên dừng phá dỡ.
Tuy nhiên, khi bút ký biên bản của lực lượng chức năng chưa ráo mực thì gia đình bà Mai lại tiếp tục chỉ huy việc phá dỡ nhà ông Thưởng suốt đêm, đồng thời xây dựng tường mới, bịt lối đi của gia đình ông Thưởng.
Ngay sau khi tài sản của gia đình bị hủy hoại, ông Thưởng đã có đơn gửi Công an quận Ba Đình đề nghị điều tra xử lý những đối tượng ngang nhiên phá nhà, đến nay đã ba tháng trời nhưng cơ quan cũng chưa có động thái gì đến đơn tố cáo khiến ông Thưởng rất bức xúc.
Ông Thưởng tiếp tục gửi đơn tố cáo các đối tượng phá nhà ông đến Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) quận Ba Đình. Ngày 7/3/2013, VKSND quận Ba Đình có văn bản số 02 chuyển đơn tố giác của ông Thưởng sang Công an quận Ba Đình xem xét giải quyết. Tuy nhiên, một lần nữa cơ quan này lại “bặt vô âm tín”.
Điều đáng nói, theo biên bản được lập tại trụ sở Công an phường Điện Biên, có xác nhận của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Công an phường Điện Biên, đại diện cảnh sát 113 Công an quận Ba Đình, cán bộ trật tự xây dựng phường Điện Biên đều xác nhận có nhiều kẻ lạ mặt và thợ xây tự ý phá bức tường giữa số nhà 21 và 23 Điện Biên Phủ.
Trong biên bản ghi rõ, nếu tiếp tục cố ý vi phạm phá hoại tài sản của công dân sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Như vậy, việc hủy hoại tài sản đã rõ, có xác nhận của cơ quan chức năng nhưng không hiểu vì lý do gì mà Công an quận Ba Đình lại chậm trễ xử lý vụ việc khiến người dân bức xúc.